Tăng phối hợp để kéo giảm thất thoát nước

Tính đến thời điểm này, tỷ lệ nước thất thoát của TPHCM là 27,24%. Ngành cấp nước TPHCM đề ra chỉ tiêu kéo giảm tỷ lệ nước thất thoát xuống 24% vào cuối năm nay. 
Công nhân Công ty CP Cấp nước Thủ Đức thi công mạng cấp nước phục vụ người dân
Công nhân Công ty CP Cấp nước Thủ Đức thi công mạng cấp nước phục vụ người dân

Nếu như tại khu vực các quận nội thành cũ, nguyên nhân chính của thất thoát nước do đường ống cũ mục, còn tại các khu vực ngoại thành, vùng ven, những nơi đang xây dựng các đô thị mới thì thất thoát nước chiếm phần lớn do thi công, nâng cấp, cải tạo đường.

Liên lụy vì các dự án hạ tầng

Ông Nguyễn Công Minh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức, thông tin: Công ty đang phục vụ khoảng 183.000 khách hàng sinh sống các quận 2, 9, Thủ Đức và một phần tỉnh Bình Dương (dọc theo xa lộ Hà Nội). Mạng lưới cấp nước khu vực chưa đồng bộ, trải rộng lại xen kẽ mạng vòng và mạng cụt để cung cấp nước cho lượng dân cư phân bố, phát triển không đồng đều khiến công tác phát hiện, xử lý các điểm xì, bể gặp khó khăn.

Song song đó, các quận 2, 9 và Thủ Đức là nơi đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh với nhiều dự án hạ tầng giao thông (nâng cấp mở rộng xa lộ Hà Nội, dự án đường sắt đô thị số 1…), dự án phát triển đô thị mới. Tuy nhiên, việc thi công các dự án này đã gây ảnh hưởng nhiều đến mạng lưới cấp nước.

Đặc biệt, trong việc triển khai dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức đã phải hủy thực hiện đối với 10.000 đồng hồ nước và “giải tỏa” khoảng 100km đường ống cấp nước cấp 3.

“Quá trình giải tỏa nhà dân không được thực hiện đồng loạt (do người dân chưa đồng tình - PV) mà giải tỏa theo kiểu chắp nối. Trong khi đó, việc cung cấp nước cho những hộ dân chưa bàn giao đất vẫn phải đảm bảo và đây cũng là nguyên nhân làm thất thoát nước gia tăng”, ông Minh phân tích.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức cũng cho biết trong thời gian qua, trên địa bàn của đơn vị đã xuất hiện nhiều điểm xì bể lớn, xảy ra trên tuyến ống cấp nước chính do các công trình hạ tầng gây ra.

“Năm 2016, đơn vị phát hiện và lập biên bản đối với 88 trường hợp thi công công trình làm bể đường ống cấp nước đường kính trên 100mm. Trong năm 2017, có một số khu vực được xem là “điểm đen” xì bể do công trình hạ tầng với quy mô lớn như thi công ồ ạt kéo dài như ở đường Lê Văn Việt (quận 9); công trình thi công cống đường số 2 (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức); công trình thi công cống dọc đường Lương Định Của, Trần Não (quận 2)… Đa phần các sự cố bể xảy ra trên ống cấp nước lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, công ty cũng lập biên bản hiện trường 44 trường hợp gây xì bể trên mạng lưới cấp nước của đơn vị và truy thu gần 75.560m3 nước”, ông Nguyễn Công Minh dẫn chứng.

Hiệu quả từ các mô hình mới

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức Nguyễn Công Minh khẳng định, đối với các khu vực đang có tốc độ đô thị hóa cao, đường ống cấp nước dễ bị tác động, gây ra xì bể và làm tăng lượng nước thất thoát. Nhiều khu vực như ở phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), việc duy tu, sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc phát triển mạnh hệ thống hạ tầng như đường sá, cống thoát nước, cáp ngầm… nhưng thiếu đồng bộ dẫn đến tình trạng xây dựng chồng chéo. Đặc biệt ở các tuyến đường Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng được nâng cao, khiến các đường cấp nước hiện hữu bị chôn sâu xuống đất nên việc dò tìm, phát hiện cũng như xử lý các điểm rò, bể mất rất nhiều thời gian.

“Khu vực thuộc địa bàn của chúng tôi có nhiều tuyến đường chưa được giải tỏa, mở rộng theo đúng lộ giới. Vì vậy, hệ thống cấp nước không thể lắp đặt theo đúng ranh quy hoạch mà chỉ đặt theo vị trí đường hiện hữu. Sau này, khi đường sá mở rộng, đường ống cấp nước “vô tình” nằm giữa đường thì buộc phải di dời. Nhiều tuyến ống chưa hết khấu hao đã phải di dời và khi đó phải chấp nhận một tình trạng nữa là ống bị tác động dễ bị bể và hư hỏng”, ông Minh phân tích thêm.

Tuy gặp các nguyên nhân chung (do đường ống cũ mục) và các lý do đặc thù của khu vực có tốc độ phát triển đô thị như đã phân tích như trên, song công tác chống thất thoát nước của Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, tỷ lệ thất thoát nước thực của công ty trung bình 6 tháng đầu năm 2017 đã giảm còn 16,69% (giảm 5,21% so với mức trung bình của năm 2016). Có được kết quả trên, theo đánh giá của ông Nguyễn Công Minh là do đơn vị đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là với 2 mô hình mới.

Cụ thể, từ cuối năm 2016, công ty bắt đầu thực hiện mô hình đội quản lý ghi thu đồng hồ nước, góp phần tăng nhanh sản lượng đồng hồ con của công ty và giảm lượng nước thất thoát vô hình. Từ tháng 4-2017, công ty tiếp tục áp dụng mô hình đội quản lý mạng lưới cấp nước đã giúp tăng tính chủ động trong công tác giảm nước thất thoát thất thu; tạo sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các phòng, ban, đội trong công ty. Ngoài ra, Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức cũng đẩy mạnh nhân rộng mới các khu vực đồng hồ tổng (DMA) để thực hiện công tác giảm thất thoát nước thất thu; đồng thời kết hợp với các biện pháp khác như dò bể, xử lý kịp thời các điểm xì bể do công trình hạ tầng gây ra.

“Công ty tăng cường tuần tra mạng lưới cấp nước, kết hợp với địa phương lập biên bản xử lý tại hiện trường các trường hợp xì bể và sửa chữa kịp thời. Chúng tôi còn khen thưởng cho hơn 500 khách hàng (tổng số tiền hơn 25 triệu đồng) đã thông báo sự cố về đường ống cấp nước, nhằm khuyến khích người dân thông báo đến công ty khi xảy ra sự cố để sửa chữa kịp thời, tránh thất thoát nước”, ông Nguyễn Công Minh chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục