Tăng quy mô, sản lượng đủ sức chi phối thị trường

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM, năm 2014 nhờ chủ động liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi, lượng hàng thực phẩm cung ứng cho thị trường TP tăng khá cao, trong đó lượng thịt heo 18% so với năm 2013; thịt gia cầm tăng hơn 30%. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, nguồn cung thực phẩm tươi sống từ các doanh nghiệp (DN) trong nước rất dồi dào, phong phú, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc nguyên liệu thịt và trứng gia cầm từ các DN FDI để ổn định giá bán.
Tăng quy mô, sản lượng đủ sức chi phối thị trường

Kế hoạch phát triển chăn nuôi, tạo nguồn hàng năm 2015

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM, năm 2014 nhờ chủ động liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi, lượng hàng thực phẩm cung ứng cho thị trường TP tăng khá cao, trong đó lượng thịt heo 18% so với năm 2013; thịt gia cầm tăng hơn 30%. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, nguồn cung thực phẩm tươi sống từ các doanh nghiệp (DN) trong nước rất dồi dào, phong phú, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc nguyên liệu thịt và trứng gia cầm từ các DN FDI để ổn định giá bán.

Chủ động, sáng tạo

Năm 2012 không chỉ đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) tại TPHCM, mà đây cũng là năm TPHCM cùng lúc đẩy mạnh việc triển khai thêm nhiều đề án, chương trình nhánh. Một trong những đề án nổi bật, đó là Kế hoạch phát triển chăn nuôi TPHCM tạo nguồn thực phẩm bình ổn thị trường giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020.

Kế hoạch này do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo trực tiếp, giao Sở NN-PTNT phối hợp với cùng các sở, ngành chức năng cùng tổ chức thực hiện. Với kế hoạch này, TPHCM cũng tạo điều kiện tốt nhất, từng bước hình thành một đội ngũ DN chủ lực trong ngành chăn nuôi, có đủ lượng hàng cung ứng và chi phối, dẫn dắt giá cả thị trường. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng, hiện TP không chỉ lo nguồn hàng cho 10 triệu dân TP mà còn là đầu mối cung ứng hàng hóa đến nhiều tỉnh, thành cả nước. Nếu không chủ động được nguồn hàng, sẽ khó có thể đảm bảo cung - cầu, ổn định giá cả hàng hóa.

Với các DN tham gia cũng thể hiện rõ sự cố gắng để duy trì triển khai và đầu tư mới phát triển chăn nuôi, nhất là tập trung phát triển về con giống, nguồn cung ứng giống gia súc, gia cầm nhằm chủ động trong sản xuất, tạo nguồn hàng cung cấp cho tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trên địa bàn TP. So với năm 2013, lượng hàng cung ứng từ chương trình đã tăng 18% so với năm 2013, cụ thể heo thịt là 42.580 con, tương ứng 13.414 tấn (tăng 18% so năm 2013); gia cầm 2.520.163 con, tương ứng 56.710 tấn (tăng 35%); trứng gia cầm trên 362 triệu quả (tăng 2%). Tính lũy tiến từ năm 2012 -2014, các DN tham gia bình ổn đã cung cấp cho thị trường TPHCM 390.493 con heo thịt, tương ứng 35.209 tấn; 53.105.163 con gia cầm, tương ứng 133.683 tấn; trứng gia cầm 986,83 triệu quả.

Điều đáng lưu ý, hầu hết các DN tham gia thực hiện triển khai kế hoạch đều đã vươn lên bằng chính sự chủ động, sáng tạo của mình, trở thành một trong những DN chủ lực, dẫn đầu ngành chăn nuôi của cả nước. Có thể kể đến như Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn, Công ty Vissan, Công ty Thanh niên xung phong (TNXP), Công ty TNHH Phạm Tôn, Công ty TNHH Ba Huân, Công ty Cổ phần Vĩnh Thành Đạt, Công ty TNHH San Hà… Đây cũng là những DN tiên phong trong việc phát triển sản xuất, kinh theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Nhiều sản phẩm trong chương trình đã được người tiêu dùng tín nhiệm, có sức chi phối thị trường lớn trên thị trường như sản phẩm gia cầm của Công ty Phạm Tôn chiếm tới 39% thị phần; Vissan khoảng 20% thị phần thịt gia súc; Ba Huân hơn 30% trứng gia cầm…

Nuôi heo cung ứng thịt bình ổn thị trường tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Phát triển nhanh các mô hình liên kết

Phát huy những kết quả đạt được trong CTBOTT năm 2014, trong CTBOTT năm 2015 (được triển khai kể từ ngày 1-4-2015), các DN tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để tăng quy mô và sản lượng hàng hoá cung ứng cho thị trường.

Cụ thể, Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn mở rộng liên kết các trại vệ tinh; tăng cường các điểm phân phối sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn VietGAP; triển khai xây dựng trại gà giống tại Bình Phước và xây dựng hoàn chỉnh Dự án trại giống cấp 1 tại Củ Chi. Công ty sẽ liên kết với lực lượng TNXP xây dựng 2 trại với quy mô 5.000 con/trại, trong đó có 500 con heo nái. Công ty TNHH Ba Huân duy trì hoạt động 22 trại nuôi gà đẻ trứng thương phẩm với quy mô 724.000 con và nhà máy ấp nở gà giống quy mô 2.400.000 con/năm; đồng thời nâng quy mô đầu tư các trại ở Kiên Giang, Bình Phước đưa đàn gà giống đến các trại của công ty và các trại vệ tinh đặt tại các tỉnh. Công ty TNHH Vĩnh Thành Đạt duy trì và mở rộng mạng lưới liên kết gà và vịt đẻ trứng, trong đó khép kín quy trình và chủ động 100% nguyên liệu trứng gia cầm cung cấp cho thị trường.

Với các DN cung ứng mặt hàng thịt gia cầm như Công ty TNHH Phạm Tôn, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác để phát triển nhanh mô hình liên kết 3 bên, nâng quy mô tổng đàn tăng bình quân từ 30%-50%/năm; tiến hành đầu tư một nhà giết mổ với quy mô hiện đại đặt tại huyện Củ Chi, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2016.

Công ty TNHH San Hà tiếp tục đầu tư tại 3 HTX (Gò Công, Phú Ngọc, Bầu Trâm) cung cấp nguồn gà ta với quy mô 300.000 con. Hợp tác phát triển đàn vịt thịt tại xã Phú Định, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đồng thời xây dựng trại gà trứng quy mô 40.000 con, cung cấp bình quân 1,1 triệu quả trứng/tháng.

Theo nhận định của ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, kế hoạch phát triển chăn nuôi TPHCM tạo nguồn hàng thực phẩm bình ổn thị trường đã đạt được những hiệu quả và đang có chiều hướng tiếp tục phát triển tốt trong những năm tiếp theo. Để nâng cao hiệu quả CTBOTT, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm bình ổn giai đoạn 2012-2015, định hướng 2020, ông Nguyễn Phước Trung kiến nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cần chủ trì triển khai đến các DN Nghị định số 210/2013 ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thông qua Thông tư 05/2014/TT-BKHĐT về hướng dẫn thực hiện Nghị định 201/2013 để đông đảo các DN, HTX biết đến các chủ trương này.

Đối với các DN tham gia bình ổn thị trường cần tập trung liên doanh, liên kết để hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ khâu cung cấp con giống, thức ăn đến tiêu thụ sản phẩm, nhất là đẩy mạnh các hoạt động mua bán con giống, thức ăn chăn nuôi giữa các DN, từ đó có sự tương hỗ cùng nhau phát triển. Chỉ như vậy, ngành nông nghiệp mới phát triển mang tính tập trung, tạo thành sức mạnh tổng hòa chi phối thị trường, giá cả.

HÙNG MINH

Tin cùng chuyên mục