Tăng thu nhập từ chuyển đổi cây trồng


Thời gian qua, nông dân các tỉnh ĐBSCL tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả, để chuyển sang trồng cây cho giá trị kinh tế cao hơn. Đây là hướng đi tất yếu nhằm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân. 
Tăng thu nhập từ chuyển đổi cây trồng

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, năm 2018 toàn vùng Nam bộ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa (đa phần đất sản xuất lúa kém hiệu quả) đạt khoảng 68.019ha; trong đó, riêng các tỉnh ĐBSCL nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 62.233ha đất lúa sang trồng cây khác. Đông xuân là vụ mà nông dân các tỉnh Nam bộ chuyển đổi nhiều nhất với tổng diện tích ước đạt 55.216ha (cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây bắp, lạc, đậu tương, vừng, rau đậu các loại, cây ăn quả). Kế đến là vụ hè thu năm 2018 chuyển đổi ước đạt 8.299ha; vụ mùa chuyển đổi khoảng 4.589ha…

Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho rằng, việc chuyển đổi từ đất lúa sang trồng rau màu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập đáng kể trên cùng một diện tích. Cụ thể, mô hình trồng bắp trắng giúp nông dân An Giang đạt năng suất khoảng 8.207 trái/công, giá bán 1.700 đồng/trái, thu về được 13,5 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 7,7 triệu đồng/công; trồng ớt trên đất lúa cho năng suất 2.000kg/công, tổng thu khoảng 24 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 6,9 triệu đồng; trồng khoai cao thu về khoảng 13 triệu đồng/công, trừ chi phí còn lãi 6 triệu đồng/công… 

Tại Tiền Giang, một số cây rau màu trồng trên đất lúa cho lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 15 - 23 triệu đồng/ha. Trồng cây ăn trái như sầu riêng cho năng suất bình quân 25 tấn/ha, trừ chi phí còn lời hơn 800 triệu đồng; bưởi da xanh năng suất gần 20 tấn/ha trở lên, lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng; xoài cho năng suất gần 20 tấn/ha, lợi nhuận từ 600 triệu đồng/ha trở lên... cao hơn lúa nhiều lần. 

Trong khi đó, ở Hậu Giang thời gian qua nhiều nông dân cũng đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng cây ăn trái đem lại kết quả khích lệ. Điển hình như trồng quýt đường thu về khoảng 310 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi 191 triệu đồng/ha; trồng chanh thu được 463 triệu đồng/ha, lời 374 triệu đồng/ha; bưởi thu được khoảng 250 triệu đồng/ha, lời 142 triệu đồng/ha… 

Nhiều nông dân ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) bộc bạch: “Thực tế sau nhiều vụ canh tác cho thấy, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái đã tạo hướng đi mới để nông dân tăng thu nhập, hướng tới làm giàu. Những sản phẩm như hành lá, đậu bắp, hẹ, bắp cải… được các tỉnh ĐBSCL, thị trường TPHCM tiêu thụ quanh năm. Vì vậy, nông dân chỉ cần sản xuất đạt năng suất, chất lượng… là đảm bảo lợi nhuận cao hơn lúa”. 

Theo Cục Trồng trọt, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, năm 2019, các tỉnh ĐBSCL dự kiến chuyển đổi khoảng 124.526ha đất lúa sang trồng các loại cây khác nhằm tăng thu nhập cho nông dân; trong đó, cây trồng hàng năm khoảng 107.812ha. Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, hạn chế trong chuyển đổi cây trồng trên đất lúa là còn mang tính tự phát, chưa phù hợp với quy hoạch; một số cây trồng cạn khi chuyển đổi còn kém thế cạnh tranh, chưa ổn định đầu ra do quy mô sản xuất nhỏ lẻ; việc chuyển đổi sản xuất còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ; chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ. Ngoài ra, một số địa phương chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo chuyển đổi và tổ chức sản xuất chưa đạt hiệu quả. Mặc khác, cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi chưa đáp ứng kịp... 

Khắc phục những hạn chế trên, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền về mục đích, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Lựa chọn các giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng vùng, khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt. Hướng dẫn kỹ thuật canh tác từng loại cây trồng chuyển đổi cho nông dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án, để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp nông dân học hỏi áp dụng. Đặc biệt là đẩy mạnh kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm ổn định cho các hộ dân trong vùng chuyển đổi cây trồng... 

Tin cùng chuyên mục