Tăng thực hiện quy hoạch thoát nước để chống ngập

Hiện nay, quy hoạch thoát nước, quy hoạch chống ngập cho TPHCM đã có và nhiều công trình với chi phí hàng tỷ USD được triển khai thực hiện nhưng vẫn còn một số khu vực bị ngập nặng do mưa và triều cường. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS-KS Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TPHCM, về vấn đề này.
Ngập nước do triều cường trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TPHCM
Ngập nước do triều cường trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TPHCM
PHÓNG VIÊN: Việc chống ngập tốn khá nhiều tiền mà vẫn chưa giảm ngập được bao nhiêu vậy, thưa ông?
TS - KS Võ Kim Cương: Về lý thuyết, muốn không bị ngập thì độ cao nền xây dựng phải cao hơn mức nước cao nhất theo tần suất lịch sử (tùy quy mô và giá trị công trình). Nếu thực hiện đúng quy chuẩn, theo xác suất có thể trăm năm mới bị ngập một lần. Nhưng tại TPHCM hiện nay, các khu vực bị ngập do triều cường là do nước đã chảy ngược từ cống thoát lên và gây ngập mặt đường, có chỗ ngập tới nửa mét. Tình trạng ngập còn nặng hơn khi đỉnh lũ trùng vào thời điểm có đỉnh triều cường. 
Nếu không kể tới nguyên nhân do biến đổi khí hậu và lún từ biến (nền công trình lún tự nhiên trong thời gian dài), do tắc cống thì ngập nước đô thị hiện nay là hậu quả lâu dài (có tính tích lũy) của 3 quá trình hình thành và phát triển đô thị, đó là phát triển tự phát (không quan tâm tới cốt nền), phát triển không có quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và phát triển có quy hoạch hoàn chỉnh nhưng không đồng bộ giữa quy hoạch với kế hoạch việc thực hiện. 
 Nói đến vấn đề quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển đô thị trong thời gian qua ở TPHCM không tôn trọng đúng mức cốt nền xây dựng. Và đây là nguyên nhân chính gây ngập, ông nghĩ sao về ý kiến này? 
 Mặc dù TPHCM có khu vực phát triển đô thị tự phát hoặc bán tự phát, thế nhưng, về tổng thể, TPHCM đã phát triển đô thị theo quy hoạch xây dựng; trong đó có quy hoạch san nền thoát nước ở tất cả các cấp quy hoạch, có quy hoạch phân khu 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500. Việc xác định độ cao san nền và lập quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước để chống ngập là một nội dung của quy hoạch đô thị, từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết. Xác định cao độ san nền theo đúng quy hoạch là công việc đầu tiên của việc xây dựng công trình. Cốt nền và thoát nước liên quan mật thiết với nhau và thường do một tác giả thiết kế; do đó, đề cập đến cốt nền buộc phải đi từ quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước. Vì vậy, theo tôi, nói việc phát triển đô thị tại TPHCM thời gian qua chưa tôn trọng đúng mức đến cốt nền là chính xác nhưng chưa đủ, phải nói là thiếu tôn trọng cả vấn đề thoát nước.
 Vậy ông lý giải ra sao về việc đã có cốt nền và việc xây dựng công trình tuân theo cốt nền nhưng một số nơi tại TPHCM vẫn bị ngập? Như chuyện nâng đường Kinh Dương Vương vừa qua là ví dụ điển hình…
 Cao độ nền thấp dễ bị ngập nước, nhưng cao độ nền không phải nguyên nhân quyết định việc ngập mà do hệ thống thoát nước quyết định. Có thể thấy ở một số nơi, việc nâng cao mặt đường sẽ không gây ngập nếu hệ thống cống thoát nước vẫn nằm sâu và thấp hơn nền đất khu vực hai bên đường. Tuy nhiên, quy hoạch cốt nền phải gắn liền với quy hoạch thoát nước.
Cao độ khống chế xây dựng Hxd (cốt nền) được chọn trong đồ án Quy hoạch chung của TPHCM và quy hoạch thoát nước chống ngập như sau: Khu vực hữu ngạn (phía Tây) sông Sài Gòn Hxd ≥ 2m, do có đê bao; khu vực tả ngạn sông Sài Gòn (giữa sông Sài Gòn và sông Đồng Nai) Hxd ≥2,5 m, do không có đê bao.
Do vậy, để việc xây dựng công trình không ảnh hưởng tiêu cực tới việc thoát nước, các nhà tư vấn phải căn cứ quy chuẩn về cốt nền và thoát nước để tính toán và thiết kế hệ thống thoát nước và từ khả năng thoát nước, xác định cốt nền cho các điểm trong khu vực đô thị liên quan. Quy hoạch cốt nền sẽ được điều chỉnh khi quy hoạch thoát nước thay đổi và ngược lại. Nếu công trình giao thông chỉ tính riêng việc thoát nước cho mặt đường mà quên khu vực hai bên đường là thiếu sót. Để tránh gây ngập cục bộ khu vực liên quan, các chủ đầu tư phải giải trình tác động về thoát nước của công trình trước khi quyết định đầu tư và thi công. Về phía quản lý nhà nước cũng cần nghiêm khắc hơn trong việc quản lý thực hiện quy hoạch thoát nước và bảo đảm khả năng thoát nước của khu vực liên quan.
 Hiện nay, nhiều khu vực nội thành (cũ) của TPHCM vẫn thấp so với cốt nền trong quy hoạch. Như vậy, vận dụng quan điểm của ông về cốt nền để giải quyết việc này như thế nào để đảm bảo TPHCM giảm ngập?
Mặc dù khu vực nội thành (cũ) của TPHCM quy hoạch xác định cốt nền là ≥2m nhưng thực tế nhiều nơi vẫn có nền đất thấp hơn 2m. Để giải bài toán chống ngập cho TPHCM trong bối cảnh này, theo tôi cần rà soát lại khả năng thoát nước của hệ thống cống hiện hữu trong điều kiện biến đổi khí hậu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đê bao và cống ngăn triều theo Quy hoạch thoát nước chống ngập úng đã được Thủ tướng phê duyệt. Có thể không cần điều chỉnh quy hoạch cốt nền, chỉ xử lý cục bộ về thoát nước hoặc tôn nền trong các dự án phát triển đô thị cụ thể, theo hướng tính toán hợp lý khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước là đủ. Nói tóm lại, vấn đề cấp thiết hiện nay không phải là quy hoạch cốt nền mà là rà soát lại và tăng nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch thoát nước.
Cám ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục