Tăng tốc phát triển kinh tế

Trong năm qua, dù gặp một số khó khăn về thời tiết bất thường, lũ lụt, giá cả nông sản có những lúc sụt giảm…, thế nhưng các địa phương ở ĐBSCL đã nỗ lực vượt qua để hoàn thành nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ phát triển của một số tỉnh vượt yêu cầu đề ra, tạo động lực để tăng tốc trong năm mới 2019… 
Kiên Giang - một địa phương đang phát triển mạnh ở vùng ĐBSCL
Kiên Giang - một địa phương đang phát triển mạnh ở vùng ĐBSCL

Đạt và vượt kế hoạch chỉ tiêu

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và là địa phương có nhiều lợi thế về lúa gạo, du lịch, khai thác hải sản…, Kiên Giang có điều kiện phát triển rất tốt. Năm 2018, tỉnh thực hiện đạt và vượt kế hoạch 21/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,5%, tổng sản phẩm (GRDP) đạt hơn 62.336 tỷ đồng, thu ngân sách 9.950 tỷ đồng, vượt 7,7% dự toán… 

Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Nhờ đẩy mạnh việc xây dựng hơn 213 cánh đồng lớn giúp nông dân ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, năm 2018, tỉnh đạt sản lượng lúa hơn 4,2 triệu tấn, trong đó hơn 76% lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh tiếp tục được phát huy với sản lượng thu về khoảng 815.400 tấn, vượt 4% kế hoạch. Du lịch của tỉnh đón hơn 7,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 580.000 người, vượt 34,8% kế hoạch…”. 

Cùng niềm vui trên, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Năm 2018 là năm đầu tiên mà kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp đạt tới 1,2 tỷ USD, tăng trên 40% so cùng kỳ, cao kỷ lục từ trước đến nay. Xuất khẩu lao động cũng tăng rất mạnh khi chỉ tiêu là 1.000 người nhưng đưa hơn 2.000 người đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc…Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh tiếp tục đi vào chiều sâu; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao được triển khai như: sản xuất lúa lý tưởng ở Tháp Mười, trồng hoa kiểng trong nhà màng kết hợp hệ thống tưới phun ở Sa Đéc; trồng dưa lê, dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt từ công nghệ Israel ở huyện Hồng Ngự và Lai Vung…; tạo tiền đề quan trọng để Đồng Tháp phát triển nông nghiệp bền vững”.

Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Long trong năm qua tăng trưởng khá, với tổng giá trị ước đạt 10.593 tỷ đồng. Môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện tốt với 22 dự án cấp chứng nhận mới tổng số vốn đăng ký 5.893 tỷ đồng, tăng 10 dự án so với cùng kỳ. Khách du lịch đến Vĩnh Long tăng hơn 8%; phong trào xây dựng nông thôn mới được chính quyền và người dân triển khai thực hiện mạnh mẽ; đến nay đã có một đơn vị cấp huyện và 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới... Chính nhờ sự nỗ lực chung đó, năm qua Vĩnh Long đã hoàn thành 26/26 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 15 chỉ tiêu vượt kế hoạch...Tại Tiền Giang, hầu hết các lĩnh vực về công nghiệp, xuất khẩu, du lịch, sản xuất lúa gạo, thủy sản...đều tăng trưởng khá. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 47,6 triệu đồng, vượt mục tiêu đề ra, cao hơn bình quân chung của toàn vùng ĐBSCL.

Đột phá phát triển bền vững

Dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng theo ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: “Năm 2019 này, Vĩnh Long sẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và sức cạnh tranh. Củng cố và đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác để phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch. Đối với nông nghiệp, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh…”.   

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2019 tỉnh sẽ thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ; phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế để trở thành động lực phát triển của tỉnh; tiếp tục thực hiện đề án cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; tăng cường xúc tiến đầu tư, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai… Quan điểm chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh; phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 7,8% trở lên, thuộc tốp đầu ở ĐBSCL. 

UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh phấn đấu năm 2019 sẽ đột phá, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, ưu tiên cho việc sản xuất lúa gạo và nuôi thủy sản sạch, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường chế biến, xuất khẩu; phát triển thương mại, du lịch, năng lượng tái tạo đưa tốc độ tăng trưởng đạt 7,3% - 7,5%; thu nhập bình quân đầu người hơn 42 triệu đồng; tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer xuống 3% - 4%/năm... 

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tâm sự: “Cần Thơ đang nỗ lực để ngày càng thể hiện rõ vai trò trung tâm của ĐBSCL trên các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch…Tới đây, tỉnh sẽ phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với vai trò trung tâm của vùng; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động hiệu quả; tăng cường xây dựng nền kinh tế tri thức nhằm đáp ứng tốt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…”.

Tin cùng chuyên mục