Tăng trưởng cao trong quý 1: Không được chủ quan

Ngày 30-3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị của Chính phủ về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018.

Kích hoạt” các lĩnh vực để tăng trưởng

Tại hội nghị, Bộ KH- ĐT nhận định tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2018 là rất tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Tình hình sản xuất kinh doanh các ngành, lĩnh vực đều có sự phát triển và tương đối đồng đều ở tất cả các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Tăng trưởng GDP của quý I cao, đạt khoảng 7,4% so với cùng kỳ, trong đó cả 3 khu vực kinh tế lớn đều có sự tăng trưởng và đóng góp vào mức tăng trưởng chung, cụ thể khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,6-2,8% (cùng kỳ tăng 2,08%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 10,7-10,8% (cùng kỳ tăng 4,48%).

Gợi ý thảo luận với các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, Quốc hội quyết chỉ tiêu tăng trưởng năm 2018 là 6,7%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn, 6,8%. Yêu cầu là tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững để bảo đảm chất lượng phát triển. Tình hình hiện nay có những tín hiệu  phấn khởi nhưng không được chủ quan. Tăng trưởng quý 1 rất tốt nhưng đó là so với thời kỳ thấp của cùng kỳ 2017, còn tăng trưởng những tháng cuối năm 2018 có thể thấp hơn, do đó không được chủ quan. Phải “kích hoạt” các lĩnh vực để tăng trưởng.

Tăng trưởng cao trong quý 1: Không được chủ quan ảnh 1 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP
Theo Phó Thủ tướng, Bộ KH-ĐT đã dự kiến các kịch bản tăng trưởng, trong đó tương ứng với từng kịch bản là tốc độ tăng trưởng của từng quý. Kịch bản sẽ chỉ đạt được khi từng nhân tố tham gia vào quá trình tăng trưởng phải tăng trưởng. Do đó, từng bộ ngành, địa phương phải nắm chắc, kiểm soát từng nhân tố trong điều hành, đó cũng là yêu cầu mới của Chính phủ trong điều hành năm 2018.

Lần này Chính phủ yêu cầu các địa phương phải nắm chắc các nhân tố tạo ra tăng tưởng, nắm chắc các khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ.

Các bộ tham gia vào quản lý ngành cũng phải nắm chắc diễn biến, hoạt động của từng nhân tố, trên cơ sở đó có những can thiệp, điều hành linh hoạt. Nhất là cần chú ý đến các lĩnh vực trọng điểm, các địa phương trọng điểm, nếu những nơi này phát triển tốt sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng chung của cả nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý các địa phương, doanh nghiệp phải thấy rõ xu hướng phát triển của từng nhân tố, thấy rõ những khó khăn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

2 kịch bản tăng trưởng

Phân tích tình hình thế giới và trong nước, tổng hợp tình hình và năng lực sản xuất các ngành, lĩnh vực theo báo cáo của các bộ ngành và địa phương, Bộ KH-ĐT đã triển khai xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 theo từng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm theo 2 phương án.

Cụ thể, kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,7%. Với kịch bản này, Bộ KH-ĐT cho rằng với mức tăng trưởng của quý I là 7,47% đòi hỏi tất cả các ngành, các cấp đều phải nỗ lực, cố gắng, các quý còn lại năm 2018, tất cả các lĩnh vực đều phải đạt mức tăng trưởng cao.

Dự kiến năm 2018 không có những nhân tố đột phá như năm 2017 (tăng trưởng đột phá của Samsung với sản phẩm mới Note 8 vào tháng 5-2017 hoặc nhà máy thép Formosa lần đầu tiên đi vào sản xuất với quy mô lớn vào tháng 7-2017...). Bộ KH-ĐT nhận định, đây là kịch bản phấn đấu nhưng vẫn có thể đạt được.

Kịch bản 2, tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,8%. Kịch bản này được xây dựng bám sát theo kịch bản 1 (6,7%), trong đó chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khá tốt.

Trong trường hợp không có biến động tiêu cực lớn xảy ra, bối cảnh trong nước và quốc tế thuận lợi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc, đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh và đưa vào hoạt động được các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo lớn vào hoạt động thì mức độ đóng góp của ngành này trong tăng trưởng chung GDP của cả nước sẽ được cải thiện vượt bậc.

Bộ KH-ĐT xây dựng thêm kịch bản tăng trưởng cao hơn (6,8%) với ý nghĩa để so sánh, đối chiếu với kịch bản cao (6,7%) và cũng định hướng mục tiêu phấn đấu của các ngành, các cấp.

Bộ KH-ĐT cho rằng, qua so sánh giữa các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 với kết quả tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 theo từng quý và lũy kế quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm có thể thấy mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước không còn được duy trì trong năm 2018, trong đó tăng trưởng theo từng quý cũng như cả năm 2018 có xu hướng giảm dần.

Nguyên nhân là do tăng trưởng GDP năm 2017 đã có sự bứt phá mạnh giữa các quý với nhân tố tác động chính là sự gia tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu của Samsung bắt đầu từ tháng 5 và Nhà máy Formosa bắt đầu hoạt động và có sản lượng vào tháng 7.

Chính vì lẽ đó, đã tạo ra một nền rất cao ở các quý sau trong năm 2017; trong khi đó, tăng trưởng quý I -2017 ở một nền rất thấp, chỉ 5,15%. Còn trong điều kiện giả định tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tương đối ổn định, những yếu tố mang tính bứt phá là chưa rõ ràng. Dẫn tới khi so sánh với đặc điểm mô hình tăng trưởng theo quý và lũy kế của năm 2017 như vậy thì kết quả của năm 2018 có xu hướng giảm dần là tất yếu. Do không có các yếu tốt đột biến diễn ra tương ứng cùng thời điểm như năm 2017.

Bộ KH-ĐT cũng cảnh báo do đặc điểm mô hình diễn biến tăng trưởng các quý năm 2018 khác nhiều so với truyền thống, có xu hướng giảm dần, trong đó tốc độ tăng trưởng của quý I là cao nhất (dự báo đạt trên 7,4%) nên rất dễ dẫn tới tâm lý sớm hài lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được, có thể dẫn tới lơ là, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra; kỳ vọng quá nhiều vào mô hình truyền thống, quý sau cao hơn quý trước nên dễ bị thất vọng, mất động lực và niềm tin vào việc triển khai các nhiệm vụ khi kết quả thực tiễn không như kỳ vọng…

Bộ KH-ĐT nhận định, kết quả đạt được trong 3 tháng đầu năm mới là bước đầu, nhiệm vụ đến cuối năm còn hết sức nặng nề đòi hỏi các bộ ngành và địa phương quán triệt chủ đề hành động năm 2018 của Chính phủ, đề cao trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo mục tiêu đề ra. Kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu, duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống.

Tin cùng chuyên mục