Hành trình sản xuất vaccine H5N1 “made in Vietnam”

Táo bạo với con đường riêng

Táo bạo với con đường riêng

Đã 2 cái Tết rồi, có những nhà khoa học Việt Nam ăn không ngon, ngủ không yên với hành trình đi tìm và giải mã độc lực virus H5N1, với mục tiêu mãnh liệt là sản xuất ra vaccine phòng cúm H5N1 cho người. Cuộc hành trình dẫu chưa đến đích, nhưng đã hé lộ nhiều thành công và hy vọng...

  • Mới, khó, nhưng...

Đó là một nhóm hơn 10 nhà khoa học của rất nhiều thế hệ ở Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ). Tháng 4-2004, họ bắt đầu hành trình nghiên cứu, sản xuất vaccine H5N1. Tất cả đều rất mới mẻ. Chưa có thành công nào trên thế giới để các nhà khoa học Việt Nam kế thừa.

Theo GS Nguyễn Thu Vân, Tổng Giám đốc Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (thuộc Viện VSDTTƯ), một trong những người chịu trách nhiệm chính của nhóm, nhóm đã bắt đầu đi những bước “kinh điển”, tức là nghiên cứu và thử nghiệm vaccine trên chuột và gà. Đầu năm 2005, tin vui đã tới: kết quả thử nghiệm vaccine H5N1 trên chuột và gà lần đầu đã cho kết quả tốt - cả hai đều xuất hiện kháng thể.

Táo bạo với con đường riêng ảnh 1

Các nhà khoa học Việt Nam tiêm thử nghiệm vaccine H5N1 trên khỉ ở đảo “khỉ sạch” (đảo Rều, Quảng Ninh). Ảnh: HÀ HƯƠNG

Nhưng điều táo bạo nhất của các nhà khoa học Việt Nam (và cũng là nguyên nhân của một chuỗi gian nan tiếp đó) là nghiên cứu, thử nghiệm vaccine H5N1 trên tế bào thận khỉ bởi vì từ trước đến nay, các nhà sản xuất vaccine cúm thế giới đều sử dụng công nghệ truyền thống là sản xuất trên trứng gà có phôi SPF.

Với việc quyết định cấy virus H5N1 trên tế bào thận khỉ, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã tiên liệu trước con đường này sẽ rất khó khăn. Bởi vì mỗi con khỉ đều phải trải qua rất nhiều khâu kiểm tra định kỳ để loại bỏ hết những virus ngoại lai có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, và phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Và ngày vui đã tới, đó là ngày 25-2-2005, sau 3 tuần tiêm thử nghiệm vaccine trên khỉ, cả 5 con khỉ vẫn sống khỏe mạnh, chứng tỏ một điều là: khỉ có thể đáp ứng khả năng miễn dịch và vaccine an toàn. Kết quả bước đầu này càng củng cố niềm tin cho nhóm, rằng con đường họ đi là đúng. Lúc này, thông tin về Việt Nam sản xuất vaccine H5N1 bắt đầu xuất hiện trên báo chí. Vì sự kiện này, đại diện WHO đã đến Việt Nam.

Lần vào thứ nhất (tháng 2-2005), WHO không đồng ý với chủng virus mà các nhà Việt Nam nghiên cứu để sản xuất vaccine, nhưng không đưa ra lý do gì. Trong khi đó, chủng virus vaccine mà Viện VSDTTƯ đang sử dụng có đầy đủ các đặc tính kỹ thuật như chủng vaccine H5N1 của WHO cung cấp. Chủng virus vaccine H5N1 mà nhóm đang nghiên cứu được hướng dẫn trực tiếp của GS. Yoshihiro Kawaoka, Phòng thí nghiệm Trường đại học quốc gia Tokyo, Nhật Bản (là chuyên gia hàng đầu thế giới về kỹ thuật di truyền ngược, đã được cấp bản quyền sở hữu trí tuệ về kỹ thuật này tại Mỹ).

Trong chuyến trở lại Việt Nam lần thứ 2 (tháng 8-2005) của đại diện WHO, GS Nguyễn Thu Vân hỏi thẳng, “tại sao các ông phản đối Việt Nam sản xuất vaccine H5N1”. Lúc này, họ mới tiết lộ rằng, vì “các nhà khoa học Việt Nam đã sử dụng công nghệ di truyền ngược của GS Yoshihiro Kawaoka có tế bào 293T, là tế bào mà WHO yêu cầu không được sử dụng để sản xuất vaccine cho người”.

“Không đúng như vậy”, GS Nguyễn Thu Vân phản đối, và thật bất ngờ, mọi hiểu nhầm được giải tỏa ngay tức khắc. “Ngay từ đầu, các nhà khoa học Việt Nam đã biết điều đó và đã không sử dụng tế bào này, thay vào đó là tế bào thận khỉ”, GS Nguyễn Thu Vân giải thích. để chắc chắn, WHO đã trao đổi lại với giáo sư người Nhật Bản và được vị giáo sư này xác nhận. Cùng với việc xem xét nhật ký (viết bằng tay) quá trình điều chế chủng virus, WHO đã khẳng định: Việt Nam thành công trong việc phát triển chủng virus, bảo đảm an toàn và có thể dùng để sản xuất vaccine cúm. Mọi niềm vui đã vỡ òa sau bao nhiêu ngày chờ đợi!

  • Tin vào thành công!

Tuy nhiên, mọi khó khăn vẫn chưa hết. Sau vấn đề chủng virus, WHO lại băn khoăn về việc Việt Nam sử dụng tế bào thận khỉ để sản xuất vaccine. Họ yêu cầu các nhà khoa học phải trình bày toàn bộ quá trình về sử dụng khỉ, thử nghiệm vaccine trên khỉ. 5 con khỉ được lựa chọn vào quá trình sản xuất vaccine H5N1 ở Việt Nam, mỗi con khỉ là một hồ sơ nặng hàng chục kg đã được gửi cho WHO. Kết quả, WHO hoàn toàn ủng hộ các nhà khoa học Việt Nam trong việc tiên phong sử dụng tế bào thận khỉ để sản xuất vaccine cúm H5N1 - một điều quá mới trên toàn thế giới!

Giờ đây, những chặng đường khó nhất của hành trình sản xuất vaccine cúm H5N1 vẫn đang đợi các nhà khoa học của chúng ta. Bởi lẽ, công đoạn khó khăn nhất, quyết định sự thành bại nhất của hành trình nghiên cứu khoa học này là việc thử nghiệm vaccine H5N1 trên người. Đây là công đoạn đòi hỏi sự thận trọng đến khắc nghiệt, vì vậy nhóm vẫn phải chờ những ủng hộ bằng “giấy trắng mực đen” từ phía các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ và WHO.

Theo dự kiến, đầu năm 2006 này, vaccine H5N1 sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người. Hiện nay, viện đã sẵn sàng cho việc này bằng một hợp đồng ký với Học viện Quân y 103 về lựa chọn những người tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine. GS Nguyễn Thu Vân cho biết: nhóm có một niềm tin lớn là vaccine cúm H5N1 “made in Việt Nam” chắc chắn sẽ ra đời, và giá bán sẽ hợp với túi tiền người Việt Nam (dự kiến chỉ khoảng 30.000 đồng/mũi).

Chúng ta hy vọng và chúc các nhà khoa học Việt Nam thành công! 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục