Tạo cảm hứng trong đề thi văn

Ngày 2-6, hơn 160.000 thí sinh tại TPHCM và Hà Nội đã bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020. Nhìn chung, đề thi năm nay có sự đổi mới theo hướng tăng cường thực tiễn, hạn chế tình trạng học thuộc lòng, phát huy được khả năng tư duy và sáng tạo của thí sinh.

Thi tuyển sinh lớp 10 tại một điểm thi ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thi tuyển sinh lớp 10 tại một điểm thi ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

 Đề thi Ngữ văn mới mẻ, hấp dẫn

Đánh giá về nội dung đề thi môn Ngữ văn tại TPHCM, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên môn Ngữ văn, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Tân Bình, cho biết, nhìn tổng thể đề thi năm nay có cấu trúc quen thuộc tương đương các năm trước. Đề thi gồm 3 phần, câu 1 đọc hiểu văn bản, câu 2 nghị luận xã hội và câu 3 nghị luận văn học.

Nếu như năm ngoái, sự phân loại trình độ thí sinh rơi vào phần làm văn thì năm nay cả phần làm văn và đọc hiểu đều có tính phân loại. Ở câu 1, đề thi yêu cầu thí sinh đọc hiểu hai văn bản (chứ không phải một văn bản như các năm trước) và trong mỗi văn bản, bên cạnh câu chữ, còn có hình ảnh thực tế để tăng tính trực quan, sinh động và tạo cảm hứng làm bài cho thí sinh. Câu 2 nghị luận xã hội bàn về cách ứng xử của người trẻ đối với một ai đó nổi bật hơn mình. Thí sinh có quyền lựa chọn một trong ba cách ứng xử được nêu trong văn bản.

“Đây là vấn đề nghị luận vừa gần gũi, thực tế, đồng thời cũng có ý nghĩa sâu sắc trong việc định hình suy nghĩ, lối sống của các bạn trẻ. Cách nêu vấn đề dưới dạng câu hỏi tạo độ mở, cho phép thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm cá nhân. Đây là câu hỏi đóng vai trò phân hóa, chọn lọc thí sinh”, cô Thanh Huyền nhận định.

Ở góc độ khác, cô Đoàn Thị Như Ngọc, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ (quận Gò Vấp) cho biết, hình thức ra đề thi với yêu cầu lựa chọn hình vẽ đã xuất hiện trong đề thi các năm trước nên không gây bỡ ngỡ đối với học sinh. Đề thi có nội dung khá gần gũi, không rập khuôn kiến thức sách giáo khoa, học sinh có sức học trung bình cũng có thể đạt 5-6 điểm.

Tại Hà Nội, ghi nhận tại các điểm thi cho thấy, thí sinh rời khỏi phòng thi với tâm trạng khá thoải mái và cho rằng, đề thi môn Ngữ văn năm nay không khó. Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn (Hà Nội) cho rằng, đề thi năm nay có điểm mới so với đề thi năm ngoái ở chỗ cấu trúc và barem điểm được điều chỉnh từ 6/4 sang 7/3, ngữ liệu được mở rộng không chỉ trong các văn bản chính thức học sinh được học trong sách giáo khoa. Ngoài ra, câu hỏi nghị luận xã hội cũng mang tính mở nhiều hơn các năm trước, yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của cá nhân, có tính liên hệ thực tế.

Nhiều cảm xúc trái ngược

Chiều 2-6, các thí sinh tại TPHCM tiếp tục bước vào bài thi môn tiếng Anh với thời gian làm bài 60 phút. Đánh giá đề thi môn tiếng Anh năm nay, thầy Châu Vĩnh Ngoan, giáo viên môn tiếng Anh, Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cho biết, đề thi có độ khó tương đối, phạm vi từ vựng khá rộng, có nhiều thông tin thực tế đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Đơn cử như câu số 8 đề cập đến vấn đề trí thông minh nhân tạo, thí sinh phải có sự nhạy bén, đồng thời biết liên hệ thực tiễn mới làm được. Riêng câu số 33 là câu hỏi khó, thí sinh phải có kỹ năng so sánh, phạm vi kiến thức không nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 12 nên sẽ không có nhiều thí sinh có điểm.

Tạo cảm hứng trong đề thi văn ảnh 1 Các em học sinh trao đổi sau buổi thi thứ hai môn ngoại ngữ tại điểm thi Trường THCS Minh Đức, quận 1, TPHCM

Về sự cố sai sót của câu 33 môn tiếng Anh, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, xác nhận, đề thi có sai sót về lỗi chính tả ở câu hỏi số 33, cụ thể là nhầm lẫn giữa hai từ “your” và “young”. Đại diện Sở GD-ĐT cho biết: “Sau khi phát hiện đề thi có sai sót, các hội đồng thi đã có chỉ đạo thí sinh vẫn làm bài thi bình thường. Sau khi ban chỉ đạo kỳ thi họp bàn về đáp án chấm, Sở GD-ĐT sẽ đưa ra phương án xử lý phù hợp”.

Nhận định về đề thi Toán buổi chiều ở Hà Nội, nhiều giáo viên nhận xét đề thi có cấu trúc tương tự năm 2018, gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Tuy nhiên, đề có sự điều chỉnh về hình thức: xuất hiện câu hỏi hình học không gian - một phần vốn không xuất hiện trong các năm về trước. Câu hình học chỉ còn 3 ý (các năm về trước thường có 4 ý). Tỷ lệ điểm phần hình học/đại số năm nay là 7/3 (các năm trước là 6,5/3,5).

Tạo cảm hứng trong đề thi văn ảnh 2 Thí sinh tại Hà Nội sau khi thi môn Toán buổi chiều 2-6 Ảnh: VIẾT CHUNG

“Đề thi có khoảng 85% câu hỏi thuộc phần kiến thức cơ bản, 15% câu hỏi ở mức vận dụng có tính phân loại cao như câu I.3, câu IV.3, bài 5. Câu khó nhất trong đề là câu IV.3 và bài 5. Thí sinh cần có tư duy và phân tích tốt thì mới đạt điểm tối đa”, thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên toán trường THPT Chu Văn An - Hà Nội, nhận định.

Sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên, thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy,  tổng số thí sinh đăng ký dự thi toàn TP là 80.327 thí sinh, trong đó có 74.180 thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 thường và 6.147 thí sinh dự thi lớp 10 chuyên. Tại 126 hội đồng thi thường có 73.462 thí sinh dự thi trên tổng số 74.180 thí sinh đăng ký, đạt tỷ lệ 99,03%, trong đó có 718 thí sinh bỏ thi không có lý do.

Hà Nội: 6 thí sinh vi phạm quy chế

Với môn Ngữ văn thi buổi sáng, tại Hà Nội, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 85.557 thí sinh, được bố trí tại 3.651 phòng thi. Số thí sinh vắng mặt là 497 thí sinh, số thí sinh vi phạm quy chế là 6 em (3 thí sinh bị đình chỉ, 3 thí sinh bị khiển trách). Các thí sinh bị đình chỉ do sử dụng điện thoại di động và mang tài liệu vào phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi môn Toán là 85.557 em, số thí sinh vắng thi môn Toán là 519 em. 4 giám thị vắng và 2 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi.

Điểm mới của kỳ thi tuyển sinh năm nay là Hà Nội chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS. Tất cả thí sinh phải dự thi bốn môn gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử. Sở GD-ĐT Hà Nội đã huy động 11.000 cán bộ coi thi tại 169 hội đồng. Nhằm tránh hiện tượng gian lận thi cử, Sở GD-ĐT Hà Nội đã lập 10 đoàn giám sát ở các điểm nóng, đồng thời áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như: phòng bảo quản đề thi và bài thi phải có camera an ninh giám sát, ghi hình 24/24 giờ, lãnh đạo điểm thi và cán bộ công an bảo vệ đề thi và bài thi phải có mặt ở phòng lưu giữ đề thi 24/24 giờ...

Phòng thi đặc biệt có 3 thí sinh

Tại điểm thi Trường THCS Điện Biên (quận Bình Thạnh, TPHCM), do số lượng thí sinh dự thi là số lẻ, trong khi đó theo quy định mỗi phòng thi chỉ được bố trí tối đa 24 thí sinh nên phải bố trí một phòng thi đặc biệt, phòng thi số 26 với vỏn vẹn… 3 thí sinh. Dù vậy, ông Hàn Thanh Tùng, trưởng điểm thi này, cho biết, dù có số thí sinh ít nhưng điểm thi vẫn phải bố trí đầy đủ 2 cán bộ coi thi trong phòng thi và một cán bộ giám sát ngoài phòng thi đúng theo quy định. Được biết, năm nay điểm thi này có hơn 600 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và là học sinh của các trường THCS trên địa bàn quận Bình Thạnh.

Đà Nẵng: Một thí sinh không được dự thi vì đi trễ gần 70 phút

Sáng 2-6, 12.895/13.001 thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 đại trà trên địa bàn toàn TP Đà Nẵng đã có mặt tại 31 điểm thi để tham dự môn thi đầu tiên là môn Văn, vắng 106 thí sinh. Đặc biệt, có 1 thí sinh tại HĐT Nguyễn Khuyến do đi trễ gần 70 phút nên không được dự thi.

Khi quá trình làm bài thi được 90 phút (trong tổng thời gian 120 phút), 1 thí sinh tại hội đồng thi THPT Ngũ Hành Sơn do lên cơn sốt cao nên đã nộp bài thi. Sau đó, em đã được lực lượng công an cùng cán bộ tại điểm thi này đưa đi bệnh viện cấp cứu. Đến trưa cùng ngày, tình trạng sức khỏe của em này đã ổn định.

Tin cùng chuyên mục