Tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác lập pháp

Hôm nay 20-5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Hà Nội. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung phần lớn thời gian để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, để nâng cao chất lượng tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, nhất là các dự án có phạm vi điều chỉnh rộng, có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với việc thực hiện xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về một số nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau. Cách làm này nhằm tiết kiệm thời gian, nâng cao trách nhiệm của đại biểu trong việc thể hiện chính kiến, có kết quả kịp thời cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo. Nội dung và các phương án xin ý kiến sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu trước khi thể hiện chính kiến thông qua hệ thống điện tử. Giao diện biểu quyết sẽ bảo đảm phù hợp với mục đích xin ý kiến và có sự khác biệt để không gây nhầm lẫn với kết quả biểu quyết chính thức khi thông qua các dự án luật. Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội còn nghiên cứu, áp dụng một số chương trình phần mềm phục vụ đại biểu Quốc hội.

Đánh giá cao đổi mới này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, người có 5 nhiệm kỳ là ĐBQH, nhận định: Đây là hình thức công minh, nâng cao trách nhiệm của đại biểu trong việc thể hiện chính kiến; đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức tổng hợp hơn nhiều so với hình thức phát phiếu thăm dò như trước. Tuy nhiên, yếu tố quyết định chất lượng xây dựng pháp luật vẫn là tư duy làm luật và quy trình xây dựng pháp luật.

Cũng về công tác này, PGS-TS Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Văn phòng Chính phủ, nhận định, một quy trình xây dựng pháp luật tốt sẽ hạn chế được đáng kể tình trạng làm luật theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng” - vừa phải tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành, vừa phải nghiên cứu định hình chính sách, vừa đồng thời phải đánh giá tác động chính sách và xây dựng dự thảo luật. Tóm lại là phải chạy đua theo thời gian cho kịp tiến độ đã định. TS Đinh Dũng Sỹ phân tích, lâu nay có một thực tế là cơ quan đề xuất chính sách thường tìm kiếm bằng chứng để thuyết minh cho sự cần thiết phải xây dựng luật, thế nhưng, hầu như chưa ai đưa ra kết luận rằng cần lựa chọn giải pháp khác tốt hơn, hiệu quả hơn là ban hành hay sửa đổi, bổ sung đạo luật đó. Bên cạnh đó, việc dự báo tính khả thi của chính sách cũng phải dựa trên cơ sở bảo đảm chắc chắn các nguồn lực cho thực thi chính sách khi luật được ban hành. Nếu chúng ta làm tốt được giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật như đã nêu trên, thì đến giai đoạn soạn thảo chỉ còn là một công việc rất nhẹ nhàng của các chuyên gia xây dựng pháp luật.

Cũng cần nói thêm rằng, sau khi đã “đưa cuộc sống vào luật”, giai đoạn thứ 2 cũng hết sức quan trọng và không thể tách rời. Đó chính là hiện thực hóa chính sách, tổ chức thi hành pháp luật, hay nói nôm na là đưa luật vào cuộc sống. Bên cạnh đó, quy định linh hoạt hơn trong thời hạn xem xét, thông qua các dự án luật cũng là một khuyến nghị đáng cân nhắc. Một dự án luật có thể được xem xét, thông qua ngay trong 1 kỳ họp của Quốc hội hay 2 kỳ, thậm chí 3 kỳ, tùy thuộc vào chất lượng dự án luật và yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, mà không nhất thiết là qua 2 kỳ họp.

Tin cùng chuyên mục