Tạo cớ?

Liên tiếp trong ngày 12 và 13-5 vừa qua, 2 đồng minh của Mỹ trong vùng Vịnh - Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia - báo động về việc một số tàu thương mại bị phá hoại. 

Đến nay, thủ phạm không được bên nào xác định, nhưng giới quan sát rất lo ngại trước khả năng các vụ này trở thành cớ gây chiến giữa Iran và Mỹ.

Lời báo động đầu tiên do UAE đưa ra, cho biết 4 chiếc tàu vận tải thương mại trở thành mục tiêu của hành vi phá hoại ở khu vực phía Đông cảng Fujairah, gần eo biển Hormuz, ngày 12-5.

Bộ Ngoại giao UAE xác nhận trong các vụ phá hoại đó không có trường hợp thương vong. Điểm đáng chú ý là thông báo của chính quyền UAE không nêu rõ thủ phạm thực hiện các vụ phá hoại, chỉ gọi đó là những diễn biến nguy hiểm và kêu gọi quốc tế ngăn chặn những hành động tương tự trong tương lai. Một ngày sau, đến lượt Saudi Arabia lên tiếng cho biết 2 tàu chở dầu của họ đã bị “tấn công phá hoại” ở ngoài khơi cảng Fujairah.

Theo hãng thông tấn Saudi Arabia SPA, các vụ tấn công không gây thương vong hay làm thất thoát dầu, nhưng đã làm hư hại nặng nề cấu trúc của 2 chiếc tàu chở dầu. Riyad cũng không nói rõ ai là thủ phạm các vụ tấn công.

Theo các nhà phân tích, vụ các tàu thương mại bị phá hoại phải nói là lớn, nhưng thông tin đưa ra rất manh mún. Ngoài việc không cho biết ai là thủ phạm, UAE chẳng hạn, cũng không nói rõ 4 chiếc tàu bị phá hoại là của nước nào.

Còn Saudi Arabia, khi đưa tin về 2 chiếc tàu chở dầu của nước này bị tấn công cũng không nói rõ 2 chiếc tàu đó có nằm trong số 4 chiếc mà UAE trước đó đề cập đến hay không. Hãng tin AP mới đây cho biết có 3 nước xác nhận có tàu bị hư hỏng là Saudi Arabia, UAE và Na Uy.

Trong lúc thông tin còn chưa đầy đủ, Mỹ đã tố cáo Iran là thủ phạm các vụ phá hoại. Được UAE đề nghị, Mỹ đã cử ngay một nhóm chuyên gia quân sự đến điều tra các vụ phá hoại và không ngần ngại quy tội cho Tehran.

Hãng AP dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết rằng “các chuyên viên điều tra của quân đội Mỹ tin rằng đây là hậu quả từ cuộc tấn công bằng thuốc nổ do Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm của nước này tiến hành”. Có điều là phía Mỹ cũng không cung cấp bằng chứng cho thấy Iran có liên can đến vụ việc.

Iran phản ứng rất nhanh chóng. Trong một thông báo, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran đã gọi các sự cố ngoài khơi Fujairah là điều “đáng tiếc và đáng báo động”, đồng thời cảnh báo về những “âm mưu của những phần tử có ác ý, muốn khuấy động an ninh khu vực”.

Có thể nói, sự cố tàu chở hàng bị phá hoại đã làm căng thẳng gia tăng, trong bối cảnh Mỹ đã tăng cường đáng kể lực lượng trong vùng để gây sức ép trên Iran, và Tehran khẳng định sẽ đáp trả cứng rắn nếu Mỹ khai chiến.

Theo tờ La Croix của Pháp, Mỹ vẫn nuôi hy vọng “thay đổi chế độ” tại Tehran khi Washington từng nói rằng “mục tiêu của Mỹ không phải là chiến tranh, nhưng muốn giới lãnh đạo Iran thay đổi thái độ”. Thế nên, dù chưa biết ai đứng đằng sau vụ phá hoại, được lợi gì từ vụ việc, nhưng không thể loại bỏ khả năng một “cái cớ” để Mỹ đánh Iran đã được dựng lên.

Tin cùng chuyên mục