Tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho sản phẩm sạch

Để có thể gia nhập thị trường thông qua kênh phân phối hiện đại, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch phải trải qua không dưới 3 lần kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Trong khi đó, sản phẩm chất lượng kém vẫn vô tư tràn ngập thị trường, phổ biến nhất tại các chợ truyền thống. Điều này khiến môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thiếu công bằng. Khoảng trống thị trường dành cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch ngày càng hẹp và tồn tại rất chật vật. 

Tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho sản phẩm sạch ảnh 1 Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe của chính mình
 Từ thói quen tiêu dùng 

Bộ Y tế nhận định, thực phẩm bẩn hiện đang bày bán khá phổ biến trên thị trường có nguyên nhân một phần do hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ. Tính trên cả nước hiện có gần 10 triệu hộ nông dân sản xuất thực phẩm; 500.000 cơ sở chế biến nhưng trong đó có đến 85% quy mô vừa và nhỏ, sản xuất theo mùa vụ. Nhiều cơ sở chỉ sản xuất 1 - 2 lô hàng rồi đóng cửa sản xuất. Cũng có trường hợp giao sản xuất theo từng công đoạn cho từng hộ gia đình riêng lẻ. Sau đó, nhận hàng và phân phối ra thị trường theo hình thức cuốn chiếu. Do vậy, khi phát hiện thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thì cơ quan chức năng rất khó truy xuất nguồn gốc. 

Một nguyên nhân khác, hoạt động quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm còn yếu kém. Kết quả khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, chỉ 4,5%  được đánh giá tốt, 31% đạt yêu cầu và tới 64,5% không đạt yêu cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, hiện trên thị trường có đến 200.000 loại hóa chất được sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất công nghiệp. Rất nhiều hóa chất trong số  đó không được kiểm định và công bố thông tin.

Thậm chí, ngay cả người bán cũng khó nhận biết sản phẩm của mình đang ẩn chứa những loại hóa chất nguy hại nào và ngay cả các trung tâm kiểm định của Việt Nam cũng không đủ thiết bị để phân tích, xác định các loại hóa chất sử dụng trong các sản phẩm. Trên thực tế, rất nhiều loại thực phẩm bẩn tại nước ta chỉ được phát hiện dựa trên kết quả kiểm tra và công bố của các nước khác trên thế giới. Điển hình như chất melamine có trong sữa uống của trẻ em, chất 3-mcpd trong nước tương…

Theo các chuyên gia kinh tế, yếu tố quan trọng nhất khiến thực phẩm bẩn có môi trường tồn tại chính là nhận thức của người tiêu dùng. Thói quen tiêu dùng của người dân vẫn chủ yếu mua hàng tại chợ truyền thống, trên đường phố, chợ tự phát…  và đây là những khu vực rất khó kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính những yếu tố trên đã tạo môi trường cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bẩn có kẽ hở để tồn tại.

Mặt khác, thống kê của Bộ Y tế cũng chỉ rõ, trong trường hợp sử dụng phải thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, chỉ có 15% đến khiếu nại với cơ sở bán thực phẩm và 5% tìm đến sự trợ giúp của Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Kết quả trên cho thấy người tiêu dùng thường cam chịu với những rủi ro gặp phải liên quan đến thực phẩm không an toàn.

Tăng cường kiểm soát đầu vào

Theo các chuyên gia kinh tế, để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc sản phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm, trước hết, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức trong cách thức tiêu dùng. Theo đó, nên chọn nguồn thực phẩm tại hệ thống phân phối uy tín, chất lượng, có kiểm duyệt chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm để sử dụng (như Co.opmart, Lotte, Aeonmall, Auchan…).

Đại diện Co.opmart xác định, sản phẩm để vào được hệ thống siêu thị Co.opmart phải trải qua 3 khâu kiểm định an toàn chất lượng. Một là tại nhà máy, hai là tại kho và ba là tại khu vực trưng bày sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. 

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết ở các nước phát triển họ tìm thực phẩm bẩn để xử lý, còn tại Việt Nam thì phải tìm thực phẩm sạch đề sử dụng. Điều này cho thấy, vấn để an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm tại thị trường nội đang bị thả nổi nhất định. Do vậy, cách để xử lý hiệu quả nhất là áp dụng quyền lực của thị trường.

Riêng tại TPHCM với dân số khá đông, khoảng 14 triệu người (kể cả người dân nhập cư), bước đầu, Sở Công thương đã làm việc với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, Công ty Quản lý kinh doanh chợ Bình Điền tăng cường kiểm soát chất lượng đầu vào tại 3 chợ đầu mối trên. Sản phẩm chỉ được vào chợ đầu mối nếu đạt tối thiểu tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất được nguồn gốc, có quy trình bảo quản sau thu hoạch và sơ chế. Trường hợp nhà cung cấp không đạt yêu cầu về những tiêu chuẩn trên sẽ bị từ chối.

Bằng giải pháp này cộng với kiểm soát chặt chẽ tại các kênh phân phối hiện đại, TPHCM đã cơ bản có thể kiểm soát dư lượng chất tăng trọng, kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… của 90% hàng hóa vào thị trường thành phố. Ngoài ra, nếu làm tốt công tác quản lý chất lượng, số lượng hàng hóa sẽ tạo nền tảng dữ liệu để đưa ra dự báo chính xác nhu cầu của thị trường, làm cơ sở để nông dân các tỉnh, thành sản xuất có định hướng, chấm dứt tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại. Đồng thời, thay đổi diện mạo thương mại của thành phố trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục