Tạo thêm chính sách thu hút nguồn điện sạch

Năng lượng tái tạo hay còn gọi năng lượng sạch được giới đầu tư trong và ngoài nước “nhòm ngó” lâu nay, nhưng tham gia triển khai còn rất nhỏ giọt vì có nhiều “uẩn khúc”. Tuy nhiên, gần đây khi chính sách có phần cởi mở đã có hàng loạt dự án đã và đang được triển khai. Dự báo, đây là nguồn cung điện quan trọng, góp phần hạn chế nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong tương lai.
Bùng nổ dự án điện sạch
Trên thực tế, Quy hoạch điện VII ra đời chưa được bao lâu đã phải điều chỉnh là do tầm nhìn chiến lược về nguồn cung năng lượng có phần hạn chế, khi chủ yếu nhắm vào tài nguyên giá rẻ như thủy điện, nhiệt điện than…
Dẫu rằng trong quy hoạch này có xác định mục tiêu sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...
Dù xác định như vậy, nhưng khi đặt ra mức tăng trưởng tỷ trọng của điện từ nguồn năng lượng này vào quy hoạch lại rất khiêm tốn, chỉ từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030, nhưng đến nay gần như không đạt được phần trăm nào! Bởi vậy, có nhà khoa học đã ví von Quy hoạch điện VII là “quy hoạch hủy diệt sức khỏe và môi trường sinh thái, đổi kinh tế không hiệu quả”.
Cũng do vướng quy hoạch nên hàng loạt công trình điện gió từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Bạc Liêu ra đến tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận… dù được đầu tư hoành tráng, tốn rất nhiều tiền nhưng lại bị “phơi nắng” cả chục năm sau khi hoàn thành.
Tạo thêm chính sách thu hút nguồn điện sạch ảnh 1Hàng loạt dự án điện gió được đầu tư xây dựng ven biển từ Cà Mau đến Ninh Thuận. Ảnh: CAO THĂNG
Chỉ gần đây, khi các bộ ngành lẫn Chính phủ “giật mình” nhìn lại những “lỗ hổng”, đồng thời có những chính sách tháo gỡ thì những cánh quạt gió kia mới chính thức khởi động lại và những tấm pin mặt trời trên các công trình, tòa nhà mới được hấp thụ ánh nắng mặt trời để tạo ra nguồn năng lượng sạch, góp công suất nguồn vào đường dây truyền tải điện.
Đến nay, chỉ tính riêng tỉnh Ninh Thuận, sau khi “cải cách” quy hoạch cũ, đã có 15 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực.
Trong đó, 12 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất khoảng 748,75MW, tổng vốn đăng ký khoảng 27.577 tỷ đồng.
Đồng thời, 25 dự án điện mặt trời cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch. Trong đó, có 18 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất 999MW, tổng vốn đăng ký hơn 27.876 tỷ đồng.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận sẽ thu hút đầu tư phát triển các dự án năng lượng điện gió với tổng công suất 1.429MW, điện mặt trời 3.912MW.
Nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương có ý kiến chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm có kế hoạch và phương án đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện để đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh này sau khi các dự án nhà máy năng lượng điện gió, điện mặt trời đi vào hoạt động; đồng thời, xem xét điều chỉnh tăng giá và kéo dài thời gian áp dụng chính sách. 
Gấp 10 lần mục tiêu đặt ra 
Theo nhận định của các doanh nghiệp cũng như chuyên gia, hàng loạt cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo như ưu đãi về tín dụng, thuế nhập khẩu, xuất khẩu, thu nhập doanh nghiệp hay miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án năng lượng tái tạo gần đây của Chính phủ đã tạo ra hấp lực cho các nhà đầu tư.
Đáng chú ý là việc ban hành Quyết định  11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá mua tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 Uscents/kWh); giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.
Báo cáo về “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam năm 2018” của StoxPlus - công ty chuyên cung cấp dịch vụ thông tin tài chính và kinh tế ở Việt Nam, cho thấy sau khi giá bán điện mặt trời được Chính phủ điều chỉnh tăng lên mức 9,35 cent/kWh từ tháng 6-2017, trung bình có 9 dự án phát và phân phối điện tái tạo được đăng ký mỗi tháng bởi nhà đầu tư nước ngoài, trong nửa cuối năm 2017.
Đáng chú ý, các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài hiện đang có tâm trạng rất hào hứng với ngành năng lượng tái tạo, do đó dự kiến sẽ tăng trưởng 23,2% trong giai đoạn 2020 - 2030. 
Tính đến nay, cả nước có 245 dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đang được triển khai ở nhiều giai đoạn khác nhau.
Nếu tất cả các dự án này vận hành thực tế thì tổng công suất của nguồn năng lượng tái tạo này phải đến 23,2GW, tức hơn 10 lần mục tiêu tổng công suất của điện tái tạo là 2,65GW vào năm 2020, theo Quy hoạch điện VII.
Tuy nhiên, thực tế trên tổng công suất đã đăng ký, chỉ mới 19% đã đi đến giai đoạn xây dựng và 8% đã vận hành. Trong khi đó, hầu hết dự án vẫn trong giai đoạn chuẩn bị.
Việc các dự án được công bố nhiều nhưng chuyển động thực tế còn chậm bởi một số thách thức tiềm tàng trong giai đoạn vận hành, như khả năng thanh toán hợp đồng mua bán điện (PPA), thiếu xếp hạng tín dụng của EVN và những rủi ro vận hành khác.
Theo bà Vũ Mỹ Dung, chuyên viên phân tích cao cấp của StoxPlus, để giải quyết điểm nghẽn và thúc đẩy nhiều dự án được hoàn thiện, trong giai đoạn trước tháng 6-2019, ngoài những chính sách thu hút đầu tư vĩ mô cần xem xét ưu đãi thêm, thì mô hình hợp tác liên doanh nội - ngoại có thể được cân nhắc.
“Bởi khi đối tác trong nước thiếu công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm và năng lực tài chính thì các đối tác nước ngoài có thể bù đắp vào khoản hụt này. Đối tác nước ngoài có thể lựa chọn tăng đầu tư theo từng giai đoạn triển khai dự án cho đến khi nắm giữ 100% vốn liên doanh để quản lý tốt nhất”, bà Vũ Mỹ Dung phân tích.

Tin cùng chuyên mục