Tạo thêm động lực để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm đến 95% số lượng doanh nghiệp trong cả nước. Sức đóng góp của nhóm DNNVV cũng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Thế nhưng, nỗi lo cố hữu của nhóm đối tượng này nhiều năm qua là vấn đề vốn đầu tư, kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều. 
Sản xuất bánh tại Công ty cổ phần Phạm Nguyên
Sản xuất bánh tại Công ty cổ phần Phạm Nguyên

Chỉ chiếm hơn 20% tổng dư nợ

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện có trên 200.000 DNNVV có dư nợ tại ngân hàng với số tiền khoảng 1,29 triệu tỷ đồng (tăng 7,5% so với cuối năm 2016), chiếm tỷ trọng 21% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

NHNN đánh giá, số dư nợ đó đã đáp ứng cơ bản yêu cầu về vốn đối với các DNNVV. Thời gian qua, sự quan tâm sâu sát của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể như Chỉ thị 

26/CT-TTg ngày 6-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất, từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn. Cùng với đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng “cởi trói” cho DNNVV những khó khăn trong quy trình xử lý hồ sơ, như xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, từ đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.

Đặc biệt, thời gian qua chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cũng góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động vay vốn. Tiếng nói 2 chiều đã hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là những doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính, vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh. Chỉ tính riêng nửa năm nay, chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã tổ chức hơn 260 buổi gặp gỡ, đối thoại; qua đó, cam kết cho vay mới với số tiền 390.000 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 375.000 tỷ đồng cho hơn 30.000 doanh nghiệp; gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ hơn 25.000 tỷ đồng cho hơn 1.000 doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, giảm phí... cho gần 6.000 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ 17.000 tỷ đồng. Đến giữa năm nay, các tổ chức tín dụng đã ký cam kết cho doanh nghiệp tham gia chương trình vay trên 19.400 tỷ đồng, dư nợ tín dụng trên 4.110 tỷ đồng.

Vẫn vướng… sổ sách

Dù số lượng doanh nghiệp được vay vốn có tăng so với năm trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về vốn của doanh nghiệp. DNNVV vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu vào thương mại toàn cầu nên việc cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại (ngay trên thị trường trong nước) ngày càng mạnh mẽ. Dù Nhà nước đã từng bước giảm lãi suất cho vay, nhưng lãi suất vay vẫn còn hơn nhiều so với các nước khác. Với lãi suất vay cao, tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ kém hơn so với doanh nghiệp nước ngoài. Từ phía bản thân DNNVV cũng tồn tại không ít nỗi lo như nhóm DNNVV hầu hết có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, kèm theo đó là trình độ quản trị kinh doanh yếu và thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh chưa khả thi, ít coi trọng việc cập nhật thông tin hoạt động cũng như tổ chức hạch toán kế toán theo quy định, thường nộp báo cáo tài chính cho ngân hàng chậm, số liệu thiếu chính xác, chưa có kiểm toán độc lập nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn… Mặc khác, doanh nghiệp nhỏ thường thiếu tài sản để bảo đảm cho khoản vay hoặc có nhưng tài sản giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản đảm bảo không minh bạch. Nhiều tài sản có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất nhưng chưa được chứng nhận tài sản gắn liền với đất hoặc chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa chuyển đổi sở hữu từ cá nhân sang doanh nghiệp, gây khó khăn trong quá trình xác định giá trị khi vay vốn.

Ngoài ra, chưa có sự triển khai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương. Một số tổ chức tín dụng thiếu kinh nghiệm trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù và còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay. Đó là chưa kể, doanh nghiệp nhỏ hầu như dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi ngân hàng không có đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, không kiểm soát được dòng tiền trong cơ chế tiền mặt đang chiếm chủ yếu nên dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay.

Do vậy, để thực hiện được yêu cầu “DNNVV là động lực phát triển của nền kinh tế quốc dân và DNNVV là 1 trong 5 lĩnh vực được ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng” như yêu cầu của Chính phủ, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung thực hiện các quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể như tạo ra các sản phẩm tín dụng đặc thù cho DNNVV và các sản phẩm mới như sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay...

Tin cùng chuyên mục