Tập trận ASEAN - Mỹ tại biển Đông: Vì tự do hàng hải

Cuộc tập trận trên biển chung đầu tiên giữa Mỹ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến diễn ra từ ngày 2 đến 6-9 tại khu vực biển Đông. Theo tuyên bố được Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok đưa ra, cuộc tập trận kéo dài 5 ngày nhằm mục đích “phát triển năng lực nhận thức các vấn đề hàng hải (MDA), chia sẻ thông tin và ngăn chặn trên biển”.
Tàu hải quân Philippines BRP Ramon Alcaraz chuẩn bị tham gia tập trận ASEAN - Mỹ
Tàu hải quân Philippines BRP Ramon Alcaraz chuẩn bị tham gia tập trận ASEAN - Mỹ

Tham gia rộng rãi

Cuộc tập trận diễn ra sau khoảng một năm các nước thành viên ASEAN lần đầu tập trận trên biển chính thức đầu tiên với Trung Quốc. Các cuộc tập trận liên tiếp của ASEAN với Trung Quốc và Mỹ là một phần hành động hòa giải của ASEAN. Theo Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok, cuộc tập trận trên biển ASEAN - Mỹ (AUMX) sẽ do Mỹ và Thái Lan đồng chủ trì. Tờ Bangkok Post hôm 24-8 đưa tin, Tư lệnh Biên đội Tuần tra Thái Lan, Chuẩn Đô đốc Somphong Nakthong sẽ được chỉ định lãnh đạo lực lượng phối hợp trong cuộc tập trận hải quân. Tờ báo cho hay cuộc tập trận sẽ bao gồm ít nhất 8 tàu, trong đó có máy bay, sẽ bắt đầu tại căn cứ hải quân Sattahip của Thái Lan và mở rộng ra khu vực ngoài khơi mũi Cà Mau của Việt Nam.

Truyền thông địa phương cho biết, Hải quân Philippines sẽ cử tàu tuần tiễu BRP Ramon Alcaraz. Myanmar cũng sẽ tham gia tập trận, bất chấp việc Mỹ áp đặt trừng phạt với một số quan chức nước này liên quan tới người Hồi giáo Rohingya. Theo truyền thông Myanmar, nước này sẽ cử một khinh hạm có tên lửa dẫn đường tham gia tập trận. Cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm Mỹ và một số nước khác đang quan tâm tới căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á về các yêu sách của Bắc Kinh ở biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin với truyền thông rằng, thông qua cuộc tập trận này, Mỹ muốn “làm việc với tất cả các thành viên của ASEAN về các ưu tiên an ninh hàng hải chung trong khu vực”.

Tất cả vì tự do hàng hải

Mặc dù kế hoạch tập trận ASEAN - Mỹ đã có từ những năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng nhiều lần bị trì hoãn. Quyết định cuối cùng đã được đưa ra vào tháng 10-2018 tại cuộc họp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là James Mattis và các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN nhân Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 12.

Theo các chuyên gia, khu vực biển Đông tiếp giáp eo biển Malacca tạo thành một điểm nhấn quan trọng đối với thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo ông Collin Koh, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore: “Mục đích cuối cùng của cuộc tập trận là đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đồng thời ASEAN có quyền lựa chọn đối tác tập trận mà không chịu bất kỳ sức ép của ai”.

Theo ông William Choong, nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Singapore, thông qua các cuộc tập trận chung với cả Trung Quốc và Mỹ, “ASEAN đang sử dụng tiêu chí cho thấy họ không muốn để bất kỳ cường quốc nào định hình an ninh khu vực”. Theo ông Choong, điều đó cho thấy ASEAN phát đi tín hiệu rằng họ bình đẳng với cả Trung Quốc và Mỹ. Các nhà phân tích nhận định cuộc tập trận sắp tới cũng là cơ hội để Mỹ thực hiện cam kết của họ trong việc đảm bảo an toàn cho các tuyến đường biển quan trọng.

Theo Tham mưu trưởng Hải quân Philippines, Chuẩn Đô đốc Loumer Bernabe, đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và khả năng hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, với nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở. Theo ông Bernabe, sự tham gia của Philippines trong cuộc tập trận này sẽ nâng khả năng hoạt động trên biển của hải quân Philippines lên tầm đa phương, nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tin cùng chuyên mục