Tập trung chống hạn mặn

Mới bắt đầu mùa khô nhưng tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL đang diễn biến phức tạp. Tại một số nơi như Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Tập trung chống hạn mặn

Mới bắt đầu mùa khô nhưng tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL đang diễn biến phức tạp. Tại một số nơi như Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre… nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Trà Vinh triển khai nạo vét thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô.

Nước mặn xâm nhập

Các xã như Long Phú, Tân Hưng, Tân Thạnh, thị trấn Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) là những nơi bị nước mặn xâm nhập dữ dội nhất hiện nay. Đáng lo ngại là hàng ngàn hécta lúa xuân hè đang trong giai đoạn đẻ nhánh, trổ bông… nhưng thiếu nước ngọt trầm trọng, dẫn tới nguy cơ thiệt hại.

Ông Lâm Chiên, ngụ ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú lo lắng: “Khoảng 2 tuần qua mực nước ở các con kênh lớn xuống rất thấp, trong khi các tuyến kênh nội đồng gần như kiệt nước nên không ai đưa nước ngọt vào ruộng được. Nếu tình hình này kéo dài thêm 2 tuần nữa thì nguy cơ lúa bị thất trắng là khó tránh khỏi”.

Tại xã Tân Hưng, Tân Thạnh, thị trấn Long Phú… tình trạng xâm nhập mặn bao vây trên diện rộng, trong khi nguồn nước ngọt ở các tuyến kênh cấp 2, kênh nội đồng… cạn kiệt, khiến việc sản xuất nông nghiệp gặp muôn vàn khó khăn.

Ông Lâm Văn Vũ, Phó phòng NN-PTNT huyện Long Phú, cho biết, năm nay nước mặn về sớm 1 tháng so với mọi năm, dù ngành chức năng có chuẩn bị giải pháp giữ nguồn nước nhưng do các tuyến kênh bị bồi lắng nên không giữ được. Ngoài ra, do vụ lúa xuân hè năm ngoái trúng mùa - nông dân lời nhiều, vì vậy năm nay ai ai cũng tranh thủ làm lúa xuân hè. Kế hoạch của huyện gieo sạ khoảng 7.000ha lúa xuân hè, nhưng thực tế bà con xuống giống tới 13.000ha. Diện tích lúa tăng quá cao, trong khi nguồn nước ngọt thiếu hụt, nước mặn tấn công sớm đã khiến tình hình thiếu nước thêm trầm trọng.

Ở Tiền Giang, nước mặn cũng về sớm khoảng 20 ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Gần 30.000ha lúa ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo… đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt sẽ ảnh hưởng tới năng suất.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Trà Vinh, ranh mặn 4‰ đã xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 50km cách cửa biển. Trên sông Hậu tại Cầu Quan (huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) độ mặn đã đạt tới 10,1‰, cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 7,7‰. Do đó, ngành nông nghiệp và người dân cần có giải pháp cấp bách bảo vệ lúa, tránh bị thiệt hại…

Bài toán thủy lợi

Phòng chống hạn mặn đang được các địa phương triển khai quyết liệt. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, bằng mọi cách phải nỗ lực bảo vệ hàng chục ngàn hécta lúa trong vùng ngọt hóa Gò Công. Theo kế hoạch, giữa tháng 3-2015 sẽ bắt đầu thu hoạch và ngành chức năng đôn đốc bà con thu hoạch dứt điểm trong khoảng 2 tuần. Hiện Chi cục Thủy lợi theo dõi sát diễn biến độ mặn để thông báo kịp thời cho người dân biết, đề phòng.

Dự kiến vài ngày nữa nếu độ mặn vượt quá 2‰ ở cống Xuân Hòa thì sẽ đóng cống lại và chuẩn bị giải pháp bơm chuyền (2-3 cấp) để cứu lúa. Song song đó, đầu tư 14 tỷ đồng nâng cấp ngay đường ống chuyển tải nước ở huyện cù lao Tân Phú Đông từ 50m³/giờ lên 200m³/giờ, nhằm đưa nguồn nước ngọt phục vụ 40.000 nhân khẩu đang sống trong vùng thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa khô. Đồng thời, chủ động quan trắc thường xuyên các tuyến sông lớn, nếu thấy độ mặn giảm là bơm ngay nguồn nước vào dự trữ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, từ nay cho tới tháng 5.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Long Phú (Sóc Trăng), nếu trường hợp độ mặn giảm và lấy được thêm 2 con nước ngọt thì hy vọng hàng ngàn hécta lúa xuân hè không bị thiệt hại. Tuy nhiên, việc này rất khó khăn bởi diễn biến hạn mặn vô cùng phức tạp.

“Ở Long Phú, vụ lúa xuân hè là trúng nhất, năng suất đạt tới 8 tấn/ha; trong khi vụ hè thu và đông xuân chỉ có 5 - 6 tấn/ha. Song, cái khó là vụ xuân hè rơi ngay vào mùa hạn mặn, nên việc sản xuất thường “50% ăn - 50% thua”. Nguyên nhân là do các công trình thủy lợi ở huyện yếu kém, kênh mương cạn kiệt… nhưng không đủ kinh phí nạo vét, làm mới… Về lâu dài, nếu giải quyết được bài toán thủy lợi thì mới bớt lo hạn mặn đe dọa”- ông Lâm Văn Vũ, Phó phòng NN-PTNT huyện Long Phú, phân trần.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đến nay tỉnh đã thu hoạch khoảng 110.000ha lúa đông xuân và đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch 200.000ha còn lại; cố gắng dứt điểm vào cuối tháng 3, tránh bị ảnh hưởng hạn mặn. Khoảng 65.000ha đất ở các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên và An Minh nơi bị hạn mặn bao vây, được khuyến cáo chuyển sang nuôi tôm, đến khoảng tháng 6 khi mưa xuống mới sạ lúa trở lại để không bị thiệt hại…

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục