Tập trung phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

Chiều 18-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận.

(SGGP).- Chiều 18-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Thuận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, năm 2016, tổng sản phẩm của Bình Thuận (GRDP) tăng 7,42%, thu nội địa đạt trên 5.400 tỷ đồng (tăng 24,2% so với năm 2015), kim ngạch xuất khẩu đạt trên 522 triệu USD (tăng 8,2%), thu nhập bình quân đầu người đạt 40,3 triệu đồng; hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch phát triển ổn định và tăng so với cùng kỳ; các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn được quan tâm thực hiện như Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, cảng tổng hợp Vĩnh Tân, sân bay Phan Thiết. Năm 2016, Bình Thuận thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kế hoạch, có thêm 12 xã và huyện đảo Phú Quý đạt chuẩn NTM. Trong những năm qua, kinh tế biển của địa phương có bước phát triển vượt bậc. Năm 2016, sản lượng khai thác hải sản của địa phương đạt trên 200.000 tấn với khoảng gần 2.900 chiếc tàu có công suất trên 90CV hoạt động trên biển gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, đánh bắt xa bờ; nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ phát triển mạnh với diện tích trên 1.000ha; sản xuất, tiêu thụ tôm giống đạt 22 tỷ post. Đặc biệt, về lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, hiện Bình Thuận đang có 19 dự án điện gió được chấp thuận đầu tư với tổng công suất đăng ký, đề nghị lắp đặt là hơn 1.192 MW (hiện đã có 3 dự án tổng công suất 60 MW đã hoàn thành, phát điện); có 1 dự án điện mặt trời đã được chấp thuận đầu tư và 21 dự án đang khảo sát đo nắng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Bình Thuận vẫn chưa có bước phát triển đột phá so với những tiềm năng to lớn của địa phương như: gần khu kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 4 ngư trường khai thác hải sản lớn nhất nước, tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, du lịch biển… Thủ tướng nhấn mạnh, là một tỉnh lớn, giàu truyền thống và có nhiều tiềm năng nhưng vẫn nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương, đó là một câu hỏi lớn mà tỉnh Bình Thuận cần tìm lời giải.

Do vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bình Thuận phải đi lên bằng “3 chân” là du lịch - dịch vụ; công nghiệp chế biến và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận cần tập trung phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và tiếp tục xây dựng 3 trung tâm: Trung tâm du lịch thể thao mang tầm quốc gia, trung tâm năng lượng sạch Bình Thuận và trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan mang tầm quốc gia. Riêng vấn đề khai thác, chế biến quặng titan, Thủ tướng giao tỉnh Bình Thuận phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, khảo sát cụ thể, xem làm ở chỗ nào, còn khu vực nào trữ lượng lớn, chất lượng tốt mà chưa khai thác được thì cần phải làm gì. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bình Thuận cần đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; lắng nghe, đối thoại và đồng hành cùng doanh nghiệp cũng như người dân.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát lệnh khởi công “Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa” tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận). Khu phức hợp có quy mô hơn 8.000ha do Công ty cổ phần sữa Thông Thuận đầu tư với tổng vốn 3.000 tỷ đồng. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp Bình Thuận từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, tạo thêm công ăn việc làm cho nông dân địa phương.

NGUYỄN TIẾN

Tin cùng chuyên mục