Tập trung sơ chế, đóng gói nông sản tại nguồn

Từ nay đến năm 2020, Sở Công thương TPHCM sẽ tập trung triển khai công tác sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh, thành, nhằm mục đích khảo sát hoạt động sản xuất, cung ứng, thu gom, sơ chế các sản phẩm nông sản đang phân phối tại 3 chợ đầu mối bán buôn là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền; trong đó, ưu tiên các sản phẩm có sản lượng tiêu thụ lớn.
Cách làm này sẽ góp phần kéo giảm lượng rác thải đưa về TP, đồng thời tiến tới việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, làm cơ sở quan trọng để xây dựng 3 chợ đầu mối trở thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm theo chủ trương của lãnh đạo TPHCM, hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại. 
Tập trung sơ chế, đóng gói nông sản tại nguồn ảnh 1 Bắp cải là một mặt hàng nông sản sẽ được sơ chế đóng gói trước khi về chợ đầu mối. Ảnh: CAO THĂNG
Giảm 240 tấn rác/ngày, tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng/tháng 
Theo Sở Công thương TPHCM, hiện lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành về các chợ đầu mối tại TP ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc lượng rác thải phát sinh cũng lớn, chủ yếu đến từ các hoạt động sơ chế, phân loại, đóng gói rau củ quả bị héo úa, giập nát, hư hỏng… Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống, mà còn tiềm ẩn lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng an toàn thực phẩm và gây áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý rác.
Cụ thể, sản lượng hàng nhập chợ bình quân hiện nay tại 3 chợ đầu mối ước đạt 9.205 tấn/đêm. Tổng lượng rác bình quân tại 3 chợ đầu mối ước 240 tấn/đêm; trong đó, lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ chiếm gần 90%. Để xử lý toàn bộ lượng rác thải này, ban quản lý 3 chợ đầu mối phải tốn chi phí gần 67 triệu đồng/ngày cho khâu thu gom, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vận chuyển và xử lý rác tại chợ, tương đương hơn 2 tỷ đồng/tháng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết công tác thu gom, vận chuyển, sơ chế tại 3 chợ đầu mối đang có những vấn đề lớn sau: Hàng tháng, TP tốn chi phí xử lý rác rất lớn, trong khi rác phát sinh từ hoạt động sơ chế là rác hữu cơ, có thể ủ làm phân xanh, tạo dinh dưỡng cho đất trồng phục vụ nông nghiệp. Nếu việc sơ chế được khuyến khích thực hiện tại nguồn thì nông dân hầu như chỉ tốn công chứ không tốn thêm chi phí cho quy trình tạo thành phân bón cây trồng và với 3 chợ đầu mối sẽ giúp giảm đáng kể chi phí xử lý lượng rác thải hữu cơ phát sinh từ quá trình sơ chế tại chợ. Chi phí sơ chế tại 3 chợ đầu mối hiện cao hơn chi phí sơ chế tại nguồn và sự chênh lệch này sẽ được cộng dồn vào giá thành sản phẩm hàng hóa đang kinh doanh tại chợ. Cụ thể là các loại chi phí như nhân công, nước sạch, xử lý rác trong quá trình sơ chế tại TPHCM chắc chắn cao hơn so với ở các tỉnh, thành bạn.
Đối với những phần thừa, không sử dụng của nông sản mà vẫn vận chuyển vào TP (do không được sơ chế tại nguồn ngay sau khi thu hoạch) sẽ làm tăng chi phí vận tải, đó là chưa kể đến chi phí vận chuyển hàng hóa hư hỏng do còn để rời chưa đóng gói bao bì. Do mặt bằng tại các chợ đầu mối hạn chế nên phải tốn thêm chi phí thuê mặt bằng để sơ chế. Cũng vì không sơ chế, đóng gói, bảo quản với điều kiện nhiệt độ phù hợp ngay sau khi thu hoạch, dẫn đến giảm giá trị của sản phẩm, tỷ lệ hao hụt nông sản sau thu hoạch cao, lên tới 30%, đặc biệt là mặt hàng dễ hư hỏng như rau củ quả... 
Với tỷ lệ hao hụt cao như hiện nay, người tiêu dùng đang phải trả giá đắt hơn để sử dụng một đơn vị sản phẩm nông sản; nông dân phải bỏ nhiều công sức và chi phí hơn để nuôi trồng một đơn vị sản phẩm, trong khi lợi nhuận của họ lại bị bào mòn bởi những hao hụt từ khâu trồng trọt, thu gom, vận chuyển, sơ chế.
Ngoài ra, với hiện trạng hàng hóa chưa được sơ chế hiện cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tính hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Điều này vô hình trung làm khó người tiêu dùng trong việc nhận diện sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng địa phương, làm giảm tính cạnh tranh của hàng nông sản đối với thị trường xuất khẩu, đặc biệt là hàng Trung Quốc.
Khó mấy cũng phải làm
Một số ý kiến cho rằng, tại thời điểm này, việc thực hiện sơ chế, đóng gói tại nguồn đã đi vào giai đoạn chín muồi vì nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người tiêu dùng. Họ chỉ ưu tiên sử dụng sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, organic… Mặt khác, TPHCM đã phê duyệt và ban hành đề án Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2015, định hướng 2030; trong đó đặt mục tiêu sẽ đầu tư nâng cấp mạng lưới các chợ truyền thống nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kinh doanh và mua sắm của người dân cũng như đưa 3 chợ đầu mối trở thành các trung tâm giao dịch hàng hóa và là địa điểm tham quan, mua sắm của du khách. Vấn đề còn lại để thực hiện thành công chính là ý thức cũng như hành vi của các thương nhân, nhà vườn. Họ mới là chủ thể chính để thực hiện chứ không phải ai khác. 
Theo Sở Công thương TPHCM, đơn vị chủ công thực hiện, sở đã phối hợp với các tỉnh, thành có nguồn cung lớn về nông sản cho TP như Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, các chợ đầu mối của TP để khảo sát, tìm hiểu và đánh giá về cơ sở hạ tầng của các đơn vị tham gia công tác sơ chế tại nguồn. Từ đó, phân tích và đề xuất hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình triển khai. Nghiên cứu, phân tích và so sánh chi phí và lợi ích của việc sơ chế hàng hóa tại nguồn; từ đó, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đơn vị tham gia. 
Bà Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, sẽ khó có thể thực hiện việc sơ chế một cách “duy ý chí” mà phải làm cho các bên tham gia hiểu được mục đích, lợi ích vượt trội trong quá trình thực hiện sơ chế tại nguồn. Mặt khác cũng cần có sự thống nhất cụ thể về lộ trình triển khai giữa nơi tiêu thụ là TPHCM và nơi sản xuất là các tỉnh, thành để việc thực hiện đạt hiệu quả cao. 
Một số ý kiến thừa nhận cũng không dễ dàng thực hiện việc sơ chế, đóng gói đi vào khuôn khổ trong thời gian sớm nhất, vì lâu nay tiểu thương đã quen với cách nghĩ nếu sơ chế thì hàng sẽ mau bị héo, mau hư hơn do không có lớp vỏ bên ngoài bảo vệ… 
Nhận thức được điều này, nên các sở ngành cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai như tăng cường tuyên truyền đến các nhà vườn, thương nhân hiểu được tầm quan trọng cũng như hiệu quả của việc thực hiện sơ chế, đóng gói tại nguồn. Làm được việc này thì uy tín và thương hiệu của sản phẩm các nhà vườn sẽ tăng lên, dẫn đến sức cạnh tranh và mãi lực của ngành hàng tăng theo.
“Đây là dự án tuy không khó nhưng cũng không dễ thực hiện vì liên quan đến nhiều vấn đề, nhưng nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được. Trước mắt, Sở Công thương TPHCM sẽ chọn thực hiện sơ chế, đóng gói thí điểm đối với 3 mặt hàng là bắp cải, củ cải đỏ - trắng và cải thảo trước khi đưa về 3 chợ đầu mối của TP. Thời gian thực hiện từ ngày 1-8 đến 31-8, sau đó sẽ tổ chức họp rút kinh nghiệm. Khởi điểm chúng tôi chỉ tập trung vào một số mặt hàng trên, nếu làm hiệu quả sẽ tạo hiệu ứng như vết dầu loang, nhà vườn và thương nhân thấy có lợi thì sẽ tạo đà để TP có thể triển khai đến nhiều mặt hàng khác. Chúng ta phải làm và làm quyết liệt để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của TP về công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020”, bà Nguyễn Huỳnh Trang nhấn mạnh.
Tại buổi khảo sát làm việc tại huyện Đơn Dương - địa bàn hiện đang chiếm 50% tổng sản lượng rau củ quả và hoa của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có 70% sản lượng cung ứng cho thị trường TPHCM, ông Dương Đức Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, cho hay hiện chỉ khoảng 20% - 25% sản lượng nông sản được sơ chế, đóng gói tại nguồn và được truy xuất nguồn gốc. Để thực hiện kế hoạch phối hợp với TPHCM, huyện đã triển khai đến 8 xã và 2 thị trấn cũng như tập hợp tất cả nhà vườn trên địa bàn để phổ biến kế hoạch sơ chế. Nếu nhà vườn làm không tốt thì đối tác sẽ không mua hàng. Hy vọng sau ngày 1-7, sản lượng hàng hóa được sơ chế, đóng gói sẽ nâng lên 50%, số còn lại cũng được hoàn tất trong thời gian tới. 
Tương tự, ông Nguyễn Công Thành, Giám đốc HTX Susu Công Thành (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), cho biết hiện HTX đã thực hiện sản xuất theo chuẩn VietGAP trên diện tích 42ha, với sự tham gia của 13 thành viên và 207 hộ liên kết. Mỗi ngày, HTX cung ứng từ 4 - 7 tấn hàng hóa, với 56 mặt hàng khác nhau, chủ yếu đưa về 3 chợ đầu mối của TPHCM, số còn lại chuyển xuống TP Cần Thơ và Phú Quốc. Theo ông Nguyễn Công Thành, việc thực hiện sơ chế tại nguồn không gặp khó khăn. Vấn đề còn lại từ chính đối tác của HTX, họ chưa có yêu cầu sơ chế vì nhiều lý do…? 

Tin cùng chuyên mục