Tàu mô hình chơi là ghiền!

Tàu mô hình chơi là ghiền!

Cứ vào chiều thứ bảy, chủ nhật, trên đoạn rạch dài khoảng 400m ở khu vực cầu Bản (đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7), những chiếc tàu “tí hon” xé nước vun vút với vận tốc khoảng 80km/g. Tiếng gầm rú của động cơ, tiếng reo hò cổ vũ của khán giả khiến chúng tôi không khỏi tò mò...

  • Đủ loại tàu mô hình
Tàu mô hình chơi là ghiền! ảnh 1
Người dân đang xem đua tàu mô hình ở cầu Bản, Q7

Cuối tuần, dưới ánh nắng buổi xế chiều, gió lặng, cũng là lúc con nước lớn, khu vực cầu Bản rộ lên bởi tiếng gầm rú của động cơ, tiếng hò reo cổ vũ của khán giả. Khung cảnh và thời tiết lý tưởng cho 1 buổi đua tàu mô hình. 11 thành viên của Đội 6 đã có mặt đông đủ, ai cầm tàu của người nấy và bắt đầu… mở máy.

Anh Trần Lưu (quận 12), người  đã có thâm niên chơi tàu mô hình từ hơn chục năm nay, được anh em “tấn phong” là đội trưởng cho biết, đội thành lập từ gần 2 năm nay. “Ban đầu, tụi mình mua tàu về đua, sau thì mày mò tự làm lấy. Bây giờ, mỗi thành viên đều có “con cưng” của riêng mình”. Loại phổ thông nhất là loại tàu hình chữ V (V hull), là loại được sử dụng rộng rãi cả trong đời sống và mô hình. Và, riêng loại này cũng có thể “chế tác” thành 2 kiểu: Deep V- thân dày, hẹp và Shalow V- thân mỏng, rộng. “Các anh em ở đây chủ yếu dùng loại thân dày, hẹp” – anh Lưu khoe.

Tàu mô hình được chia làm nhiều loại: dựa vào động cơ (chạy pin, chạy cồn (nitrol) hoặc chạy xăng…), dựa vào vỏ tàu (bằng nhựa, bằng gỗ hay bằng composit…) với 3 bộ phận chính: động cơ, bộ điều khiển (bộ pin) và vỏ tàu. Ngoài ra, còn có các bộ phận “như tàu thật” khác: chân vịt, ống dẫn hướng, bánh lái…  Tuy nhiên, mô hình tàu được dân chơi ưa chuộng nhất hiện nay là có động cơ chạy bằng xăng A92 và vỏ tàu bằng composit được chuộng về mẫu mã, độ bền và cả tính năng sử dụng. Về nguyên lý, tàu mô hình dạng này giống như chiếc canô hay thuyền Airboard - loại thuyền lắp động cơ máy bay, dùng cồn methanol làm nhiên liệu, vận tốc tối đa có thể đạt được khoảng 80km/g.

Anh Phước (quận 7), dân chơi tàu mô hình lâu năm cho biết, trước kia, động cơ của tàu mô hình chủ yếu được chế từ… máy cắt cỏ. Bây giờ, có thể sắm máy “zin” của Nhật từ 200-250 USD hoặc mua hàng Trung Quốc, còn chế từ máy cắt cỏ thì rẻ hơn. Vỏ tàu, nếu mua sẵn giá từ 1 đến 2 triệu đồng nhưng tự làm lấy thì chỉ khoảng 500.000đ. Những tiêu chí để so kè tàu với nhau là: vận tốc, tiếng nổ đặc biệt, hình dáng màu sắc vỏ tàu; tàu nào xé được nước cao…

  • Cuộc đua không có... người thắng

Không phân định thắng – thua như các cuộc đua thông thường nên các tay đua ở đây không hề gìn giữ bí mật về công nghệ mà luôn chỉ dẫn cho khán giả biết cách chế các loại máy, mua vỏ và máy giá rẻ; lắp chân vịt như thế nào để đạt tốc độ tối đa mà không bị bốc đầu hay chúi đầu, cách nhấn ga, bẻ lái để hạn chế lật… Nếu thích, khán giả có thể vừa xem vừa phụ giúp người chơi: giật máy nổ, thả tàu, vớt tàu… để có được “cảm giác… tàu”. Anh Thanh, một khán giả thường xuyên cho hay: “Ở đây, người xem có thể hỏi người chơi rất thoải mái và còn được… đua thử! Chứ vào hồ Phước Kiển hay một số nơi khác xem thì phải có người chơi đứng ra bảo lãnh mới được dẫn vào vì, tàu thuyền, đồ đạc lỉnh kỉnh, người ta sợ mình đến xem rồi “chôm”!

Dân chơi và người xem không “khoái” những chiếc tàu hiền lành, chạy một cách êm ru mà thích những con tàu “trái tính trái nết”, để vừa chạy vừa… sửa, vừa bình phẩm về tiếng kêu, máy nổ. Để rồi sau khi hì hục, lọ mọ sửa sang, chiếc tàu tí hon lại có những đường chạy hào hoa, lướt nhanh, xé nước vun vút. “Để có những chiếc tàu “đỏng đảnh” thì người chơi phải “chiều” như chiều… con gái ấy! Nhưng như thế mới là chơi!”- Anh Lưu ví von.

Hiện nay, ở TPHCM ngoài điểm chơi tàu mô hình ở cầu Bản có các điểm khác như khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7), hồ Phước Kiển (Nhà Bè), cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh)... Tuy nhiên, điểm dân chơi quy tụ sôi nổi nhất vẫn là ở cầu Bản. Không đặt cược, không cay cú ăn thua và người xem không phải mua vé. Nhiều người đi qua, dựng xe và đội nguyên mũ bảo hiểm ngồi xem. Anh Tư (quận 7), người chơi trong nhóm cho hay: “Nhiều khi cuối tuần nhóm bận việc không đến đây đua được, khán giả lại gọi điện hỏi “hôm nay sao không thấy mấy anh ra chơi”? Nhiều khán giả nhiệt tình còn mua cả cơm hộp, nước uống cho anh em trong đội. Có hôm, để chiều lòng bà con, anh em huy động số xe máy hiện có (khoảng chục chiếc) và “chơi” luôn cả con xe tải ra bật đèn pha rọi xuống sông để phục vụ đua buổi tối.

Có lẽ vì được xem miễn phí cùng với không khí trong lành ở sông nước ngoại thành mà cứ chiều cuối tuần ở nơi đây lại có rất đông người dân đến xem đua tàu. Anh Thịnh, một khán giả thường xuyên ở đây cho biết: “Một lần tình cờ đi chơi qua đây thấy mọi người xem đông thằng con mình cứ đòi dừng lại xem cho bằng được. Riết thành quen, tuần nào nó cũng đòi đi coi đua tàu”.

Hiện nay, những người yêu thích đua tàu mô hình có thể truy cập vào website CLB tàu mô hình tại địa chỉ: http://www.clbmohinh.com. Tại đây, người chơi có thể trao đổi kinh nghiệm về cách chơi, địa điểm chơi, nơi mua sắm các trang thiết bị máy móc cần thiết cho tàu... 

ĐƯỜNG LOAN –HỒ THU

Tin cùng chuyên mục