Tây ăn tết ta

Những năm gần đây, số lượng người nước ngoài đến khu vực Mũi Né (thuộc 2 phường Hàm Tiến và Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) sinh sống và làm việc ngày càng đông. Có người mới chỉ bén duyên khoảng 2 - 3 năm nhưng cũng có người gắn bó hơn hai chục năm ở vùng đất được xem là “thủ đô resort” của Việt Nam. 
Giống như người dân địa phương, mỗi khi tết Việt đến, họ cũng đi sắm tết, trang hoàng nhà cửa, gói bánh chưng, thăm hỏi bạn bè, người thân… với cảm giác nôn nao khó tả.
Chộn rộn sắm tết
Cũng như bao người Việt, anh Steffen Christophe (52 tuổi, người Thụy Sĩ) dành hẳn hai ngày để xuống chợ Mũi Né tận tay lựa chọn những chậu hoa, vài ký gạo nếp và những bó lá dong để tết này sẽ gói bánh chưng tại nhà của người bạn gái người Việt Nam mà anh đã yêu gần 5 năm qua.
“Đây là năm thứ 15 tôi được đón tết cùng người Việt Nam. Năm nay, tôi nhất định phải tự tay gói được những chiếc bánh chưng hình vuông để khẳng định rằng con trai người nước ngoài cũng khéo tay không thua gì con trai Việt”, Steffen hồ hởi. Steffen hiện đang chơi nhạc cho một quán cà phê ở phường Hàm Tiến (TP Phan Thiết). Hơn 10 năm được ăn tết Việt, người đàn ông này không chỉ kể rành rọt những món ăn truyền thống của Việt Nam mỗi khi xuân về mà còn có thể tự tay chế biến chúng. “Bánh chưng dẻo và thơm, củ kiệu ăn chua chua, bánh tổ thơm nồng mùi mật mía, heo quay béo ngậy. Tất cả chúng đều rất tuyệt!”, Steffen vừa kể vừa loay hoay chọn mua mấy ký củ kiệu.
Cũng vội vã, chộn rộn không kém là hai cha con người Ấn Độ Rinna và Manmet. “Hôm nay mình làm tiệc tất niên để mời bạn bè người Việt đến chung vui. Hai cha con tôi ở Mũi Né được gần 5 năm rồi, năm nào chúng tôi cũng ăn tết như người Việt. Vui và thú vị lắm!”, anh Rinna chia sẻ. Bữa tiệc tất niên mà hai cha con người Ấn Độ dự định làm sẽ có những món truyền thống của người Việt như thịt kho măng, gà luộc và thêm những món mang đậm hương vị cà ri Ấn Độ. 
Tây ăn tết ta ảnh 1 Cũng như người Việt, khi tết về những người bạn người nước ngoài đến thăm hỏi, chúc tụng nhau rất ấm cúng và tình nghĩa
Tay trong tay, Philippe và Corinne đến từ đất nước Canada rạng rỡ đưa nhau xuống chợ hoa Mũi Né. Hai người bạn trẻ này đến Mũi Né làm việc được gần một năm. Đây là năm đầu tiên họ được ăn tết Việt nên trong lòng cảm thấy rất vui. “Tôi nghe bạn bè kể rất nhiều về tết cổ truyền của Việt Nam và tôi đang rất mong chờ được trải qua cảm giác này. Hôm nay tôi đưa bạn gái đi chợ mua vài thứ về trang hoàng cho ngôi nhà của mình để cùng chung vui với người Việt. Tết này tôi sẽ ăn thử bánh chưng rồi học cách làm để năm sau sẽ trổ tài xem sao”, Philippe vừa nói vừa cười rạng rỡ.
Thân thương tết Việt
Dù chưa lần nào được ăn tết Việt nhưng Philippe thực sự ấn tượng với công tác chuẩn bị kỹ càng và chu đáo của người dân Việt Nam cho những ngày tết cổ truyền của dân tộc. “Ra đường những ngày gần tết, không khí đâu đâu cũng chộn rộn, hối hả. Nhà cửa, đường phố đâu đâu cũng được trang hoàng đèn, hoa. Mọi người ai nấy cũng đều cố gắng để chuẩn bị một cái tết cho thật trọn vẹn. Đất nước các bạn thật tuyệt!”, Philippe cảm nhận. 
Đối với Steffen, tết Việt dù đã không còn xa lạ gì, nhưng cứ mỗi khi xuân về, người đàn ông này cũng cảm thấy nôn nao như bao người Việt khác. Ở Thụy Sĩ năm mới cũng là một dịp đặc biệt để họ quây quần sum họp bên gia đình và bạn bè.
“Ở nước chúng tôi không có nhiều phong tục và truyền thống như đất nước các bạn. Chúng tôi thường chỉ chào đón năm mới với bạn bè. Tuy nhiên, tết Việt lại khác. Tết về, dường như các hoạt động trên cả nước của các bạn đều ngưng hẳn lại, mọi người tạm gác công việc và gánh nặng cuộc sống thường nhật sang một bên, để quây quần, đoàn tụ tận hưởng một tết cổ truyền đầy ý nghĩa. Mọi người đến nhà nhau, thăm hỏi, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Khác với người phương Tây vào dịp nghỉ lễ thường rủ nhau đi du lịch, ở nước các bạn khi tết đến con cháu, mọi người trở về nhà đoàn tụ với nhau thật tình nghĩa”, Steffen tâm sự. Còn anh Rinna thì lại cảm thấy thật thú vị khi tận mắt thấy người Việt gói bánh chưng một cách cầu kỳ và khéo léo. “Chiếc bánh chưng của các bạn chứa đựng rất nhiều tình yêu vào đó. Tôi sẽ học cách gói món bánh này để có dịp trở về quê hương làm thử mời người thân, bạn bè ăn. Tôi sẽ nói và kể cho họ nghe về cái tết Việt thật thân thương qua chiếc bánh do tôi tự làm”, Rinna trải lòng. 
15 năm ở Việt Nam, Steffen đã quá am hiểu các phong tục trong những ngày tết của người Việt. Năm nay, người đàn ông này cũng đã chọn cho mình một người bạn Việt Nam để mùng một tết đến “xông” nhà mình. “Hợp tuổi mà đến xông nhà là năm sau may mắn lắm. Ở nước tôi không có phong tục này, nhưng ở Việt Nam đã lâu dường như tôi đã là người Việt rồi thì phải”, Steffen cười tươi cho biết.
Những tia nắng xuân ấm áp đang tràn trên những khuôn mặt từng người, sự lo toan của cuộc sống tạm khép lại. Những người bạn người nước ngoài có mặt ở vùng biển xinh đẹp Mũi Né nói riêng, cả nước nói chung đang khiến cho tết Việt trở nên gần gũi, ấm áp hơn.

Tin cùng chuyên mục