Tây Nguyên: Khô hạn, thiếu nước sản xuất

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, nhiều công trình thủy lợi cạn kiệt nước, không đủ nước tưới khiến hàng ngàn hécta cây trồng có nguy cơ mất trắng. Nhiều hồ thủy điện cũng thiếu nước, không thể xả điều tiết nước cho vùng hạ du.
Tây Nguyên: Khô hạn, thiếu nước sản xuất

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, nhiều công trình thủy lợi cạn kiệt nước, không đủ nước tưới khiến hàng ngàn hécta cây trồng có nguy cơ mất trắng. Nhiều hồ thủy điện cũng thiếu nước, không thể xả điều tiết nước cho vùng hạ du.

Đoạn sông Srêpốk cạn khô nước. Ảnh: Công Hoan

Đoạn sông Srêpốk cạn khô nước. Ảnh: Công Hoan

Hàng ngàn hécta cây trồng nguy cơ mất trắng

Tại tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm này, mực nước các hồ thủy lợi vừa và nhỏ (dung tích dưới 500.000m³) đều xuống thấp, trong đó nhiều hồ đã về mực nước chết hoặc đã khô cạn. Ở những vùng cà phê trọng điểm, một diện tích không nhỏ đã bị thiếu nước tưới, dẫn đến vàng lá, rụng trái, năng suất chắc chắn sẽ giảm mạnh. Trong đó, huyện Di Linh có đến 6.000ha cà phê thiếu nước tưới đợt 1; huyện Bảo Lâm có trên 530ha cà phê và 480ha chè bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Cùng với cà phê, nhiều cánh đồng lúa tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Di Linh, Đam Rông… cũng đang thiếu nước tưới, nhiều nhất là tại huyện Đạ Tẻh với trên 1.000ha. Còn tại Di Linh, diện tích lúa bị hạn hán nghiêm trọng, nguy cơ mất trắng khoảng 50ha.

Tại tỉnh Đắk Lắk, hạn hán kéo dài thời gian qua đã làm hơn 30.000ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 2.400ha cây trồng (chủ yếu là lúa và cà phê) bị mất trắng. Tại các huyện Krông Năng, Cư M’gar, Krông Pắk, Krông Ana, Ea Kar và thị xã Buôn Hồ, hầu hết các hồ, đập, sông, suối đều trong tình trạng khô cạn làm người dân gặp khó khăn trong việc tìm nước tưới cho cây trồng.

Trước tình trạng hạn hán ngày một khốc liệt, chính quyền và người dân các tỉnh Tây Nguyên đang dồn sức, huy động các nguồn lực, đồng thời đề ra những giải pháp cấp bách ứng phó.

Ông Mai Trọng Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, cho biết chính quyền và người dân xác định chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm và tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo chống hạn. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương trích ngân sách dự phòng, trước mắt xử lý cấp bách tình hình hạn hán như hỗ trợ dầu để bơm nước ở những sông suối có thể bơm được. Nếu cứu lúa không được thì ưu tiên nước tưới cho cà phê, vì thiệt hại cây cà phê gây hậu quả rất lớn. Ngoài ra, đặc biệt ưu tiên nước cho sinh hoạt của người dân và gia súc. UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 140 tỷ đồng để khắc phục hậu quả hạn hán.

Khu du lịch Cầu Treo ở huyện Buôn Đôn cạn khô nước. Ảnh: Công Hoan

Khu du lịch Cầu Treo ở huyện Buôn Đôn cạn khô nước. Ảnh: Công Hoan

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đề ra các giải pháp cấp bách, như: huy động và hỗ trợ nông dân sử dụng máy bơm của hộ gia đình để bơm tận dụng nước từ các ao hồ, khe, suối để tưới. Tại các công trình thủy lợi, tận dụng triệt để dung tích nước chết của các hồ chứa để chống hạn. Đối với các trạm bơm dọc sông Đồng Nai, ngành chức năng huyện Cát Tiên phối hợp với các công ty thủy điện xả nước phát điện theo định kỳ để các trạm bơm có nước.

Hồ thủy điện cạn nước

Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, cho biết: Hiện mực nước tại 3 hồ thủy điện Buôn Tua Sar, Buôn Kuốp và Srêpốk 3 của công ty quản lý đã xuống rất thấp và có thể về cao trình mực nước chết trong thời gian tới.

Tại hồ Buôn Tua Sar, lưu lượng nước về trong những ngày qua xấp xỉ 20 - 24m³/giây (lưu lượng trung bình hàng năm là 102m³/giây), mực nước hồ cuối ngày 28-3 hơn 469.000m³, dung tích hữu ích còn lại khoảng 71,93 triệu m³. Hồ thủy điện Buôn Tua Sar nằm ở đầu nguồn bậc thang thủy điện sông Srêpốk với dung tích khoảng 500 triệu m³ nước và đóng vai trò điều tiết năm, vì thế khi hồ thủy điện này khô cạn, các hồ thủy điện còn lại cũng sẽ thiếu nước.

Sau chân đập thủy điện Buôn Kuốp, sông Srêpốk cạn khô. Ảnh: CÔNG HOAN

Sau chân đập thủy điện Buôn Kuốp, sông Srêpốk cạn khô. Ảnh: CÔNG HOAN

Ngày 22-3, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã có văn bản gửi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đề nghị tách hồ thủy điện Buôn Tua Sar ra khỏi thị trường điện để điều tiết nước tưới cho vùng hạ du ở huyện Krông Nô và Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Đến ngày 25-3, công ty đã thống nhất với Phòng NN-PTNT và Chi nhánh Thủy nông huyện Krông Nô thống nhất kế hoạch xả nước chạy máy hàng ngày. Thời gian xả nước 12 giờ/ngày; lưu lượng xả 84m3/giây và thời gian bắt đầu chạy máy vào 6 giờ sáng hàng ngày. Nếu xả với mực nước đó và trời không mưa, khoảng 1 tháng nữa hồ thủy điện Buôn Tua Sar sẽ cạn nước.

Ông Nguyễn Tấn Triết cũng cho biết: “Qua theo dõi hàng ngày, 1 tổ máy 30MW chạy liên tục từ 6 giờ sáng đến khoảng 13 - 14 giờ hàng ngày, nước mới ngập đầy dòng sông Srêpốk (khoảng 60km). Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thay đổi thời gian chạy máy trước 6 giờ hàng ngày (càng sớm càng tốt) để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lấy nước sản xuất”.

CÔNG HOAN - NAM VIÊN


Cà phê nguy cơ mất trắng, chuối xuất khẩu mắc bệnh lạ

Ngày 30-3, Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) cho biết từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay, trời không mưa nên người làm vườn đối mặt với nguy cơ mất trắng vụ cà phê năm 2014. Khoảng 5.000ha cà phê đơm hoa tại 2 địa phương nói trên gặp nắng hạn rất khó kết trái. Trong khi người dân trồng hàng ngàn hécta chuối mật mốc và chuối lùn lấy trái xuất khẩu tại khu vực miền núi Trung Trung bộ đứng ngồi không yên khi cây chuối mắc bệnh lạ với biểu hiện đọt cây chùn lại, lá mới mọc nhỏ dần, cứng, thô, giòn dễ gãy, da nheo. Cây thấp lùn xuống, nhỏ bé và còi cọc... không ra trái. Địa phương đã có văn bản kiến nghị cấp trên giúp đỡ xác định loại bệnh gây hại cho cây chuối và có giải pháp chữa trị.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục