Tây Nguyên vỡ trận cây công nghiệp: Để cây công nghiệp giữ vị thế cây trồng chủ lực (bài 4)

Theo Tiến sĩ Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, để phát triển bền vững, tránh tình trạng “trồng-chặt”, quy hoạch phải gắn với thị trường.
Để cây công nghiệp là cây trồng chủ lực của Tây Nguyên cần sự vào cuộc của nhiều “nhà”
Để cây công nghiệp là cây trồng chủ lực của Tây Nguyên cần sự vào cuộc của nhiều “nhà”
Để ngành sản xuất cây công nghiệp thực sự là ngành kinh tế chủ lực, bền vững của Tây Nguyên cần có sự vào cuộc của nhiều “nhà”. Trong đó, nhà nước hỗ trợ công tác quy hoạch, định hướng, hỗ trợ về cơ chế; nhà khoa học tìm những mô hình, loại giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện trong vùng; nhà doanh nghiệp cần có sự đầu tư, chia sẻ lợi ích với nông dân và nhà nông phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, tuân thủ quy hoạch, các điều khoản hợp tác, liên kết, làm ra sản phẩm chất lượng.
Sản xuất gắn với thị trường
Theo Tiến sĩ Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, để phát triển bền vững, tránh tình trạng “trồng-chặt”, quy hoạch phải gắn với thị trường. “Thêm nữa là cần tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình sản xuất không chạy theo số lượng mà đảm bảo chất lượng. Chất lượng tốt sẽ nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng, từ đó thu nhập sẽ tăng thêm từ sản phẩm làm ra”, Tiến sĩ Hồng cho biết. 
Về định hướng phát triển các loại cây công nghiệp trên địa bàn, ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho hay đối với cây cao su, không mở rộng diện tích mà tập trung chuyển những diện tích không phù hợp sang trồng cây trồng khác hoặc trồng lại rừng trên diện tích chuyển đổi từ đất rừng nghèo sang trồng cao su hiện đã chết hoặc sinh trưởng kém; áp dụng giải pháp tái canh đối với vườn cao su đã già cỗi, hết chu kỳ khai thác bằng giống mới cho năng suất cao; đầu tư, nâng cấp dây chuyền, công nghệ cho các nhà máy chế biến; mở rộng thị trường tiêu thụ tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đối với hồ tiêu, các địa phương rà soát lại diện tích đất trồng tiêu không phù hợp, bị bệnh nặng để khuyến cáo chuyển sang trồng các cây trồng khác hiệu quả hơn; tập trung thâm canh trên diện tích hiện có, không mở rộng diện tích. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chương trình tái canh cây cà phê. 
Còn theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tỉnh ổn định diện tích cây cà phê đến năm 2020 khoảng 150.000ha, chuyển đổi diện tích cà phê vối và các cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng cà phê chè với các giống chất lượng cao như Bourbone Katura, Moka tại các khu vực phù hợp để nâng diện tích cà phê chè toàn tỉnh lên 20.000 - 25.000ha. Trong giai đoạn 2017 - 2020, tiếp tục tái canh trên 27.000ha cà phê nhằm tăng năng suất bình quân toàn tỉnh lên 3,5 tấn/ha vào năm 2020 và 3,6-3,8 tấn/ha năm 2025.
Đẩy mạnh liên kết 4 “nhà”
PGS-TS Nguyễn Văn Nam, Trưởng khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Nguyên, cho rằng để ngành sản xuất cây công nghiệp thực sự là ngành kinh tế chủ lực, bền vững của Tây Nguyên cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân. Cụ thể, các ngành chức năng phải xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp của từng vùng, dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường, tập quán và đặc biệt là đầu ra của sản phẩm.
Đảm bảo được thị trường tiêu thụ khi định hướng phát triển diện tích cây công nghiệp cho người dân, không để cung vượt cầu. Bên cạnh đó, ngành chức năng phải có kế hoạch triển khai hiệu quả các quy hoạch và nâng cao chuỗi giá trị đối với cây công nghiệp đã định hướng, quy hoạch. Đối với nhà nông, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, sản xuất có kế hoạch phù hợp quy hoạch, định hướng và các điều khoản hợp tác, liên kết, nhằm làm ra sản phẩm chất lượng.
Khi quyết định đầu tư vào một cây công nghiệp mới phải có kiến thức kỹ thuật, phân tích, tìm hiểu kỹ về thị trường, xu hướng phát triển, điều kiện sản xuất. Cùng với đó, cần có sự chung tay của các nhà khoa học hỗ trợ về mặt kỹ thuật, các nhà doanh nghiệp để đầu tư và tìm đầu ra cho sản phẩm. Sự phối hợp các bên liên quan đã được Nhà nước khuyến khích, trong thực tiễn cần có sự  điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với điều kiện tại khu vực. 
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Phạm S nhấn mạnh sự cần thiết của việc liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học), trong đó, đối với nhà nông, diện tích canh tác cây công nghiệp trung bình 1 - 1,5ha với vai trò là chủ thể trong sản xuất, tự tổ chức sản xuất, chủ động liên kết với 3 nhà để sản xuất hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, người sản xuất vẫn còn quen với phương thức sản xuất nhỏ, manh mún, sản xuất sản phẩm không đồng đều, ít cơ hội tiếp cận thông tin thị trường, đặc biệt là yêu cầu chất lượng sản phẩm của các nước trên thế giới khác nhau. Đồng thời, một bộ phận nông dân còn hạn chế về kiến thức và nguồn vốn để đầu tư cho phát triển cây công nghiệp.
sản xuất hàng hóa lớn, đồng đều, đảm bảo đạt chứng nhận (Utz, 4C, GAP…) và có thể truy xuất nguồn gốc, các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ phải liên kết lại dưới hình thức tổ hợp tác, HTX và liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Vì vậy, họ rất cần nhà nước, nhà doanh nghiệp nhà khoa học hỗ trợ để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các kỹ năng về thành lập nhóm và làm việc theo nhóm cho người nông dân cần được chú trọng song song với chuyển giao về khoa học kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm cho người sản xuất. 
Doanh nghiệp giữ vai trò là hạt nhân của mối liên kết, hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất, hỗ trợ đầu vào như giống vật tư, phân bón và thu mua sản phẩm cho nông dân, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Chỉ có doanh nghiệp mới có thể giúp xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của địa phương có hiệu quả. Các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; định hướng sản xuất, tạo công nghệ đột phá, làm cơ sở tăng năng suất lao động trong nông nghiệp.
Trong khi đó, nhà nước với vai trò là nhạc trưởng tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo cho sự liên kết 3 nhà còn lại chặt chẽ và hiệu quả. Nhà nước ban hành các cơ chế để hình thành các liên kết giữa 4 nhà; tạo khung pháp lý để giải quyết tranh chấp xảy ra trong quá trình hợp tác liên kết, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông; đồng thời có chính sách hỗ trợ các liên kết để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục