Tây Nguyên xây dựng thương hiệu nông sản

Tây Nguyên xây dựng thương hiệu nông sản

(SGGP).- Ngày 9-6, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn khu vực Tây Nguyên, với sự tham gia của các đại sứ và tham tán nước ngoài tại Việt Nam cùng hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Lễ hội cà phê năm 2015 nhằm khuếch trương thương hiệu

Hội nghị đã tổ chức 3 phiên thảo luận về các vấn đề: Tiềm năng liên kết kinh tế vùng Tây Nguyên và nâng cao sức sức cạnh tranh của vùng; phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên và nâng cao chuỗi giá trị nông sản; phát triển du lịch bền vững và bảo tồn giá trị văn hóa vùng Tây Nguyên.

Nhiều tham luận tại hội nghị cho rằng, Tây Nguyên là vùng đất có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh để phát triển nông nghiệp và du lịch. Trong đó, các sản phẩm như: mật ong, tiêu, cà phê, chè, rau, hoa… đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, còn nhiều loại nông sản chưa được chế biến sâu để tăng giá trị xuất khẩu và thương hiệu còn mờ nhạt trên thương trường quốc tế. Ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng việc liên kết vùng ở Tây Nguyên còn mơ hồ, chưa có cơ chế, thể chế ràng buộc và hành lang pháp lý rõ ràng. Vì thế, cần phải dựa trên những tương đồng, lợi thế so sánh (khoáng sản, rừng, văn hóa, đất đai, khí hậu…) để tạo ra sự liên kết vùng và tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển, xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm…

Còn theo ông Nagai Katsuro, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, các tỉnh Tây Nguyên cũng phải phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (như cà phê hữu cơ) để tăng tính an toàn cho thực phẩm - vấn đề mọi người đều quan tâm.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục