Thế giới quần vợt: Tổng kết mùa giải 2008 của WTA

Kỳ 3: Những tay vợt được “tái sinh”

Dinara Safina (Nga)
Kỳ 3: Những tay vợt được “tái sinh”

Như nhiều tay vợt khác, Jelena Jankovic chỉ là một trong số nhiều tay vợt khẳng định được thực lực thật sự của mình trong mùa giải 2008. Số còn lại - những người như được “tái sinh”, khi tìm lại sự già dặn, kỹ thuật tiến bộ đột ngột, sức khỏe tốt, thể lực ổn, may mắn quay trở về... lại không nhiều. Vì vậy, sự hiện diện của họ trong mùa giải 2008 rất đáng trân trọng, rất đáng biểu dương. Nhiều người miêu tả họ là những tay vợt tiến bộ nhất trong mùa giải, nhưng có lẽ, nên sử dụng từ “tái sinh” cho những tay vợt này thì phù hợp hơn, vì họ cũng từng tạo ra tên tuổi (dù không nhiều) một thời...

>>Kỳ cuối: Bắt mạch các tay vợt hàng đầu còn lại
>>Kỳ 4: Sao tuổi teen!
>>Kỳ 2: Từ tháng Bảy đến tháng Mười hai
>>Kỳ 1: Từ tháng Giêng đến tháng Sáu… 

Dinara Safina (Nga)

- Leo từ vị trí thứ 15 thế giới lên vị trí thứ 3 thế giới (thậm chí từng leo lên ngôi số 2 hôm 13-10).
- Giành được 4 danh hiệu trong năm (ở Berlin, Los Angeles, Montreal và Tokyo).
- Thành tích trong mùa: 55 trận thắng, 20 trận thua.
- Số tiền thưởng giành được trong mùa: 2.541.270 USD.

Là một tay vợt chuyên nghiệp từ năm 2000 và 3 lần lọt vào tốp 20 thế giới trong 7 năm (từ năm 2000 đến năm 2007), tay vợt người Nga Dinara Safina (vốn là em gái tay vợt nam nổi tiếng Marat Safin) được xem là một trong số các tay vợt nguy hiểm nhất của WTA. Tài năng của cô thì khỏi phải bàn cãi.

Tuy nhiên, Safina chưa bao giờ được coi là một tay vợt lớn thật sự, và có lẽ cô sẽ vẫn là như vậy nếu không cải thiện được cái thành tích 11 trận thắng, 10 trận thua trong giai đoạn đầu mùa giải 2008 (từ tháng Giêng đến tháng 11).

Ở giai đoạn bị dồn đến rìa vực thẳm hồi đầu mùa giải năm nay, Safina từng nghĩ đến chuyện giải nghệ để quay lại với việc học của mình. Nhưng HLV của cô - ông Zeljko Krajan - đã truyền tai cho Safina những lời khuyên chân thành nhất, rằng cô vẫn là một tay vợt đáng sợ nếu tìm lại sự tự tin cho riêng mình. Safina bắt đầu chuyển mình, cô gây sốc khi đánh bại Justine Henin ở vòng 3 giải đấu tại Berlin.

Sau đó, cô hạ luôn Serena Williams để đăng quang ngôi vô địch giải đẳng cấp Tier I đầu tay. Safina đã khiến… Henin bất ngờ đi đến quyết định giải nghệ. Sau đó, cô còn “hành quân” đến tận trận chung kết Roland Garros, trước khi để thua Ana Ivanovic ở đây.

Dù thành tích ở mùa giải sân cỏ là không tốt, Safina vẫn không hề lúng túng. Cô đăng quang ở Los Angeles và Montreal sau đó, giành chiếc HCB ở Olympic Bắc Kinh. Rồi cô giành thêm danh hiệu thứ 4 trong mùa ở Tokyo.

Tuy chơi không thành công ở Doha Championships 2008 (không thắng nổi một trận nào), Safina vẫn leo lên vị trí số 3 thế giới (nếu chơi tốt hơn ở Doha, cô thậm chí còn giữ được ngôi số 2) với thành tích 44 trận thắng và 7 trận thua từ sau Berlin. Với rất ít điểm phải bảo vệ ở Australia Open mùa sau, Safina hoàn toàn có khả năng làm được điều mà anh trai cô từng làm: săn đuổi thành công ngôi số 1 thế giới.

Elena Dementieva (Nga)

- Leo từ vị trí số 11 thế giới lên vị trí số 4 thế giới.
- Giành được 3 danh hiệu trong mùa (ở Dubai, Olympic Bắc Kinh và Luxembourg).
- Thành tích trong mùa: 56 trận thắng, 17 trận thua.
- Số tiền thưởng giành được trong mùa: 1.951.304 USD

Kỳ 3: Những tay vợt được “tái sinh” ảnh 1

Elena Dementieva.

Từng giành HCB Olympic Sydney 2000 và luôn nằm trong tốp 20 trong mỗi mùa giải một, Elena Dementieva là một gương mặt không hề lạ lẫm với WTA. Nhưng cũng như Safina, cho đến thời điểm này, cô vẫn không được xem là một tay vợt lớn thật thụ.

Là một trong các đại diện mới của “làn sóng trẻ trung từ nước Nga”, Dementieva đã chơi rất thành công trong mùa giải 2004 - cô lọt đến trận chung kết của cả 2 Grand Slam trong mùa này là Roland Garros và US Open.

Ở đây, cô đều để thua 2 đồng hương là Anastasia Myskyna (ở Paris) và Svetlana Kuznetsova (ở Flushing Meadows) và hoàn tất mùa giải ở vị trí hạng 6 chung cuộc. Sau đó, Dementieva tiếp tục có các mùa giải nằm trong tốp 10 cho đến khi bị chấn thương xương sườn trong mùa giải 2007.

Khởi đầu mùa giải 2007 từ một vị trí nằm ngoài tốp 10, Dementieva cho thấy cô đã có tiến bộ rất nhiều trong các cú giao bóng của mình, và đó là lý do cô khiến những người luôn hoài nghi cô phải “tâm phục khẩu phục”. Cô đăng quang ở Dubai. Lọt vào đến bán kết ở Wimbledon và US Open.

Cô giành HCV ở Olympic Bắc Kinh, danh hiệu mà cô miêu tả là giá trị nhất trong sự nghiệp của cô. Dementieva cũng đã vượt qua sức trẻ Caroline Wozniacki để đăng quang ở Luxembourg và lần đầu tiên lọt đến bán kết giải đấu tổng kết dành cho 8 tay vợt mạnh nhất WTA.

Vera Zvonareva (Nga)

- Leo từ vị trí số 23 thế giới lên vị trí số 7 thế giới.
- Giành được 2 danh hiệu trong mùa (ở Prague và Quảng Châu)
- Thành tích trong mùa: 65 trận thắng, 22 trận thua.
- Số tiền thưởng giành được trong mùa: 1.777.675 USD.

Kỳ 3: Những tay vợt được “tái sinh” ảnh 2

Vera Zvonareva.

Ngược lại với việc Safina đi lên từ “đống tro tàn”, Vera Zvonareva rơi xuống vực thẳm sau một thời kỳ “phục hưng”. Tay vợt 24 tuổi người Moskva này từng lọt vào tốp 10 lần đầu tiên trong mùa giải 2004, mùa giải mà các tay vợt Nga làm mưa làm gió WTA, Zvonareva thì thắng giải Tier I đầu tay và lọt vào vòng 16 ở 3 trong 4 kỳ Grand Slam tham dự.

Tuy nhiên, chấn thương đã khiến cô “rơi rụng” từ vị trí hạng 6 thế giới xuống vị trí 42 thế giới vào cuối mùa giải 2005. Hai năm sau, cô luôn phải chật vật đấu tranh với việc tìm lại phong độ và tìm lại niềm tin cho bản thân mình.

Dấu hiệu của sự tồn tại của Zvonareva bắt đầu thật sự cháy lên vào mùa thu năm 2007, và cô gái 24 tuổi này bắt đầu mùa giải 2008 với một phong độ rất cao khi lọt đến chung kết ở Hobart.

Cho dù buộc phải rút lui khỏi trận đấu đó vì chấn thương mắt cá khi tập luyện, cô vẫn tiếp tục chứng tỏ giá trị của mình bằng 2 ngôi vô địch ở CH Séc và Trung Quốc. Đó vốn là những giải đẳng cấp thấp - nghĩa là Zvonareva đến đó với tư cách là hạt giống số 1 -  nhưng nên hiểu là cô đang cố xây dựng lại niềm tin bằng cách chiến thắng ở bất kỳ nơi đâu. Zvonareva bắt đầu chơi tốt hơn, cô lọt đến chung kết các giải đấu lớn ở Doha, Charleston, Moscow và Linz.

Cô cũng giành được HCĐ ở Olympic Bắc Kinh và chơi rất tốt ở Doha khi lần lượt đánh bại Ana Ivanovic, Kuznetsova, Jankovic và Dementieva để lọt vào đến trận chung kết (và thua Venus Williams ở đây).

Flavia Pennetta (Italia)

- Leo từ vị trí số 39 thế giới lên vị trí số 13.
- Giành được 2 danh hiệu trong mùa (ở Vina Del Mar và ở Acalupco).
- Thành tích trong mùa: 50 trận thắng, 24 trận thua.
- Số tiền thưởng giành được trong mùa: 727.059 USD.

Kỳ 3: Những tay vợt được “tái sinh” ảnh 3

Flavia Pennetta.

Chỉ trong tháng 2 và tháng 3, tay vợt người Italia Flavia Pennetta đã giành được các danh hiệu thứ 5 và thứ 6 trong sự nghiệp ở Vina del Mar và Acapulco. Hai danh hiệu này (chỉ là những giải đấu cấp Tier III) lại… không quyết định nhiều đến mùa giải thành công của cô gái 26 tuổi này, vì cô từng loại bỏ Venus ở vòng 3 Roland Garros trong một trận đấu đáng chú ý.

Trong giai đoạn còn lại của mùa giải, Pennetta chơi rất ấn tượng, Vào tháng 7, cô lọt đến trận chung kết giải Tier II lần đầu tiên trong sự nghiệp ở Los Angels (và để thua Safina), sau đó đã lọt vào tứ kết Grand Slam đầu tiên - ở US Open.

Cô lại đánh bại Venus ở Moskva trên đường vào tứ kết và có chiến thắng đầu tay trước tân số 1 thế giới Jankovic ở Zurich. Như vậy là quá đủ để Pennetta có lần đầu tiên lọt vào tốp 15. Cô suýt chút nữa đã có mặt ở Doha nếu Nadia Petrova không thắng Quebec vào giờ chót…

Katarina Srebotnik (Slovakia)

- Leo từ vị trí số 27 thế giới lên vị trí số 20 thế giới.
- Không giành được danh hiệu nào trong mùa (nhưng thắng đến 4 danh hiệu đôi).
- Thành tích trong mùa: 50 trận thắng, 24 trận thua.
- Số tiền thưởng giành được trong mùa: 907.145 USD.

Kỳ 3: Những tay vợt được “tái sinh” ảnh 4

Katarina Srebotnik.

Năng lực của tay vợt 27 tuổi người Slovakia Katarina Srebotnik ở các giải đôi là khỏi cần phải chứng minh (cô xếp vị trí số 4 thế giới trên bảng điểm đánh đôi). Nhưng năng lực của cô trên mặt trận đơn còn cần phải chứng minh, và cái năm 2008 này đã chứng tỏ cô “tái sinh” - sau một thập kỷ cô đăng quang ở cả Wimbledon lẫn US Open… trên cương vị giải trẻ. Kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 20 thế giới, cô đã vượt qua “cái dớp” 3 mùa liên tiếp hoàn tất thứ hạng trong tốp 30.

Một trong các yếu tố khiến Srebotnik trở nên rất nguy hiểm trong mùa này là cô thường thắng các tay vợt có thứ hạng cao hơn - cô đã có 5 lần đánh bại các tay vợt tốp 10 (trong đó có hai lần ở Grand Slam) trong mùa giải năm nay, như thắng Serena ở Paris, thắng Kuznetsova ở Flushing Meadows, thắng Dementieva, Anna Chakvetadze và Agnieszka Radwanska ở các giải đấu khác.

Cô đã lọt đến chung kết ở Strasbourg, 2 lần lọt đến bán kết và 4 lần lọt đến tứ kết. Ở Wimbledon, cô đã chơi trận đấu dài nhất trong lịch sử WTA Tour - dài 3 giờ 41 phút!

TIỂU SIÊU

Kết thúc sớm hơn mùa giải của ATP đúng một tuần, mùa giải 2008 của WTA cũng là một mùa giải cực kỳ sôi động với hàng loạt sự kiện đáng chú ý, gây nhiều ngạc nhiên cho giới chuyên môn, cho dư luận và cho những người hâm mộ.

Có thể nói, 365 ngày ngắn ngủi của năm 2008 kỳ lạ đã mang lại quá nhiều biến đổi - đến độ chóng mặt cho thế giới quần vợt ở thập niên đầu của thế kỷ 21. Mùa giải 2009 đã đến gần, nhưng những dư âm của mùa giải 2008 vẫn còn vương vất quanh đây...

Tin cùng chuyên mục