Toàn cảnh US Open 2009 - Kỳ 6: Đông Âu thoái trào

Toàn cảnh US Open 2009
Toàn cảnh US Open 2009 - Kỳ 6: Đông Âu thoái trào

Đã 7 năm trôi qua (kể từ Roland Garros 2002), người ta mới lại chứng kiến một sự kiện lạ lùng như kiểu làng quần vợt nữ Đông Âu… sạch bóng đại diện kể từ vòng đấu tứ kết một kỳ Grand Slam đình đám. Những năm đầu thế kỷ 21 là quãng thời gian chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của “thế lực” Đông Âu - trong đó, đáng chú ý nhất là “binh đoàn xứ sở bạch dương” gồm nhiều người Nga nổi danh như Maria Sharapova, Svetlana Kuznetsova, Elena Dementieva, Anastasia Myskina… cùng bộ đôi Serbia là Jelena Jankovic, Ana Ivanovic với những tay vợt trẻ ấn tượng đang kể khác như Victoria Azarenka (Balarus), Agnes Szavay (Hungary), Daniela Hantuchova (Slovakia), Nicole Vaidisova (CH Séc)… Tuy nhiên, đỉnh cao vinh quang đầy quyền lực ấy đã có biểu hiện thoái trào!

Sự tụt dốc của bộ đôi Serbia

Ivanovic khóc mếu máo sau khi bị loại ở vòng 1.
Ivanovic khóc mếu máo sau khi bị loại ở vòng 1.

Kể từ khi Ana Ivanovic đăng quang ngôi vô địch Roland Garros 2008, cô không thể vượt qua vòng 4 ở 6 kỳ Grand Slam liếp (từ Wimbledon 2008 cho đến US Open 2009). Hậu quả của thành tích nghèo nàn ấy (cộng với việc Ivanovic chỉ thắng thêm 1 danh hiệu WTA Tour trong khoảng thời gian hơn một năm) khiến cô gái xinh xắn có làn da bánh mật này rơi tuột từ ngôi nữ hoàng WTA xuống vị trí số 11 trên bảng xếp hạng thế giới.

Trước khi đến với US Open 2009, Ivanovic tiết lộ là chứng suy hô hấp khi căng thẳng là một trong các nguyên nhân khiến cô không giữ được phong độ đỉnh cao, nhưng cô đã tập luyện cật lực để rèn giũa thực lực của mình và để bình tĩnh hơn trên sân đấu. Kết quả mà Ivanovic gặt hái được hoàn toàn bất ngờ: cô bị loại ngay từ vòng 1 bởi một tay vợt đến từ Đông Âu khác - Kateryna Bondarenko (Ucraina).

Trường hợp của Jelena Jankovic có khác đôi chút. Sau khi lọt đến trận chung kết US Open 2009 - và để thua Serena Williams ở đây - Jankovic trở thành tân nữ hoàng của WTA dù vẫn chưa giành được một danh hiệu Grand Slam nào. Ngay lập tức, cô được dư luận quốc tế liệt vào hàng ngũ tay vợt số 1 kém cỏi nhất trong lịch sử. Jankovic phản pháo rất quyết liệt, cô nói bản thân giành được ngôi số 1 vì chơi tốt trong nhiều giải đấu chứ không chỉ ở các kỳ Grand Slam và cô “chưa giành được” Grand Slam chứ không phải là “không giành được”. Jankovic chứng minh mình chỉ… mạnh miệng khi không vượt qua nổi tứ kết ở 4 kỳ Grand Slam gần đây, đặc biệt, cô đã để thua ngay ở vòng 2 US Open 2009 trước một tay vợt vô danh người Kazakhstan. Jankovic hiện đã tụt xuống vị trí thứ 8 trên bảng điểm của WTA và cô vẫn là 1 trong 2 tay vợt số 1 chưa thắng một Grand Slam nào.

Người Nga suy thoái

Dù thắng 7 danh hiệu Grand Slam kể từ năm 2004 cho đến nay - thành tích chỉ thua chị em nhà Williams và bộ đôi người Bỉ Justine Henin, Kim Clijsters, “binh đoàn xứ sở bạch dương” lại không có một đại diện nào ra hồn ở US Open 2009. Ở đó, Maria Sharapova vẫn chưa tìm lại được phong độ, Svetlana Kuznetsova sau khi đăng quang Roland Garros 2009 lại trở về với sự tầm thường, Elena Dementieva vẫn kém duyên với các kỳ Grand Slam, còn Dinara Safina vẫn là tay vợt số 1 thế giới không giành nổi một danh hiệu Grand Slam đình đám nào.

Có thể nói, US Open 2009 là kỳ giải Grand Slam kém cỏi nhất của người Nga kể từ năm 2002 cho đến nay, dù họ vẫn “trình diện” một đội ngũ áp đảo với nhiều tay vợt nằm trong tốp 10, tốp 30 thế giới. Ở thời buổi này, hóa ra “chất lượng kiểu Bỉ” lại có giá trị hơn hẳn so với “số lượng kiểu Nga”. Mà “chất lượng kiểu Bỉ” có dấu hiệu sẽ trở lại làm mưa làm gió…

Có rất nhiều điều rất khó nghĩ. Phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn chị em nhà Williams vẫn gây đình đám còn bộ đôi người Bỉ Henin - Clijsters liên tục gây mưa gió, “binh đoàn xứ sở bạch dương” cho thấy họ có một sức sống mạnh mẽ, nhưng điều đó lại… không đúng ở US Open 2009. Những trận thua rất “tào lao” - trong đó là việc hàng loạt tay vợt để thua “đốm sáng Mỹ hiếm hoi” là Melanie Oudin hay việc tự để thua các “láng giềng” Đông Âu kém tiếng khác - khiến người ta phải ngạc nhiên.

Người Nga “sợ” chị em nhà Williams và mới nhất là Clijsters. Không ai phải đụng với Clijsters hay Serena ở Flushing Meadows năm nay, trong khi chỉ có một người Nga kém tiếng là Vera Dushevina đụng phải Venus. Hầu như các tay vợt Nga đối diện với những người được đánh giá kém hơn về nhiều mặt, và hầu như họ đều thất bại. US Open 2009 sẽ là cột mốc u ám trong sự phát triển của quần vợt nữ Nga.

Cần một cú hích...

Những tay vợt trẻ khác của khối Đông Âu như Azarenka, Szavay, Agnieszka Radwanska (Ba Lan)… đã gặt hái được một số thành tích ấn tượng trong quá khứ, họ được đánh giá là những tài năng tương lai của thế giới WTA (cùng với lứa những tay vợt Tây, Bắc Âu trẻ trung khác như Sabine Lisicki, Caroline Wozniacki - á quân US Open 2009) - nghĩa là không cần phải bàn về tài năng của họ, chỉ cần làm sao để họ có được động lực, một cú hích, để phát triển trong tương lai.

Không như bộ đôi Serbia, hay “binh đoàn xứ sở bạch dương”, US Open 2009 chỉ là một tai nạn vì những tay vợt trẻ khối Đông Âu khác còn rất nhiều thời gian, tương lai ở phía trước để sửa mình, để vươn đến những tầm cao tươi sáng hơn. Hy vọng, sau US Open 2009, một ngày không xa, một trong những cái tên sau: Azarenka, Radwanska, Szavay… sẽ trở thành chủ nhân tương lai của một số danh hiệu Grand Slam đình đám…

TIỂU SIÊU
(SGGP thể thao)

Toàn cảnh US Open 2009

- Kỳ 1: Người thắng - kẻ bại
- Kỳ 2: Kim Clijsters - từ một bà mẹ trở lại thành Nữ hoàng 
- Kỳ 3: Del Potro - người hùng mới 
- Kỳ 4: Malenie Oudin - đốm sáng Mỹ hiếm hoi  
- Kỳ 5: Chuyện về “những người lạ”

Tin cùng chuyên mục