Nhìn lại WTA Tour 2011 - Luồng sinh khí mới

Kỳ 2: Petra Kvitova truyền nhân của Navratilova

Những điểm tương đồng với huyền thoại Navratilova
Kỳ 2: Petra Kvitova truyền nhân của Navratilova

Những hình ảnh đầy sắc màu tươi tắn đã tràn ngập thế giới quần vợt nữ trong suốt năm vừa qua. Những gương mặt mới mẻ đến từ CH Séc, Đức, các nước Đông Âu... sự trỗi dậy bất ngờ của 2 làng quần vợt Australia và Trung Quốc. WTA Tour mùa giải 2011 đã khoác lên mình một chiếc áo mới đầy sinh khí, giúp cho mọi người đặt nhiều niềm tin hơn vào một tương lai xán lạn…

Petra Kvitova và chiếc cúp vô địch WTA Championships - 1 trong 2 danh hiệu lớn trong mùa giải 2011.

Petra Kvitova và chiếc cúp vô địch WTA Championships - 1 trong 2 danh hiệu lớn trong mùa giải 2011.

Những điểm tương đồng với huyền thoại Navratilova

Cùng quốc tịch CH Séc như huyền thoại quần vợt nữ Martina Navratilova, Petra Kvitova hiện đang được nhiều chuyên gia xem là một truyền nhân của “lão bà” vì 2 người có rất nhiều điểm tương đồng trong lối chơi, bất chấp việc cô chưa bao giờ được “thọ giáo” Navratilova. Thứ nhất, Kvitova cũng thuận tay trái (thường những tay vợt thuận tay trái có lối đánh rất khó chịu) và với ngôi vô địch Wimbledon hồi tháng 7, Kvitova đã trở thành tay vợt thuận tay trái đầu tiên đăng quang danh hiệu ở All England Club kể từ khi “lão bà” Navratilova tạo nên kỳ tích hồi năm 1990. Thứ hai, không như nhiều tay vợt trẻ hiện thời - những người thường chấp nhận chơi phòng thủ cầu toàn từ cuối sân và không có những miếng đánh chủ lực để tạo ra thương hiệu như các tay vợt gạo cội khác - Kvitova là người chấp nhận chơi mạo hiểm ở gần lưới hơn, sử dụng các cú đánh thắng điểm trực tiếp (winner) để “đè chết” đối phương, và dù cô phạm rất nhiều lỗi đánh bóng hỏng (unforced error), chỉ số thắng điểm của cô vẫn vượt trội. Nghĩa là cô thắng nhờ sự vượt trội chứ không phải vì khả năng chờ đợi cơ hội đối thủ phạm phải sai lầm. Nhiều người cho rằng, lối đánh này của Kvitova là con dao 2 lưỡi, vì khi chấp nhận mạo hiểm chơi tấn công, rất dễ bị đối phương phản kích và nếu không bình tình, chỉ số lỗi đánh bóng hỏng sẽ cao hơn chỉ số thắng điểm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ai dám nói là Kvitova không thành công khi cô chẳng những đăng quang danh hiệu Grand Slam ở Wimbledon mà còn giành ngôi vô địch WTA Championships cuối mùa một cách thuyết phục. Đó là lý do người ta dự đoán Kvitova cũng sẽ có một tương lai rạng rỡ như Navratilova từng tạo ra. Hãy cùng chờ xem sao!

Những chiến tích ấn tượng

Năm 2011 là một mùa giải rất thành công đối với tay vợt người CH Séc mới 21 tuổi. Cô đã đăng quang ngôi vô địch Wimbledon. cô cũng trở thành tay vợt CH Séc đầu tiên thắng Grand Slam kể từ khi Jana Novotna đăng quang Wimbledon 1998. Nếu như ngôi vô địch Wimbledon có thể xem như là một “may mắn”, một sự kiện bất ngờ thì ngôi vô địch ở Istanbul đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng Kvitova quả có thực tài và không có gì phải bàn cãi. Ngoài 2 danh hiệu lớn ở trên, Kvitova còn đăng quang 4 ngôi vô địch khác - ở Brisbane Intenational, Open Gaz de Suez (Paris), Mutua Madrid Open và Generali Ladies Linz. Ngoài ra, Kvitova còn giúp tuyển nữ CH Séc đăng quang ngôi vô địch Fed Cup 2011. Với 6 ngôi vô địch (ngang bằng với “Nữ hoàng” Caroline Wozniacki”), Kvitova đã vươn lên ngôi số 2 thế giới và giành được hàng loạt phần thưởng cá nhân vào cuối mùa như: “Tay vợt nữ xuất sắc nhất trong năm của WTA”, “Tay vợt tiến bộ nhất trong năm của WTA”, “Tinh thần thể thao Karen Krantzsche”, “Tay vợt mới xuất hiện được các CĐV yêu thích nhất trong năm”, “Nhà vô địch nữ của ITF”, “VĐV CH Séc xuất sắc nhất trong năm”… Nếu Kvitova tiếp tục duy trì phong độ như vậy và đăng quang ở Australian Open vào đầu năm sau, nhiều khả năng cô sẽ giành luôn ngôi số 1 WTA từ tay vợt người Đan Mạch Wozniacki.

Những thông số đáng lưu ý
sau một mùa giải thành công của Petra Kvitova

- Số danh hiệu giành được: 6 (ngang bằng với Caroline Wozniacki và vượt hơn Victoria Azarenka, Roberta Vincic - mỗi người chỉ có 3 danh hiệu. Ở mùa giải này, ngoài 4 nhân vật trên, không còn tay vợt nào thắng hơn 2 danh hiệu).

- Số tiền thưởng giành được trong mùa: 5.145.943 USD (vượt xa người xếp thứ nhì là Caroline Wozniacki, “chỉ có” 4.065.581 USD tiền thưởng).

- Số trận thắng trên mặt sân cỏ: 11 trận (ngang bằng với Sabine Lisicki).

- Tỷ lệ thắng - bại: 83,6%, với 56 trận thắng và 11 trận thua (xếp thứ nhì sau Venus Williams, có 88%, nhưng Venus chỉ có 22 trận thắng, 3 trận thua)

- Số trận thắng các tay vợt Top 10: 13 trận (vượt hơn 2 người xếp thứ nhì là Asnieszka Radwanska và Samantha Stosur, chỉ có 9 trận)

- Chuỗi trận thắng dài nhất: 12 trận (từ Linz đến WTA Championships và đến chung kết Fed Cup).

Tiểu Siêu

- Kỳ 1: Những biến cố đầy kinh ngạc

Tin cùng chuyên mục