Nhìn lại WTA Tour 2011 - Luồng sinh khí mới

Kỳ 3: Li Na làn gió mát từ phương Đông

Á quân Australian Open, vô địch Roland Garros
Kỳ 3: Li Na làn gió mát từ phương Đông

Những hình ảnh đầy sắc màu tươi tắn đã tràn ngập thế giới quần vợt nữ trong suốt năm vừa qua. Những gương mặt mới mẻ đến từ CH Séc, Đức, các nước Đông Âu... sự trỗi dậy bất ngờ của 2 làng quần vợt Australia và Trung Quốc. WTA Tour mùa giải 2011 đã khoác lên mình một chiếc áo mới đầy sinh khí, giúp cho mọi người đặt nhiều niềm tin hơn vào một tương lai xán lạn…

Vợ chồng Li Na trong một buổi giao lưu với các CĐV Trung Quốc.
Vợ chồng Li Na trong một buổi giao lưu với các CĐV Trung Quốc.

Á quân Australian Open, vô địch Roland Garros

Li Na có thể chơi không thành công trong tất cả những giai đoạn còn lại trong mùa, nhưng với ngôi á quân Australian Open (chỉ thua Kim Clijsters sau khi thắng cả Victoria Azarenka lẫn Caroline Wozniacki) và đặc biệt là danh hiệu Roland Garros (lần lượt thắng Petra Kvitova, Victoria Azarenka, Maria Sharapova, Francesca Schiavone), cô hoàn toàn có thể tự hào năm 2011 là mùa giải rực rỡ nhất trong sự nghiệp.

Lần đầu tiên, một tay vợt nữ châu Á có vóc dáng thấp bé lại có thể đánh bại những đối thủ to cao, giàu thể lực đến từ châu Âu, Mỹ… Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, làn gió mát lành từ phương Đông huyền bí vụt thổi đến phương Tây lạnh giá, mang đến biết bao đổi thay bất ngờ. Là 1 trong 4 nhà vô địch Grand Slam của năm 2011, Li Na thật sự là niềm tự hào không chỉ của quần vợt Trung Quốc nói riêng mà còn của cả làng quần vợt châu Á nói chung.

Thương hiệu Trung Hoa

Cùng với những VĐV như Yao Ming (bóng rổ, đã giải nghệ), Liu Xiang (điền kinh), Lin Dan (cầu lông)… Li Na đang là một thương hiệu thể thao cấp toàn cầu của Trung Quốc.

Chủ tịch LĐQV Trung Quốc Sun Jinfang đã đánh giá về những thành quả ấn tượng mà Li Na giành được trong mùa giải 2011: “Chiến thắng của cô ấy thật sự là một bước ngoặt trong môn thể thao vốn đã bị thống trị bởi những tay vợt đến từ châu Âu, Australia hay châu Mỹ. Đây chính là niềm tự hào lớn lao của mọi người châu Á và nó sẽ là cột mốc quan trọng cho sự phát triển của quần vợt Trung Quốc”.

Giờ đây, năm 2011 sẽ được mọi người nhắc đến cùng với những cột mốc lịch sử khác: 2002 (năm Yao Ming dấn thân vào NBA), năm 2004 (khi Liu Xiang giành HCV cự ly chạy 110 mét rào ở Olympic Athens). Giờ đây, nhiều công ty, hãng kinh doanh sản xuất nhận ra rằng, cách tốt nhất để tiếp thị sản phẩm của mình đến tận tay người Trung Quốc chính là sử dụng hình ảnh của Li Na.

Kể từ khi Li Na đăng quang ngôi vô địch ở Paris, người ta ước đoán cô đã ký thêm được hàng chục bản hợp đồng giúp cho cô bỏ túi không dưới 42 triệu USD, mà những bản hợp đồng tương tự vẫn chưa có dấu hiệu… ngừng lại. Trong mùa giải năm 2012, việc Li Na qua mặt Maria Sharapova để trở thành “tay vợt nữ có thu nhập cao nhất thế giới” là chuyện… đã được an bài!

Thành công từ bước đột phá về mặt tư duy

Quyết định xa rời “cái nôi” của LĐQV Trung Quốc chính là quyết định sáng suốt nhất trong sự nghiệp của Li Na, cũng như của nhiều tay vợt nữ nổi danh khác của Trung Quốc như Zheng Jie, Yan Zi và Peng Shuai.

Để dấn thân vào môi trường chuyên nghiệp ở một môn đấu mang tính cá nhân như thế này, bạn phải thật sự tự do và dũng cảm, đừng nên trông chờ vào các cơ chế mang tính bao cấp kiểu cũ, chờ đợi Liên đoàn rót vốn đầu tư, chờ đợi HLV và Liên đoàn bố trí lịch tập. Liên đoàn chỉ mang tính hỗ trợ một phần, còn lại, các tay vợt phải tự tìm ra con đường nhanh nhất và sớm nhất, hợp lý nhất. Những thu nhập cao nhất ngưỡng ngày hôm nay của Li Na đương nhiên vẫn phải chia lại một phần cho LĐQV Trung Quốc (theo thỏa thuận trước đó của 2 bên), nhưng xét cho cùng, như vậy cũng “hợp tình hợp lý”.

Hiện tại, Li Na đang sa sút phong độ, đó là lý do dẫn đến việc cô đã phải… “cầu viện” lại chồng cô - anh Jiang Shan - làm HLV sau khi chia tay với HLV Michael Mortensen (người đã giúp cô giành chiến thắng ở Roland Garros). Lý giải cho động thái này, Li Na có nói: “Xét về bản chất, anh ấy vẫn là người hiểu rõ tôi nhất và giữa chúng tôi dường như không cần đòi hỏi bất kỳ thứ ngôn ngữ nào”.

Li Na sẽ có một mùa giải rất khó khăn vào năm sau. Cô cần phải chấm dứt chuỗi thành tích bết bát sau Paris (để thua 9 trận nhưng chỉ thắng 6 trận) và nhanh chóng tìm lại thứ cảm hứng mà cô đã có ở Melborune, ở Roland Garros. Rất khó để Li Na lặp lại những thành tích trong năm 2011. Nhưng cô sẽ nỗ lực hết mình để chứng minh rằng, người Trung Quốc gần như không bao giờ đầu hàng.

Tiểu Siêu

Nhìn lại WTA Tour 2011 - Luồng sinh khí mới

- Kỳ 1: Những biến cố đầy kinh ngạc

- Kỳ 2: Petra Kvitova truyền nhân của Navratilova

Tin cùng chuyên mục