Quýt làm, cam chịu

Dư luận bất ngờ trước tuyên bố tước bỏ mọi quyền lợi mà tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam đáng lý giành được ở cuộc bầu chọn “10 VĐV tiêu biểu Việt Nam 2013”, chỉ vì anh bị quy kết là chống lệnh tập trung đội tuyển quần vợt quốc gia thi đấu Davis Cup.

Bất ngờ cũng phải, vì hầu hết ai cũng biết sau buổi làm việc giữa lãnh đạo Liên đoàn quần vợt Việt Nam và đơn vị chủ quản của Hoàng Nam - Becamex Dình Dương - thống nhất cuối cùng chính là xóa bỏ hiềm khích, tiếp tục mở rộng cánh cửa trở lại đội tuyển cho tay vợt tài năng này. Điều này cũng đồng nghĩa Hoàng Nam được xóa cái án kỷ luật treo lơ lửng trên đầu vài tháng qua, yên tâm tập luyện và thi đấu quốc tế. Đấy chắc chắn là một thỏa thuận vì quyền lợi của cả hai phía.

Thế nhưng, không hiểu vì vô tình hay cố ý, Ban tổ chức của buổi lễ mừng 68 năm Ngày thể thao Việt Nam (27-3) đã “chơi” Lý Hoàng Nam một vố đau, khi khẳng định đã loại anh khỏi danh sách 10 VĐV tiêu biểu Việt Nam năm vừa rồi. Dư luận đã phản ứng, thậm chí rất dữ dội về cách hành xử thiếu tế nhị của người lớn.

Phải chăng đấy là cách mà một số người trong giới quản lý thể thao Việt Nam chọn để “trả đũa” cho vụ chống lệnh tập trung đội tuyển từ phía HLV Trần Đức Quỳnh và cậu học trò trẻ tuổi này?

Ai cũng biết, trong vụ chống lệnh kể trên, Lý Hoàng Nam không phải là nhân vật chính, mà xuất phát từ HLV và đơn vị chủ quản Becamex Bình Dương. Kế hoạch tập huấn và thi đấu quốc tế đã được xây dựng chi tiết sẽ giúp Lý Hoàng Nam thăng tiến về chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh và sớm làm rạng danh quần vợt Việt Nam. Tham vọng của tay vợt này là xuất hiện ở sân chơi danh giá Grand Slam của làng quần vợt thế giới.

Tiếc rằng đã xảy ra mâu thuẫn giữa Bình Dương và Liên đoàn quần vợt quốc gia khi tập trung ĐTQG cho Davis Cup 2014. Lỗi vì thế chỉ được tính cho hai tổ chức này, chứ không thể khẳng định rằng Lý Hoàng Nam dám chống lệnh lên tuyển hay cố tình tạo tiền lệ xấu cho bản thân. Chẳng dại gì tay vợt này làm thế, vì anh còn quá trẻ và tương lai còn rạng ngời phía trước. Thành ra, mới nói rằng “quýt làm” nhưng “cam chịu” là vì thế!

Hai năm trước, cũng xảy ra một sự việc tương tự, ảnh hưởng đến tương lai của VĐV: Kình ngư Hoàng Quý Phước khi đó đang nổi như cồn, được Tổng cục TDTT, Hiệp hội Thể thao dưới nước và thể thao Đà Nẵng dồn tâm huyết đầu tư cho chuyến tập huấn ở Mỹ với kỳ vọng sẽ sớm thấy anh xuất hiện và tìm kiếm danh vọng cho bơi lội nước nhà ở đấu trường Olympic... Rốt cuộc, mâu thuẫn giữa giới quản lý ngành và địa phương đã khiến chuyến tập huấn của Quý Phước đổ bể, dẹp bỏ giấc mơ Olympic để trở về với sân chơi quen thuộc là “ao làng” SEA Games. Từ đó đến nay, khi mối mâu thuẫn ấy vẫn còn âm ỉ, kình ngư từng được xem là xuất chúng, là hiếm có này không thể tiến xa hơn được nữa về chuyên môn.

Làm mưa làm gió ở giải VĐQG hoặc vớt vát bằng 1 tấm HCV SEA Games càng khiến giới chuyên môn, người hâm mộ tiếc thay cho Quý Phước, vì với tài năng thiên phú đó, anh lẽ ra phải giúp bơi lội Việt Nam sánh vai với bạn bè năm châu mới hợp.

Nhắc chuyện của Quý Phước để thấy rằng vụ Lý Hoàng Nam cũng sẽ xảy ra tương tự nếu như người lớn vẫn không gạt bỏ được hiềm khích, để cùng chung tay giúp tay vợt này phát huy hết tố chất, sớm trở thành chỗ dựa của quần vợt nước nhà ở các sân chơi quốc tế.

Giúp con người ta đi đến thành công mới khó, còn đẩy họ đến bờ vực tuyệt vọng thì dễ dàng quá...

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục