Quần vợt trẻ Việt Nam: Khan hiếm tài năng

Hai giải đấu U18 quốc tế thuộc nhóm 5 (nhóm thấp nhất ở lứa tuổi này) vừa kết thúc tại Cần Thơ và TPHCM nhưng quần vợt Việt Nam chưa trình làng một tay vợt nào đủ hy vọng tiếp bước Nguyễn Hoàng Thiên, Lý Hoàng Nam, Huỳnh Phương Đài Trang…

Hai giải đấu U18 quốc tế thuộc nhóm 5 (nhóm thấp nhất ở lứa tuổi này) vừa kết thúc tại Cần Thơ và TPHCM nhưng quần vợt Việt Nam chưa trình làng một tay vợt nào đủ hy vọng tiếp bước Nguyễn Hoàng Thiên, Lý Hoàng Nam, Huỳnh Phương Đài Trang…

Lượng ít, chất cũng ít

Được thi đấu trên sân nhà là cơ hội cho các tay vợt trẻ VN thử sức, tiếc là do không có thứ hạng trẻ quốc tế nên đa phần đại diện chủ nhà phải thi đấu từ vòng loại hoặc trông chờ vào suất đặc cách để có mặt ở vòng chính. Tuy nhiên việc góp mặt ở vòng loại của các tay vợt Việt Nam được xem “cho đủ tụ” bởi với trình độ còn yếu hơn so với bạn bè quốc tế, các tay vợt chủ nhà “hễ đấu là thua”.

Ngoài Lý Hoàng Nam thì hiện nay vẫn chưa tìm được gương mặt trẻ nào thay thế.

Ngoài Lý Hoàng Nam thì hiện nay vẫn chưa tìm được gương mặt trẻ nào thay thế.

Trong khi đó những tay vợt được xem là đặt cách cũng không để lại dấu ấn. Tuyển thủ quốc gia Trịnh Linh Giang, người được xem là tay vợt tiếp nối các “đàn anh” Hoàng Thiên, Hoàng Nam lại không thể hiện được nhiều. Thật ra, Trịnh Linh Giang không còn quá trẻ nữa, anh năm nay đã 17 tuổi và từng được trông chờ tỏa sáng ở đấu trường quốc tế khi được đơn vị Hà Nội cho đi tập huấn nhiều nơi. Ở cấp độ quốc tế, tay vợt này từng lên tuyển QG tranh tài tại giải quần vợt đồng đội thế giới (Davis Cup). Vậy mà Linh Giang sa sút nhiều trong thời gian vừa qua để rồi thua ngay những trận đầu vòng chính đơn nam lứa tuổi U18 (nhóm 5).

Nhóm lứa tuổi này, cả Hoàng Thiên lẫn Hoàng Nam nếu thi đấu gần như chắc chắn đoạt ngôi vô địch. Ngay tại sân nhà, Hoàng Thiên rồi Hoàng Nam từng đăng quang những giải đấu nhóm 5 thậm chí cao hơn là nhóm 4. Mà đâu chỉ Trịnh Linh Giang, những niềm hi vọng khác như Nguyễn Mậu Vinh Quang, Nguyễn Đắc Tiến…khi được trao cơ hội cũng không thể nắm bắt. Nói như một HLV kỳ cựu trong làng quần vợt VN thì tình hình quần vợt trẻ nước nhà hiện tại: “Lượng ít mà chất cũng ít”.

Thiếu bệ phóng cho quần vợt trẻ

Phải nói rằng Liên đoàn quần vợt VN, Liên đoàn quần vợt TPHCM đưa 2 giải trẻ quốc tế về sân nhà Việt Nam (Cần Thơ, TPHCM) là đáng được ghi nhận. Thế nhưng từng đó là chưa đủ. Đa phần các tay vợt trẻ VN vốn không có bệ phóng đầu tư mạnh mẽ từ gia đình hoặc nhà tài trợ riêng nên cơ hội thi đấu quốc tế cũng hạn chế. Việc đóng cửa tập luyện trong nước mang về kết cục buồn mà kết quả thi đấu của họ tại 2 giải quốc tế trên sân nhà nói lên tất cả. Đó là lý do vì sao các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia thường xuyên đăng cai, tổ chức các giải trẻ quốc tế để tìm kiếm, nuôi dưỡng tài năng. Khi có được tài năng rồi, họ sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ, chuyên biệt để giúp các tay vợt này phát triển hết khả năng chuyên môn.

Trong khi đó mỗi năm Liên đoàn quần vợt VN cũng tổ chức rất nhiều giải đấu, thậm chí dư thừa giải trẻ nhưng chưa mang lại hiệu quả bởi theo phản ánh của các HLV thì những giải đấu này toàn những gương mặt quen thuộc “chơi” với nhau, chủ yếu giải quyết chuyện thành tích chứ không mai lại hiệu quả dài lâu là sự phát triển cho các tài năng. Cũng cần nhìn ở góc độ khác là một số tay vợt mới có chút tài, không thiếu sự đầu tư từ gia đình, xã hội nhưng thiếu đam mê lẫn phấn đấu để đột phá.

Lịch sử quần vợt thế giới chỉ ra rằng, muốn biết trình độ quần vợt của một quốc gia hãy xem cái cách mà họ đầu tư cho quần vợt trẻ. Đó cũng là cốt lõi của tình trạng khan hiếm tài năng quần vợt Việt Nam hiện nay.

LÊ QUANG

Tin cùng chuyên mục