Roland Garros 2015: Núi cao ở Paris

Ở Paris mùa giải năm nay, không chỉ có những trận đánh lớn, những biến cố lớn, mà còn có… những ngọn núi thẳng đứng, những chướng ngại vật cao ngất trời mây mà Rafael Nadal buộc phải chinh phục trong vai trò “một nhà leo núi bất đắc dĩ” – nếu anh muốn lọt vào trận chung kết lần thứ 10 trong sự nghiệp, hay nếu muốn lần thứ 10 đăng quang French Open. Lần đầu tiên sau một thập kỷ vừa qua, danh vị “Vua sân đất nện” của Nadal đang bị lung lay nghiêm trọng đến như vậy, và với vị trí hạng 7 thế giới – hạt giống số 6 của giải – Nadal đang đối mặt với con đường hiểm nguy nhất từ trước cho đến nay ở Paris. Trên con đường cheo leo ấy, Nadal sẽ phải vượt qua ít nhất 3 ngọn núi cao nếu muốn lọt đến trận chung kết…

Không phải đây mới là lần đầu tiên mà Nadal phải bước đi trên con đường cheo leo ngập tràn hiểm nguy đáng sợ. Ở Roland Garros 2011, ở Roland Garros 2013, và mới đây nhất là ở Roland Garros hồi năm ngoái, tay vợt cựu số 1 thế giới người Tây Ban Nha đã phải đánh bại 3 đại biểu ưu tú thuộc tốp 10 thế giới trên con đường chinh phạt ngôi vô địch của mình. Tuy nhiên, đây chắc chắn sẽ là lần đầu tiên mà tay vợt sở hữu thành tích hầu như tuyệt đối ở Paris với 66/67 trận thắng bị đánh giá thấp đến như vậy. Anh đã để thua 5 trận trên mặt sân đất nện trong mùa giải năm nay – thành tích sân đất nện tệ hại nhất kể từ khi Nadal khởi nghiệp ở làng quần vợt chuyên nghiệp thế giới, anh cũng tuột xuống vị trí hạng 7 thế giới – thứ hạng thấp nhất trong suốt một thập kỷ qua của Nadal. Thứ hạng này, chính là nguồn cơn khiến Nadal phải nằm trong nhánh thăm được đánh giá là “nhánh thăm tử thần” của French Open năm nay, không phải là “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, mà bàn tay thanh mảnh của Maria Sharapova đã đưa Nadal đi trên con đường nhiều khả năng chạm mặt đương kim số 1 thế giới Novak Djokovic ở chung kết. Nhưng trước đó, anh vẫn còn một ngọn núi cao khác phải leo qua.

Rafael Nadal chờ đợi điều gì ở Roland Garros năm nay?

Nếu mọi chuyện trở nên… “hoàn toàn suôn sẻ”, nghĩa là Nadal không phải để thua từ quá nhanh và từ quá sớm, anh sẽ phải đối mặt với “Roger Federer mới” Grigor Dimitrov ngay từ vòng đấu thứ 4. Tay vợt số 1 của làng quần vợt Bulgaria (hiện xếp hạng 11 ATP) đã thua Nadal ở Madrid Masters mới đây và chưa từng một lần đánh bại Nadal trong cả 6 lần 2 người này giáp mặt. Nhưng thành tích trên mặt sân đất nện mùa này của Dimitrov không tồi, với 9 trận thắng và chỉ để thua 4 trận. Dimitrov là mẫu tay vợt bùng nổ có thể gây ra bất ngờ bất kỳ lúc nào và Nadal ở thời điểm hiện tại lại có thể thua ở bất kỳ đâu trước bất kỳ ai. Vậy nên, Dimitrov sẽ là một ngọn núi cao mà Nadal phải chinh phục… một cách hoàn hảo!

Nếu có thể an toàn “vượt qua ải núi” Dimitrov, Nadal sẽ đối diện với một ngọn núi cao ngất trời mây tại Paris, đó chính là Nole. Nadal từng đánh bại Djokovic cả 5 lần ở đấu trường French Open (3 lần ở chung kết, 2 lần khác ở chung kết – trong các năm 2012 và 2014). Nhưng giờ đây, cục diện mạnh yếu đã trở nên khác biệt hoàn toàn. Djokovic chưa để thua một trận sân đất nện nào trong mùa giải năm nay. Anh đã giành chiến thắng hầu như tuyệt đối ở các giải đấu lớn khi càn quét 5/6 danh hiệu lớn đầu tiên trong mùa (từ đẳng cấp Masters 1.000 trở lên). Anh hiện cũng đang sở hữu thành tích toàn thắng 37 trận ở đấu trường từ Masters 1.000 trở lên và đang có dấu hiệu biến mùa giải 2015 trở thành “phiên bản đáng sợ hơn của mùa giải hoàng kim 2011”. So với Nadal, Djokovic không còn quá e dè đối thủ người Tây Ban Nha. Dù vẫn bị Nadal dẫn 23-20 về chỉ số đối đầu trực tiếp, tay vợt người Serbia đã giành chiến thắng ở 5/6 trận đấu gần đây. Sự tự tin của Djokovic đối với Nadal là một khác biệt rất lớn và đó có thể cũng sẽ là sự khác biệt ở trận đấu tứ kết được mệnh danh là “trận chung kết sớm” của giải. Nếu đánh bại được Nole, Nadal hẳn sẽ không còn dấu hiệu e sợ bất kỳ người nào.

Nếu, tất nhiên vẫn là nếu, Nadal có thể đánh bại được Djokovic, anh không còn e sợ bất kỳ ai, nhưng vẫn còn một ngọn núi cao nhất mà Nadal cần chinh phục, đó có thể là Andy Murray, tay vợt đang chơi thăng hoa kể từ khi tìm lại năng lực ma thuật nhờ vào đám cưới với Kim Sears, nhờ vào… chiếc nhẫn cưới đeo ở dây giày, như vào sự tác hợp với Jonas Bjorkman và nhờ vào 2 chiến thắng bản lề trước Philippe Kohschreiber (Đức). Murray sẽ bước vào Roland Garros 2015 với chuỗi thành tích 10 trận thắng liên tiếp và 2 danh hiệu trên mặt sân đất nện, đó là thành tích mà tay vợt người Scotland chưa từng tạo ra trong quá khứ. Anh hẳn sẽ là đối thủ đáng để Nadal phải tôn trọng – ở mặt sân đất nện tại French Open năm nay.

Có 3 ngọn núi cần phải leo và nếu Nadal quay lại với phong độ, đẳng cấp cao nhất, anh sẽ chẳng còn e dè ai ở chung kết, dù đó có là Roger Federer – “bại tướng thường niên” của anh ở các loại mặt sân, hay cho dù đó có là “làn gió mát lạnh đến từ phương Đông” Kei Nishikori. Nếu vượt qua được 3 ngọn núi trước mắt, Nadal sẽ chẳng cần phải e dè gì cả và thẳng tiến đến danh hiệu Roland Garros thứ 10 trong sự nghiệp của mình.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục