Wimbledon 2015: Hewitt nói lời tạm biệt

Trận thua Jarko Nieminen (Phần Lan) 6/3, 3/6, 6/4, 0/6, 9/11 ở vòng 1 Wimbledon 2015 sẽ là trận đấu cuối cùng của Lleyton Hewitt ở đấu trường tại All England Club. Tay vợt kỳ cựu người Australia, 1 trong những người cuối cùng giành được ít nhất 2 Grand Slam trước khi “nhóm bộ tứ” xuất hiện và gây lũng đoạn cho làng quần vợt nam thế giới, đã nói lời chia tay Wimbledon sau 17 năm gắn kết (kể từ năm 1999 cho đến nay).

Trận thua Jarko Nieminen (Phần Lan) 6/3, 3/6, 6/4, 0/6, 9/11 ở vòng 1 Wimbledon 2015 sẽ là trận đấu cuối cùng của Lleyton Hewitt ở đấu trường tại All England Club. Tay vợt kỳ cựu người Australia, 1 trong những người cuối cùng giành được ít nhất 2 Grand Slam trước khi “nhóm bộ tứ” xuất hiện và gây lũng đoạn cho làng quần vợt nam thế giới, đã nói lời chia tay Wimbledon sau 17 năm gắn kết (kể từ năm 1999 cho đến nay).

Hewitt đã tiến rất gần đến thời điểm giải nghệ của mình, và đám đông hiện diện tại sân số 2 của All England Club may mắn trở thành những người cuối cùng được diện kiến Hewitt thi đấu ở đấu trường Grand Slam đình đám.

Lleyton Hewitt.

“Tôi luôn luôn bước ra sân đấu và cống hiến hết khả năng mà mình có. Và tâm trí của tôi luôn điều khiển hành động của mình hướng đến thái độ quyết không bao giờ đầu hàng. Tôi đã sống vì triết lý đó trong suốt 18, 19 năm lăn lộn trong làng quần vợt của ATP World Tour. Đó là những điều mà tôi đã làm. Như trong trận đấu ngày hôm nay vậy, có rất nhiều thời điểm nếu như tôi buông lơi, trận đấu sẽ nhanh chóng khép lại, nhưng tôi vẫn tìm ra cách để trụ lại với trận đấu, để thi đấu đến tận ván đấu cuối cùng. Cuối cùng thì, thất bại luôn gây thất vọng, tôi rất muốn thi đấu với Novak Djokovic ở vòng đấu kế tiếp.

Tạm biệt Wimbledon với trận đấu đối mặt cùng Djokovic sẽ thú vị hơn rất nhiều. Nhưng Jarkko là một đối thủ khó nhằn và mỗi trận đấu ở đây đều không hề dễ dàng”, Hewitt tâm sự sau trận đấu cuối cùng ở Wimbledon…

Trong sự nghiệp cũng khá là… lẫy lừng của mình, Hewitt từng giành 2 danh hiệu Grand Slam và 1 trong số 2 danh hiệu đó chính là ngôi vô địch Wimbledon 2002 (anh đã lên ngôi sau khi đánh bại David Nalbandian ở trong trận đấu chung kết). Hewitt chính là “chứng nhân” chứng kiến sức ảnh hưởng đáng sợ của “nhóm bộ tứ quyền lực” – kể từ khi anh lên ngôi ở Wimbledon 2002, những danh hiệu tại All England Club chỉ là “cuộc chia chác” giữa Roger Federer (7 danh hiệu), Rafael Nadal (1 danh hiệu), Novak Djokovic (2 danh hiệu) và Andy Murray (1 danh hiệu). Nhưng cũng chỉ cần như vậy thôi, khán giả ở Wimbledon ắt hẳn cũng sẽ nhớ đến Hewitt rất nhiều.

Hewitt cho biết: “Đám đông khán giả và tất cả mọi thứ ở Wimbledon đều rất tuyệt vời. Tôi không hề muốn điều này trở nên khác đi. Như ngày hôm qua vậy, khi đến và ngồi trên khán đài của sân Trung tâm, tôi muốn rằng, đơn giản tôi đến đây chỉ là để nhấp nháp, nghiền ngẫm bầu không khí ở đó, lắng nghe âm nhạc du dương. Tôi luôn yêu mến những truyền thống ở đây, tôi không hề giấu giếm điều đó. Với tôi, nơi này là quê nhà của quần vợt thế giới. Ở đây, tôi luôn có những cảm giác khác biệt, thứ mà tôi không thể tìm thấy khi đi dạo ở nhiều sân đấu khác trên thế giới. Một trong những điều tuyệt vời nhất của việc đăng quang ngôi vô địch ở đây là bạn trở thành một thành viên thật sự của giải đấu. Với tôi, được đi vào phòng thay đồ 4 tuần trước khi Wimbledon khởi tranh, được ngồi xuống và thưởng thức một tách trà, rồi nói chuyện, tán gẫu với những thành viên lớn tuổi, đó là một điều rất là vui và rất là thú vị…”.

Chia tay Wimbledon và chuẩn bị chia tay làng quần vợt chuyên nghiệp (Hewitt sẽ giải nghệ sau Australian Open 2016, sau đó, anh sẽ thử sức ở lĩnh vực HLV trưởng tuyển Australian Open ở đấu trường Davis Cup). Hewitt đã nói về những khoảnh khắc tự hào nhất – khi anh đăng quang Wimbledon 2002, và đáng thất vọng nhất – khi anh để thua Marat Safin trong trận chung kết Australian Open 2005, trong sự nghiệp của mình: “Bạn phải làm việc suốt cả đời chỉ để có được một cơ hội thi đấu trong trận đấu chung kết diễn ra ở Wimbledon vào tối Chủ nhật của tuần thứ 2, để có một cơ hội nắm lấy chiếc cúp vô địch. Không gì có thể so sánh với điều đó. Tôi đã để thua ở vòng 1 giải đấu hồi năm ngoái. Nhưng tôi cũng đã nhiều lần để thua ngay ở vòng 1 tại các giải đấu Wimbledon nhiều năm qua. Tôi không quan tâm mình thua ít hay nhiều, ít nhất, tôi đã đăng quang ngôi vô địch ở đây. Bạn không thể tước đoạt điều đó ra khỏi tay tôi được…”.

“…đương nhiên, sau những khoảnh khắc đáng tự hào, đó là những khoảnh khắc đáng thất vọng. Dù không thể sống mãi với quá nhiều tiếc nuối, rõ ràng có một giải đấu mà tôi cảm thấy rất thất vọng khi không thể lên ngôi ở đây, đó là Grand Slam trên sân nhà. Tất nhiên, tôi cũng không thấy hối tiếc quá nhiều sau trận thua Marat Safin ở chung kết Australian Open 2005 (trận chung kết Australian Open 2005 là trận chung kết Grand Slam cuối cùng trong sự nghiệp của Hewitt, trước đó, anh đã đăng quang trong cả 2 trận chung kết Grand Slam mà anh tham gia là US Open 2001 và Wimbledon 2002), vì tôi đã làm hết mọi thứ trong khả năng để cố giành chiến thắng. Tôi đã phải chạy đua với một anh chàng chơi quá hay trong cái đêm đầy biến cố hồi 10 năm trước (trước khi thắng Hewitt ở chung kết, Safin đã loại Federer ở bán kết và là một trong số vài người hiếm hoi “dám thắng” Federer ở thời điểm đó, danh hiệu Australian Open 2005 cũng là danh hiệu Grand Slam thứ 2 trong sự nghiệp của tay vợt người Nga…)”, Hewitt nói.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục