Angelique Kerber: Những bài học của chiến thắng

Cô xịt rượu champagne ăn mừng. Cô nhảy múa hát hò. Cô… lao cả xuống sông Yarra (ngay kế bên sân Trung tâm Rod Laver Arena) để vui niềm vui chiến thắng. Chẳng sao cả, cô vừa đẹp, lại vừa tài giỏi, cô là nhà tân vô địch đơn nữ của Australian Open. Thế nên, cô có quyền. Cô là Angelique Kerber, một Kerber “độc nhất vô nhị” ở Melbourne Park năm nay, một Kerber đang khiến cho cả nước Đức, kể cả bà Thủ tướng Angela Merkel, phải dậy sóng vì vui sướng.

Chiến thắng của Kerber ở trong trận đấu chung kết đơn nữ của Australian Open 2016 trước “đại thế lực” Serena Williams đơn giản nói lên một điều, nếu bạn không hề sợ hãi, bước vào một cuộc chiến lớn với một tâm thế thật thoải mái, chẳng có gì để mất, và đơn giản, cứ tiến lên để cống hiến hết mình, thì bạn sẽ đạt được thành công, cho dù đối thủ của bạn có là “Nữ hoàng WTA” đi chăng nữa. Kerber đã chơi hết mình, cháy hết mình, và cô đã thắng.

Angelique Kerber sang trọng với chiếc Cúp vô địch đơn nữ Australian Open 2016.

Một trong những thứ tạo nên “quyền uy” tối thượng của Serena, bên cạnh việc cô giao bóng mạnh… như đàn ông, thì đó chính  là cái thần thái  như muốn bắt hết hồn phách của đối thủ. Những tay vợt như Maria Sharapova, Agnieszka Radwanska, mỗi khi giáp mặt với cô, thì có vẻ đều “sợ cô như sợ cọp”. Trận đấu do vậy, dù chưa kịp diễn ra, người ta đã biết trước được kết quả là như thế nào. Nhưng với Kerber, với những gì mà tay vợt người Đức đã làm vào chiều tối hôm 30-1, cả thế giới đã rút ra được một bài học lớn lao, muốn đánh bại Serena, trước hết phải dẹp bỏ mặc cảm và sợ hãi, cứ xem cô như một đối thủ thông thường, và rồi, kết quả tốt sẽ đến, không sớm thì muộn.

Không phải tự nhiên, Serena đã tán dương đối thủ với câu nói đầy ẩn ý trong buổi họp báo sau trận đấu: “Cô ấy đã chơi một trận đấu tuyệt vời trong ngày hôm nay. Cô ấy có một điệu bộ mà tôi nghĩ nhiều người cần phải học hỏi, đơn giản, luôn giữ một tâm thế lạc quan và không bao giờ buông bỏ. Tôi thật sự bị cuốn hút với cái thần thái đó”. Phải chăng, “cái điệu bộ mà tôi nghĩ nhiều người cần phải học hỏi” chính là lời nhắn gửi dành cho Masha, người đã thua Serena trong 18 trận đấu liên tiếp suốt từ năm 2005 cho đến nay, hay dành cho Aga, người mới thua Serena lần thứ 9 liên tiếp? Chiến thắng của Kerber không chỉ là bài học cho “phần còn lại của thế giới” mà nó còn khiến Serena phải tính toán lại năng lực của mình khi chưa thể giành được danh hiệu Grand Slam thứ 22.

Kể từ khi chuyển sang chơi chuyên nghiệp từ hồi năm 2003, Kerber đã có vài lần khiến giới mộ điệu phải kỳ vọng, kỳ vọng về sự hình thành nhóm “tứ đại mỹ nhân của làng quần vợt Đức” (ngoài Kerber còn có Julia Goerges, Andrea Petkovic và Sabine Lisicki) sẽ là một bước chuyển mình đáng kể cho làng quần vợt nữ nước Đức, giúp họ tìm ra một nhà vô địch như huyền thoại Steffi Granf khi xưa. Lisicki từng lọt đến trận chung kết Wimbledon 2013, nhưng để thua dễ dàng trước Marion Bartoli sau 2 ván đấu. Và thế là, người Đức đã phải tiếp tục chờ đợi cho đến khi họ nhận được ra, nữ anh hùng vốn chẳng ở đâu xa. Kerber đã trải qua mùa giải 2015 cực kỳ thành công với 4 danh hiệu, nhưng giờ đây, mùa giải 2016 sẽ còn rực rỡ hơn.

“Tôi nghĩ, đây có lẽ là sự nghiệp thứ 2 của tôi vậy. Các bạn biết đấy, khi tôi thắng ván đấu đầu tiên, khi tôi thắng trận đấu với Azarenka, điều đó chứng tỏ rằng tôi thật sự là một tay vợt giỏi, và tôi có thể trình diễn tốt trên những vũ đài lớn. Ở mùa giải năm ngoái, tôi đã chơi không hay ở các giải đấu lớn. Đây là giải đấu lớn đầu tiên của năm, và tôi đã đăng quang, đã giành lấy danh hiệu Grand Slam đầu tiên”, Kerber cho biết sau khi trở thành tay vợt thứ 4 ngáng trở Serena ở một trận chung kết Grand Slam đình đám, sau Venus Williams, Maria Sharapova (và câu chuyện “xa lơ xa lắc” hồi năm 2004) cùng với Samantha Stosur. Serena đã lọt đến 26 trận chung kết, cô chỉ thua 5 lần ở đây (thua Venus 2 lần).

Kerber tự mình nói về “bí quyết” chiến thắng trước Serena: “Phần tâm lý, phải thật sự to lớn. Tôi cũng có thể thấy được điều đó. Ý của tôi là, bạn phải thật sự thoải mái, và phải thật sự tin tưởng vào bản thân mình. Đây chính là điều to lớn nhất mà tôi cũng đã học hỏi được sau 2 tuần lễ ở đây, cứ tiến lên và cống hiến hết mình. Đương nhiên, bạn sẽ phải có một số thất bại trong sự nghiệp, bạn cũng phải trải qua những thời khắc khó khăn. Nhưng các bạn biết đó, bạn phải tin rằng mình làm được. Đó là điều mà tôi đã học được trong 2 tuần ở đây”.

Kerber đã có bài học cho riêng mình, “phần còn lại của thế giới” cũng vậy và thậm chí Serena cũng vậy. Còn người Đức thì sao? Họ cũng có được bài học đầy giá trị, đó là không bao giờ ngừng tin, ngừng hy vọng và ngừng kiếm tìm… Như những gì mà bà Thủ tướng Merkel đã nói: “Với chiến thắng này, cô không chỉ hoàn thành giấc mơ lớn của mình mà còn, 17 năm sau Steffi Graf, giúp hàng triệu fan hâm mộ hoàn thành giấc mơ chờ đợi một người Đức đăng quan ở đấu trường Grand Slam”.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục