Tay vợt Việt kiều Andrea Lê: Khâm phục tuổi 13

Không chỉ gây ấn tượng mạnh với chức vô địch quần vợt nữ toàn quốc 2017, tay vợt 13 tuổi Andrea Lê còn rất đáng khâm phục bởi nhân cách cao đẹp.

Không chỉ gây ấn tượng mạnh với chức vô địch quần vợt nữ toàn quốc 2017, tay vợt 13 tuổi Andrea Lê còn rất đáng khâm phục bởi nhân cách cao đẹp.

Tài năng vượt tuổi 13

Tại giải quần vợt nữ vô địch toàn quốc 2017 vừa diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), có một cô bé gây ấn tượng rất mạnh – đó chính là tay vợt Việt kiều Mỹ Andrea Lê.

Tuy chỉ mới 13 tuổi nhưng với kỹ thuật và thể lực rất tốt, An, tên thân mật của Andrea Lê, đã lên ngôi vô địch ở nội dung đơn nữ U16 trên mình 3 tuổi với chiến thắng 6-2 và 7-5 trong trận chung kết. Thậm chí ở nội dung đôi nữ trên 18 tuổi, An đánh cặp cùng với Bé Xuyên chỉ chịu thất bại sít sao 4-6; 6-4 và 3-10 trong trận chung kết trước đôi đàn chị Savanna và Kim Ngân cùng ở đoàn Quân Đội.

Tay vợt 13 tuổi Andrea Lê. Ảnh: Tố Đông

Nhận xét về người đánh cặp của mình, tay vợt kỳ cựu bậc nhất Việt Nam là Bé Xuyên cho biết: “An tuy còn nhỏ tuổi nhưng thể lực rất tốt, kỹ thuật và khả năng bao quát sân cao. Điểm yếu của An là còn non kinh nghiệm thi đấu thôi”.

Là một cô bé rất yêu thích thể thao và chơi tốt ở nhiều môn như bơi lội, bóng chuyền, taekwondo (đai nâu), trượt tuyết…Andrea bắt đầu “bén duyên” với tennis từ năm 8 tuổi. Cô bé nhanh chóng say mê bộ môn này và “hái quả” bằng chức vô địch trẻ tại bang Texas (Mỹ).

Một ngày của An thường bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng để tập tennis đến 7 giờ. Sau khoảng thời gian học văn hóa tại trường, An lại ra sân tập luyện từ 16h-18h trước khi làm bài tập vào buổi tối.

Hiện Andrea đang theo học tại một ngôi trường có tiếng ở Mỹ (nơi cựu Tổng thống George W. Bush từng học) nên sức ép về bài vở khá nhiều. Để có thể về thi đấu tại Việt Nam, Andrea Lê phải học qua mạng, làm bài tập online để không tụt lại so với các bạn. Gần như bất cứ chỗ nào từ sảnh khách sạn, quán cà phê hay cả ghế ngồi chờ thi đấu cũng có thể trở thành bàn học của cô gái trẻ tuổi này.

“Độ tự giác của An rất cao. Sau khi thi đấu , em ăn uống, tắm xong là tự động ngồi vào bàn học”, chị Cindy Lang, mẹ và người bên cạnh Andrea mỗi khi về Việt Nam, cho biết.

Hỏi An có thấy khó khăn hay mệt mỏi khi phải vừa thi đấu vừa theo kịp bài vở hay không, tay vợt nữ 13 tuổi vui vẻ trả lời: “Em cảm thấy mình làm được. Học tập và thể thao đều là những thứ em yêu thích, mà làm điều mình thích thì sẽ không thấy mệt mỏi. Cái khó khăn lớn nhất với em là việc trái múi giờ khi giờ ở Việt Nam và Mỹ cách nhau 12 tiếng”.

Đáng khâm phục dù phải dung hòa cả hai thứ như vậy nhưng An vẫn học khá giỏi ở trường. Trong các thứ tiếng biết thạo như tiếng Anh, Tây Ban Nha, An cho biết mình vẫn thích tiếng Việt nhất nhưng không tự tin để nói vì sợ bị cười.

Tuy chơi tennis giỏi là vậy nhưng Andrea cho biết mình chưa nghĩ đến con đường chuyên nghiệp bây giờ mà chỉ muốn song song giữa việc học thật tốt và chơi thể thao. An cho rằng cả hai đều cần thiết cho cuộc sống của mình.

Andrea Lê là đứa con thứ 2 trong gia đình có ba chị em. Chị của Andrea – Allison (16 tuổi) cũng là một tay vợt Việt kiều từng gặt hái thành công tại một số giải đấu trong nước.

Trái tim lớn trong con người nhỏ

Cách đây không lâu, Andrea đã dùng số tiền tiết kiệm trong hai năm của mình để ủng hộ 600 suất cơm cho một bệnh viện nhi tại TPHCM. Số tiền này được Andrea tiết kiệm từ tiền mừng tuổi, nhịn ăn vặt, tiền mua quần áo…Khi hỏi cô gái 13 tuổi vì sao muốn làm những điều này, An trả lời đơn giản nhưng đầy cảm xúc: “Em nghĩ các bạn nhỏ cần cơm hơn những thứ nước ngọt, quần áo…em tiết kiệm được”.

Chia sẻ một kỷ niệm ấn tượng về sự việc này, bác sĩ Lê Ngọc Đoan, ba của Andrea, cho biết: “Có lần tôi định mua cho An một lon nước ngọt (giá 1 USD) tại máy bán hàng tự động, An thốt lên là thôi ba ơi, con uống nước bồn cũng được. Tiền này đủ mua một suất cơm cho các bạn ở Việt Nam đó. Hay khi tôi định mua cho An một bộ quần áo mới, An bảo tôi cho tiền để con tiết kiệm. Về Việt Nam, gia đình cũng chỉ giúp em tìm người phụ nấu, phát cơm, ngoài ra chi phí cho các suất cơm đều của An cả”.

“Mỗi lần về Mỹ, An thường cho thầy cô, bạn bè xem hình ảnh cảnh đẹp, về bạn bè trong những ngày ở Việt Nam của mình, trong đó có cả việc làm từ thiện. Tôi nghĩ điều này không chỉ dạy con tôi mà còn nhiều đứa trẻ khác học cách san sẻ và biết quý trọng hơn những gì mình đang được hưởng hay điều kiện của mình còn tốt hơn nhiều người khác”, anh Đoan cho biết thêm.

Không chỉ yêu thích việc được chơi tennis tại Việt Nam hơn rất nhiều so với bên Mỹ, Andrea Lê còn nghiện các món ăn quê nhà. Gần như mỗi lần về nước thi đấu, cô bé lại đòi mẹ mình đưa đi ăn uống ở nhiều nơi để được nếm thật nhiều món ăn tại Việt Nam.

“Thi đấu tại Việt Nam rất thích. Khán giả cổ vũ rất nhiệt tình nên em đánh cũng rất vui. Các trọng tài, nhặt bóng đều dễ thương, giúp đỡ rất nhiệt tình. Ở bên Mỹ, các giải trẻ không có được những điều này”, An cho biết.

Theo như anh Đoan, việc cho Andrea về Việt Nam thi đấu là muốn giúp cho quần vợt nói riêng và thể thao nước nhà nói chung phát triển hơn. Bên cạnh đó là muốn con gái mình biết thêm về nguồn cội, về đất nước, cảnh quan và con người quê hương.

“Nếu có một ngày nào đó thể thao nước nhà muốn con gái tôi thi đấu tại SEA Games hay các giải đấu quốc tế khác thì tôi cũng rất sẵn lòng. Cái chính là tôi muốn thấy thể thao Việt Nam ta thắng được Thái Lan, Trung Quốc…thì dù có ở đâu, tôi cũng thấy sướng, thấy hãnh diện”.

Để động viên và ủng hộ cho đam mê của con, anh Đoan và chị Lang đã thay phiên nhau chăm sóc cho ba đứa con nhỏ. Mỗi khi vợ mình theo con gái về Việt Nam thi đấu, anh Đoan phải giảm bớt công việc tại bệnh viện để đưa đón, lo cơm nước cho cô chị cả và cậu con trai nhỏ.

Trong khi đó, chị Lang trở thành một quản lý thực thụ cho cô con gái. Dù thời tiết nắng mưa, nóng lạnh thế nào, người ta vẫn bắt gặp mẹ của Andrea ngồi trên khán đài hay một góc nào đó quanh sân cổ vũ cho cô con gái.

Kết thúc giải nữ toàn quốc 2017 với 1 HCV và 1 HCB, Andrea Lê vui vẻ chia sẻ về tennis: “Em thấy các bạn trẻ tại Việt Nam chơi tennis cũng rất hay. Tuy nhiên các bạn ấy không tập thể lực nhiều và thường chỉ ra sân tập theo yêu cầu của HLV. Bên Mỹ thì không có HLV chúng em vẫn tập. Em hy vọng mình sẽ về Việt Nam thi đấu nhiều hơn trong tương lai”.

TỐ ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục