Tết “Đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm”

Mùa kinh doanh cao điểm Tết Kỷ Hợi 2019 đã khép lại với sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước, đặc biệt là các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) trên địa bàn TPHCM. 
Khách hàng chọn mua trái cây bình ổn giá tại siêu thị Co.opmart Ảnh: CTV
Khách hàng chọn mua trái cây bình ổn giá tại siêu thị Co.opmart Ảnh: CTV

Với sản lượng hàng hóa bình ổn cung ứng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường, tăng bình quân khoảng 10% - 15% so với kế hoạch TP giao và tăng từ 30% - 40% so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm ngoái, giá bán ổn định liên tục trong 2 tháng trước và sau tết, hàng bình ổn đã tạo sự lan tỏa chung về mặt bằng giá hàng tết. Đáng lưu ý, nhiều mặt hàng bình ổn luôn dẫn dắt thị trường về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Doanh thu hàng bình ổn đạt gần 20.000 tỷ đồng

Theo số liệu thống kê từ Sở Công thương TPHCM, tết năm nay, các DN BOTT đã chuẩn bị lượng hàng cung ứng cho 2 tháng tết trị giá 18.424,8 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018 (17.812,1 tỷ đồng); trong đó, giá trị chuẩn bị nguồn hàng BOTT là 7.532,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 6-1 đến 4-2-2019 (tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.812,1 tỷ đồng. Trong đó, hàng bình ổn thị trường là 4.211,8 tỷ đồng.

Cụ thể, sản lượng các nhóm hàng tết chuẩn bị tăng 13,2% - 16,9% so kế hoạch TP giao và tăng 23% - 36% so kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32% - 58% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 55,2%), trứng gia cầm (51,1%), thực phẩm chế biến (33,6%), thịt gia súc (31,7%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...
Kết quả thực hiện của các DN BOTT về doanh thu ước đạt 19.822 tỷ đồng, tăng 1.143 tỷ đồng (6,12%) so với kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018 (18.679 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu hàng BOTT ước đạt 8.450,8 tỷ đồng, tăng 882,1 tỷ đồng (11,65%) so với Tết Mậu Tuất 2018 (7.568,8 tỷ đồng).

Ngoài nhiệm vụ đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường tết, các DN cũng tích cực thực hiện công tác xã hội, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, người lao động nghèo có điều kiện đón tết, thông qua việc tổ chức tốt các đợt bán hàng lưu động với 348 chuyến. Doanh thu bán lưu động ước đạt 8,81 tỷ đồng. Ngoài ra, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) thực hiện nhiều chuyến bán hàng lưu động để hỗ trợ 40 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện BOTT.

Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tham gia BOTT chuẩn bị nguồn vốn và ký hợp đồng dự trữ lượng hàng tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường, cùng với kế hoạch dự trữ tăng 15% - 20% của các nhà cung cấp, các hệ thống cũng lên kế hoạch tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tăng thời gian phục vụ, mở thêm các quầy thu ngân phụ đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân vào thời điểm cận tết và mở cửa phục vụ sớm.

Cụ thể, các trung tâm thương mại Aeon Mall, Lotte Mart vẫn mở cửa phục vụ vào mùng 1 tết. Hệ thống siêu thị Co.opmart, Satra, Vissan… mở cửa phục vụ từ mùng 2 tết… Ngoài ra, nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi như Shop&go, Ministop, Bs’Mart, Circle K, FamilyMart… mở cửa phục vụ liên tục 24/24 giờ, không nghỉ tết. Theo tính toán, dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua, tỷ lệ hàng Việt Nam trong các hệ thống siêu thị chiếm 80% - 95%.

Nguyên nhân chính giúp mặt bằng giá chung trên thị trường ổn định trong nhiều năm liên tục gần đây là do tất cả các nhóm hàng bình ổn đều đã được chốt giá liên tục trong 2 tháng trước và sau tết. Mặt khác, ngoài mức giá luôn thấp hơn so với giá thị trường từ 5% - 10%, trong tháng tết, các DN tham gia CTBOTT tiếp tục liên kết giảm giá bán sâu hơn đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, đã tác động mạnh mẽ, sâu rộng đối với giá bán trên thị trường. Theo đó, các DN cũng phối hợp với các nhà phân phối, tổ chức đồng loạt nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá các mặt hàng thuộc chương trình trong tuần cận tết và các ngày cận tết. Cụ thể, giá trứng gia cầm giảm 1.000 - 2.000 đồng/chục liên tục trong 10 ngày trước tết; giá thịt gia súc giảm 5% - 10%, tương ứng mức giảm 8.000 đồng/kg trong 3 ngày trước tết và 4 ngày sau tết; giá thịt gia cầm giảm 10%; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5% - 7%; thủy hải sản giảm 15% - 20%...

Ở nhóm các mặt hàng rau củ quả, các DN như Saigon Co.op, HTX Anh Đào, Công ty TNHH Thảo Nguyên, HTX Phước An… cung ứng đầy đủ lượng rau VietGAP cho các siêu thị, cửa hàng và điểm bán hàng lưu động với giá cả thấp hơn giá thị trường từ 10% - 20%… Chính nhờ giá bán ổn định và luôn thấp hơn thị trường nên giá các mặt hàng bình ổn như trứng gia cầm, thịt heo, thịt gia cầm tiếp tục trở thành giá tham chiếu đối với đại đa số người tiêu dùng TPHCM.

Kết hợp đưa hàng BOTT đến các tỉnh, thành

Nhằm góp phần ổn định thị trường TPHCM và khu vực thông qua chương trình hợp tác thương mại, các DN của TPHCM đã tăng cường mở rộng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương. Tính đến hết năm 2018, đã có hàng ngàn hợp đồng nguyên tắc được ký kết, tổng vốn giao dịch hơn 30.000 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm DN các tỉnh, thành đã vào hệ thống phân phối, làm nhãn hàng riêng cho các siêu thị; nhờ vậy lượng hàng cung ứng cho thị trường TP, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán luôn đa dạng, phong phú, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa. Tại 3 chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập chợ đạt bình quân gần 8.000 tấn/ngày, vào thời điểm cận tết lượng hàng này tăng từ 70% - 80% so với ngày thường đã đáp ứng nhu cầu mua sắm vào cao điểm tết.

Tết 2019, TPHCM cũng tiến hành đưa hàng hóa trong CTBOTT đến các địa phương khác tiêu thụ. Đến nay, đã có hàng chục DN sản xuất và phân phối trong chương trình BOTT đã phát triển mạng lưới cung ứng hàng hóa khắp các tỉnh, thành như Saigon Co.op, Vissan, Cầu Tre, Saigon Food, Colusa - Miliket, Lotte…

Bên cạnh nguồn hàng, lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu các DN trong chương trình tập trung phát triển nhanh và mạnh mạng lưới phân phối đến với mọi tầng lớp người dân, trong đó ưu tiên cho khu vực ngoại thành, KCN, KCX. Tại các kênh phân phối hiện đại, hàng bình ổn cũng đã xuất hiện dày đặc trên các quầy kệ. Ngay cả siêu thị có yếu tố nước ngoài như Aeon, Lotte Mart, Giant, Big C… hàng bình ổn cũng được bố trí thành những khu vực riêng, dễ nhìn, dễ thấy.

Qua kinh nghiệm thực tiễn của nhiều năm tổ chức, Sở Công thương cùng các sở ngành, UBND quận huyện và DN BOTT đã có sự chuẩn bị từ rất sớm công tác cân đối cung - cầu và phân phối hàng hóa. Kế hoạch hàng tết được xây dựng chi tiết, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và được theo dõi, kiểm tra sát sao, giúp cho thị trường tết năm nay diễn ra theo như dự báo và kế hoạch chuẩn bị của TP, đảm bảo cho người dân TP nói chung và người lao động thu nhập thấp có điều kiện hưởng Tết Kỷ Hợi 2019 “Đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm”.

Thành quả trên là nhờ vào sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, các sở ngành tham mưu đầy đủ để thực hiện nghiêm túc và quan trọng hơn hết là sự tích cực, đầy trách nhiệm trong thực hiện kế hoạch của các DN BOTT. Qua đó đã thể hiện được sự lớn mạnh của các DN, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ BOTT của TPHCM và cả nước. 

Nhìn nhận về kết quả triển khai CTBOTT Tết Nguyên đán 2019, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết thị trường tết năm nay ổn định về giá, hàng hóa cung ứng dồi dào, phong phú. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực. Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng thay cho “ăn tết” bằng “chơi tết” và không còn quen mua sắm, dự trữ hàng hóa.

Tin cùng chuyên mục