Thách thức cho kinh tế Trung Quốc

Tờ Bình Quả của Hồng Công (Trung Quốc) vừa đăng tải bài viết cho rằng chỉ có thể dùng 8 chữ là “không có xấu nhất chỉ có xấu hơn” để hình dung tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay, khi mà đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã chậm lại rất rõ ràng.
Xuất khẩu, một trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, gặp khó vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc
Xuất khẩu, một trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, gặp khó vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc

Thu hẹp quy mô ngành chế tạo

Chính phủ Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra các biện pháp, bao gồm cả việc nới lỏng cung ứng tiền tệ, nhưng cũng chưa thể giúp động lực kinh tế đi lên, chỉ còn cách ngồi quan sát xem tình trạng kinh tế đi xuống đến khi nào mới có điểm rẽ và có thể quay đầu tăng trưởng nhanh trở lại. Theo số liệu công bố mới nhất của Chính phủ Trung Quốc và Caixin (công ty truyền thông tài chính của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh), chỉ số quản lý thu mua (PMI) của ngành chế tạo đều ở mức thấp. Trong đó, PMI do Caixin công bố đã xuống thấp đến mức 50 điểm, tức ranh giới của thịnh-suy, là con số thấp nhất trong 8 tháng gần đây. Chỉ số sản xuất và đơn đặt hàng mới đều tụt dốc, chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng xuống mức thấp nhất trong 2 năm gần đây. 

Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai gần, quy mô ngành chế tạo của Trung Quốc sẽ buộc phải thu hẹp lại. Điều đáng chú ý là từ trước đến nay, ngành chế tạo luôn là “đầu tàu” của nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời tạo ra lượng lớn việc làm. Một khi “đầu tàu” kinh tế giảm tốc ở mức độ lớn, chắc chắn sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế Trung Quốc đi xuống. Hơn thế, hàng triệu công nhân sẽ phải đối mặt với mối đe dọa giảm giờ làm, kéo theo giảm thu nhập và thậm chí là mất việc làm, trở thành thất nghiệp. Hệ quả là một loạt vấn đề xã hội sẽ nảy sinh.

Xuất khẩu khó khăn

Xuất khẩu, một trụ cột khác của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, đang bị bóng đen của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc bao phủ. Giới phân tích lạc quan tại Trung Quốc cho rằng thái độ cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump chẳng qua chỉ là sách lược đàm phán. Theo đó, chỉ cần Trung Quốc đưa ra nhượng bộ vừa đủ để Mỹ có được chút “trái ngọt”, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể được giải quyết hoàn toàn. Thế nhưng, không ít ý kiến lại cho rằng việc ông Donald Trump ra tay mạnh mẽ và toàn diện như vậy với Trung Quốc chắc chắn không phải chỉ để tạo thanh thế và có được chút lợi ích.

Trong khoảng thời gian gần 20 năm, tính từ sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tháng 11-2001 đến nay, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh, khoảng cách về thực lực kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ không ngừng được thu hẹp. Những năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu có thực lực và thách thức trật tự kinh tế do Mỹ chủ đạo. Việc Trung Quốc dồn sức cho các thể chế khu vực và quốc tế mới như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là những chứng cứ rõ ràng. Đối với Mỹ, việc bao vây Trung Quốc hay thúc ép Trung Quốc mở cửa thị trường và tuân theo quy tắc thương mại công bằng hiện đều là cơ hội cuối cùng và là cơ hội tốt nhất. Nếu giờ đây trong cuộc chiến với Trung Quốc, Mỹ trở về tay trắng và không thể mở cửa toàn bộ thị trường Trung Quốc, thì sau khi Trung Quốc đã “đủ lông đủ cánh”, Mỹ sẽ không còn cơ hội, thậm chí có muốn hành động cũng không thể.

Nếu phân tích từ góc độ trên thì sẽ hiểu được rằng cuộc chiến thương mại hiện nay sẽ không thể kết thúc trong một sớm một chiều, càng không thể chỉ cần Trung Quốc đưa ra một chút nhượng bộ là Mỹ sẽ bỏ qua. Trong những năm tới, các biện pháp Mỹ áp dụng nhằm kiềm chế Trung Quốc sẽ chỉ tăng chứ không giảm, ảnh hưởng tiêu cực đối với xuất khẩu và ngành chế tạo của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo mất đi tăng trưởng xuất khẩu - động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong hơn 20 năm qua - xu thế kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là không thể đảo ngược.

Tin cùng chuyên mục