Thách thức thực thi Luật Quy hoạch

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch về nội dung: nhiệm vụ lập, tổ chức tư vấn và lấy ý kiến về quy hoạch; quy hoạch tổng thể quốc gia; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia…

Vậy là phải đến bây giờ quá trình xây dựng, thông qua dự án luật từng được coi là long đong, nhiều lần lỗi hẹn này mới thực sự được “gói” lại. Luật Quy hoạch đã có những quy định hết sức “đụng chạm”, vừa xóa bỏ đặc quyền về quy hoạch (nghiêm cấm hành vi từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch; quy hoạch không được mang tính “nhiệm kỳ”), vừa đặt ra thêm một số nhiệm vụ khó khăn cho cơ quan làm quy hoạch (như phải lấy ý kiến về quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch không được làm thay đổi mục tiêu quy hoạch…).

Chẳng thế mà sau khi được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2017, sau rất nhiều tranh luận căng thẳng, Luật Quy hoạch vẫn chưa thể đi vào cuộc sống một cách êm thuận. Sau rất nhiều hội nghị, hội thảo, nhiều phiên họp “căng như dây đàn” giữa cơ quan soạn thảo, thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đến tận tháng 11-2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch mới được Quốc hội ban hành; điều chỉnh hàng loạt lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Từng có chuyện khá hy hữu xảy ra tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi đại diện các bộ, ngành có ý kiến trái ngược nhau, thậm chí có vị còn thẳng thắn cho rằng, khi làm luật này thì “bộ nào cũng muốn mình quan trọng nhất”. Sự đồng thuận cuối cùng đã đạt được sau quá trình tiếp thu thận trọng, mềm dẻo để đảm bảo hài hòa nhiều mục đích, lợi ích cho tất cả các đối tượng tác động. Giờ đây, với nghị định hướng dẫn chi tiết, khâu chuẩn bị cuối cùng để một đạo luật thực sự bước vào cuộc sống đã xong. Người dân có quyền hy vọng Luật Quy hoạch sẽ thực sự mang lại thay đổi lớn, giải quyết những bất cập từ trước đến nay như: chồng chéo; cục bộ; lợi ích nhóm; chia rẽ, cát cứ của các bộ, ngành, địa phương… Đồng thời công tác quy hoạch sẽ tiệm cận với thông lệ quốc tế, tạo ra tư duy, cách làm mới, đảm bảo khai thác được hết tiềm năng, lợi thế của đất nước.

Dĩ nhiên, để làm được điều này thì một chiếc gậy pháp lý vững vàng vẫn là chưa đủ. Vô số vướng mắc trong quá trình thực hiện hàng loạt quy hoạch trên thực tế vẫn chưa thể tháo gỡ, nếu không có một bộ máy thực thi mạnh mẽ, công tâm cũng như một nguồn lực đầy đủ, được phân bổ hợp lý.

Trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri vừa được gửi đến Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Bộ Xây dựng đã nêu rõ, bên cạnh những mặt tích cực đáng ghi nhận, công tác lập, phê duyệt quy hoạch đô thị tại hầu hết các địa phương thực hiện chưa đồng bộ; kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm chưa gắn kết với quy hoạch, dẫn tới việc đầu tư dàn trải, không đảm bảo đầu tư đồng bộ giữa nhà ở, khu đô thị, trụ sở... với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Do thiếu một số công trình kết nối hạ tầng (nhất là giao thông) giữa đô thị và các địa phương lân cận đã làm cho tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị và chất lượng sống của người dân. Quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.

Đặc biệt, việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, chi tiết chưa tuân thủ theo quy định. Điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần theo xu hướng gia tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, thay đổi chức năng sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật, không xem xét trên tổng thể để điều chỉnh quy hoạch phân khu phù hợp, dẫn tới quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt trong các khu vực nội thành, nội thị. Đây chính là kẽ hở rất lớn mà những kẻ trục lợi chính sách có thể “gặm” vào. Vì vậy, nếu không có những chế tài nghiêm khắc cho việc vi phạm thì việc thực thi luật sẽ rất gian nan.

Tin cùng chuyên mục