Tham gia CPTPP cần tránh việc nhập siêu giống như khi gia nhập WTO

Sáng 5-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về phê chuẩn Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. 
ĐB Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
ĐB Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Phát biểu về vấn đề này, hầu hết các ý kiến nhất trí với tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp lần này bởi những cơ hội quý giá do hiệp định mang lại. Tuy nhiên, các ý kiến cũng phân tích những thách thức, đòi hòi Chính phủ phải chuẩn bị kỹ.

Thị trường rất khó tính 

Theo phân tích của ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tham gia CPTPP là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN), có thêm việc làm cho người lao động (NLĐ), cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Tuy vậy, cũng như ĐB Vũ Tiến Lộc, các ĐBQH đều lo lắng những cơ hội và kỳ vọng đó là rất lớn nhưng thách thức cũng cực nhiều, nhất là nguy cơ không biến được cơ hội thành hiện thực. Bài học từ việc thực thi 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho thấy rất rõ điều này. Các FTA hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan trung bình chỉ tận dụng chưa đầy 40% và chủ yếu thuộc về FDI, hơn 60% còn lại vì nhiều lý do khác nhau đã tuột khỏi doanh nghiệp Việt Nam.

 ĐB Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng đại học Kinh tế quốc dân cho rằng trong bối cảnh hiện nay cuộc chiến tranh Trung -Mỹ đang xảy ra gay gắt, có nhiều nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ thị trường Trung Quốc tìm nước thứ ba để đầu tư đưa hàng hóa sang trong khối hoặc cho Mỹ. Nếu chớp tốt cơ hội này thì Việt Nam có thể trở thành trung tâm thực hiện các ngành công nghiệp chế tạo chế biến cho khối và khu vực. Ngược lại, nếu không kiểm soát tốt có thể xảy ra tình trạng hàng hóa, nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước không phải trong khu vực tuồn vào, làm “chết” các hoạt động sản xuất trong nước hoặc rơi vào tình trạng vi phạm cam kết. Khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề nên đòi hỏi Chính phủ phải đẩy mạnh cải cách hành chính theo các chuẩn mực quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là tạo lập môi trường kinh doanh công khai, minh bạch để kiểm soát, tạo cạnh tranh bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM),  tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Đây là một thị trường rất lớn, 11 quốc gia với GDP 11.00 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu là 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu, dân số của thị trường là 500 triệu dân. Do đó xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng. Đây cũng là một thị trường rất khó tính bởi vì thu nhập bình quân đầu người là trên 30.000 USD bình quân đầu người. Như vậy, sản phẩm giá rẻ sẽ không thể đi vào khu vực này, vì họ yêu cầu chất lượng cao, an toàn thực phẩm và giá cả cạnh tranh. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam là công nghệ, năng suất lao động, đó là cơ hội để chúng ta có thể lựa chọn những nhà đầu tư với công nghệ tốt.

“Tại sao các nước mời Việt Nam tham gia vào hiệp định này? Vì dù thu nhập GDP bình quân đầu người chúng ta chỉ có 2.380 USD, trong khi bình quân của họ là 30.000 USD, nhưng  họ đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam- một thị trường 95 triệu dân”, ĐB Trần Hoàng Ngân. Ông cho rằng, thách thức đối với hiệp định này không nhỏ và đánh giá của Chính phủ về thách thức còn khiêm tốn. “Chúng ta phải kiểm soát, phải phòng vệ thương mại để tránh việc nhập siêu giống như khi gia nhập WTO. Mặt khác, khi điều chỉnh các luật, các chính sách cần có dự báo”, ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích.

Tổ chức đại diện người lao động: Chưa có tiền lệ

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) và một số ĐBQH cho rằng vấn đề quan tâm nhất trong Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam là vấn đề công đoàn. Việt Nam sẽ có các tổ chức tập hợp NLĐ bên cạnh Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. ĐB Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tham gia Hiệp định CPTPP, công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, chưa có tiền lệ. Đó là sự ra đời của tổ chức đại diện NLĐ bên cạnh tổ chức công đoàn của Việt Nam. Công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với tổ chức đại diện NLĐ về thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở và chia sẻ nguồn lực về tài chính. Sẽ phát sinh không ít những khó khăn trong việc triển khai các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, lãnh đạo và tổ chức đình công. ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tới đây khi sửa đổi Bộ luật Lao động, cần thiết lập những quy định thật sự thông minh, vừa đảm bảo cam kết của Việt Nam với các đối tác, nhưng vừa linh hoạt trong việc thực thi, tổ chức thực hiện, không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ NLĐ mà vì những động cơ chính trị, chống phá nước ta và cũng không để những tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng.

Tin cùng chuyên mục