Tham gia xếp hạng quốc tế: Được nhiều hơn mất

Trong 2 năm trở lại đây, các đại học (ĐH) của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện trên các bảng xếp hạng của châu lục và thế giới. Bỏ qua những hạn chế của việc xếp hạng, việc Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng cho thấy các ĐH của ta đã bắt đầu tiếp cận những chuẩn mực của quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho cộng đồng… Nhiều chuyên gia cho rằng, tham gia các bảng xếp hạng, chúng ta được nhiều hơn mất, biết được đâu là yếu kém, hạn chế để khắc phục.
Các đại học của Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận những chuẩn mực của quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho cộng đồng...
Các đại học của Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận những chuẩn mực của quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho cộng đồng...

Nhiều bất ngờ  

Tiến sĩ Lê Văn Út - Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thống kê: Cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS) được xem là cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới về thông tin khoa học. WoS được sở hữu bởi Clarivate (Mỹ), hiện thống kê có 16.257 tạp chí uy tín hàng đầu thế giới từ tất cả các chuyên ngành.

Trích từ dữ liệu WoS cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2018, công bố khoa học quốc tế của Việt Nam có bước phát triển đáng kể. Năm 2014 có 3.482 bài, nhưng đến năm 2018, cả nước có 6.187 bài thuộc danh mục ISI. Tuy nhiên, kết quả này cũng chỉ giúp Việt Nam đứng giữa bảng xếp hạng của khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu là Malaysia với hơn 114.000 bài, Singapore hơn 99.000 bài, Thái Lan hơn 63.000 bài, Indonesia hơn 47.000 bài… 

Công bố khoa học từ Việt Nam tăng nhanh trong thời gian 5 năm qua (18%/năm, một sự tăng trưởng rất cao) nhưng số lượng vẫn thấp nhất (chỉ cao hơn Philippines). Dù vậy, về vị trí trên các bảng xếp hạng châu lục và thế giới, các ĐH Việt Nam liên tục tạo nhiều bất ngờ. Và lần đầu tiên chúng ta lọt vào tốp 1.000 ĐH hàng đầu của thế giới.

Theo Bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2019 (The QS World University Rankings 2019, gọi tắt là QS World) cho 1.011 ĐH hàng đầu thế giới, ĐHQG TPHCM xếp hạng trong nhóm 701 - 750 và ĐHQG Hà Nội xếp hạng trong nhóm 801 - 1.000. Trong đó, ĐHQG TPHCM được xếp vào tốp 69% ĐH hàng đầu có tên trong QS World 2019, và thuộc nhóm 4% ĐH học hàng đầu thế giới trên tổng số 23.000 ĐH. 

QS World 2019 đánh giá và xếp hạng các ĐH theo 6 tiêu chí, bao gồm: danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), số lượng giảng viên quốc tế (5%), và số lượng sinh viên quốc tế (5%).

Để có cơ sở dữ liệu khách quan cho việc đánh giá, QS World 2019 đã phân tích hơn 97 triệu trích dẫn từ 14 triệu bài báo trên hệ thống Scopus; tiếp nhận phản hồi từ 1,2 triệu học giả và 200.000 doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu để xác định các trường ĐH xuất sắc nhất về đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

Bất ngờ kế tiếp là mới đây Trường ĐH Tôn Đức Thắng - trường duy nhất hiện nay của Việt Nam được THE (Times Higher Education - Anh quốc) xếp hạng. Theo THE công bố, kết quả xếp hạng những ĐH có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội hàng đầu thế giới phạm vi toàn cầu thì Trường ĐH Tôn Đức Thắng của Việt Nam xếp trong tốp 101 - 200 (có 462 trường tham gia xếp hạng) trong bảng xếp hạng 2019.

Đặc biệt, các tiêu chí về chất lượng giáo dục (hạng 48 - 58); thành phố và cộng đồng bền vững, quan hệ đối tác toàn cầu, bảo vệ khí hậu (hạng 60 - 70). Không chỉ vậy, ĐH này cũng là cơ sở duy nhất ở Việt Nam được xếp hạng 4/5 sao theo QS-stars (Anh quốc); xếp thứ 2 Việt Nam và thứ 1.422 thế giới về thành tựu học thuật theo URAP; xếp thứ 182 thế giới về phát triển bền vững theo bảng xếp hạng UI GreenMetric.

Trường này cũng lọt vào tốp 25 ĐH và cơ sở nghiên cứu hàng đầu khu vực ASEAN theo thống kê của Web of Science (ISI). Đây cũng là trường luôn dẫn đầu cả nước về công bố khoa học quốc tế, bằng sáng chế Mỹ trong nhiều năm gần đây. 

Xây dựng bảng xếp hạng của Việt Nam 

Tiến sĩ Lê Văn Út nhận định: “Xếp hạng ĐH là tất yếu và rất được quan tâm trên thế giới, vì nó phản ánh đẳng cấp và chất lượng của các ĐH, là thông tin quan trọng để các nhà quản trị, phụ huynh và sinh viên chọn lựa những ĐH phù hợp theo nhu cầu.

Nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta chỉ nên quan tâm đến những hệ thống xếp hạng ĐH có uy tín để tránh việc làm sai lệch giá trị học thuật của các ĐH. Việc không tham gia đã phần nào phản ánh sự không tự tin của các ĐH. Hơn nữa, với những tổ chức xếp hạng theo kiểu “có tiền sẽ có thứ hạng” thì chúng ta nên tránh, vì nhiều tiêu chí được “đôn lên” không sát thực tế”. 

Theo thông lệ quốc tế, việc đánh giá một ĐH có những tiêu chuẩn nhất định và những tiêu chuẩn này được các ĐH thừa nhận một cách rộng rãi. Nói đến ĐH phải gắn liền với nghiên cứu. Việc đánh giá đẳng cấp nghiên cứu của các ĐH chủ yếu dựa vào các cơ sở dữ liệu khoa học hàng đầu thế giới như ISI (Mỹ) hoặc Scopus (Hà Lan); Việt Nam cũng không thể đứng bên lề.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng ĐHQG TPHCM, việc xếp loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH đang trở thành xu thế mang tính toàn cầu, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý giáo dục, giới học thuật và các bên liên quan khác trong xã hội. Động lực chủ yếu của xu thế này là yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH trong bối cảnh một thế giới cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng. 

Trên thế giới, việc xếp hạng, xếp loại các cơ sở giáo dục ĐH đã được thực hiện và phổ biến ở nhiều quốc gia. Hoạt động này mang đến nhiều lợi ích thiết thực khi cung cấp cho các bên liên quan những thông tin hữu ích để đánh giá chất lượng cũng như làm cơ sở cho việc cải tiến chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH.

Trong hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, đến nay trên thế giới đã có hơn 60 hệ thống xếp hạng cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục, phụ huynh, học sinh và các doanh nghiệp, xã hội.

Tin cùng chuyên mục