Thẩm tra dự án sửa đổi Luật Đầu tư công: “Đừng đổ thừa hết cho luật”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thống nhất quan điểm cái gì vướng mắc khó khăn trong thực hiện đầu tư công thì sửa, nhưng cần xác định rõ nguyên nhân vướng mắc ở đâu: ở khuôn khổ pháp lý hay do tổ chức thực hiện chưa tốt. “Nếu đổ thừa hết do luật thì không đúng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng nay, 20-9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Chính phủ trình bày Tờ trình về việc sửa đổi Luật Đầu tư công.

Được ban hành năm 2015, Luật Đầu tư công được coi là đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế cần được sửa đổi, hoàn thiện, như: một số quy định về quyền hạn, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương chưa cụ thể; thủ tục còn phức tạp; quy trình đầu tư được quy định chung cho tất cả các dự án, nguồn vốn; chưa xem xét đặc thù của từng loại dự án. Bên cạnh đó, một số quy định chưa thống nhất với các luật liên quan. Đặc biệt, một số vấn đề phát sinh trên thực tiễn vẫn chưa được luật điều chỉnh.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tên dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, tại Tờ trình số 382/TTr-CP, Chính phủ đề xuất sửa đổi toàn diện, 69/108 điều được sửa đổi, một số nội dung đổi mới về chính sách. Thường trực Ủy ban TCNS tán thành việc sửa đổi toàn diện. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hải chỉ rõ, trong số 106 điều luật thì có đến gần 30 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn, trong đó nhiều nội dung quan trọng không thuộc thẩm quyền hướng dẫn như: về các trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư ; thẩm định dự án; thẩm quyền quyết định dự án đặc biệt; thứ tự ưu tiên, lựa chọn danh mục dự án…

“Điều này một mặt không phù hợp thẩm quyền, mặt khác sẽ làm phát sinh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, không bảo đảm yêu cầu pháp điển hóa. Do đó, đề nghị Chính phủ quy định chi tiết tối đa các điều, khoản trong Dự thảo Luật, đảm bảo tính cụ thể, minh bạch, phù hợp về thẩm quyền. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền hướng dẫn, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định trình kèm Dự thảo Luật”, đại diện cơ quan thẩm tra yêu cầu.

Dự thảo Luật, theo ông Nguyễn Đức Hải, cũng chưa đáp ứng yêu cầu về tính bao quát, cụ thể. Nhiều vấn đề cần phải được sửa đổi, bổ sung, song trong Dự thảo Luật lại chưa đề cập đến, bao gồm vấn đề chuyển nguồn vốn đầu tư công; việc giải ngân và thẩm quyền kéo dài thời hạn giải ngân; việc quyết định danh mục đầu tư công, trường hợp điều chỉnh danh mục đầu tư công. Đặc biệt, nhóm vấn đề liên quan đến thẩm quyền, bao gồm thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND, HĐND, các bộ, ngành liên quan; cơ chế thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư; nguyên tắc, trình tự quyết định dự án PPP… cũng chưa được đề cập.

Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu quan trọng trong lần sửa đổi này là phải cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đối chiếu với Dự thảo Luật cho thấy, còn nhiều thủ tục chưa được đơn giản hóa, thậm chí một số quy trình, thủ tục còn phức tạp hơn như quy trình xử lý nguồn vốn ODA; quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm... Các quy định liên quan đến thẩm quyền Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND đã được Chính phủ chỉnh sửa theo hướng tăng cường phân cấp; thu hẹp các nội dung cần trình Quốc hội quyết định so với luật hiện hành; không quy định thẩm quyền của UBTVQH, điều này là chưa phù hợp với Luật NSNN, Nghị quyết 26 của Quốc hội và một số văn bản liên quan.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thống nhất quan điểm cái gì vướng mắc khó khăn trong thực hiện đầu tư công thì sửa, nhưng cần xác định rõ nguyên nhân vướng mắc ở đâu: ở khuôn khổ pháp lý hay do tổ chức thực hiện chưa tốt... Có những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện là do lần đầu tiên ban hành luật này và lần đầu tiên chuyển từ kế hoạch đầu tư công hàng năm sang trung hạn. Lúng túng đó là do chuyển đổi từ cơ chế cũ sang cơ chế mới chứ không phải do luật.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Luật Đầu tư công có những điểm bất cập, nhưng bất cập trong luật chỉ là một phần, còn phần nhiều hơn là do tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm. “Nếu đổ thừa hết do luật thì không đúng”, Chủ tịch Quốc hội nói và hứa trong lần họp tới của UBTVQH bà sẽ cung cấp rất cụ thể những ví dụ cho thấy triển khai Luật Đầu tư công không được là do triển khai thực hiện chứ không phải do luật.

Nhiều dự án chậm là do không giao được vốn

“Tính ra từ lúc Quốc hội ban hành công bố quyết định đầu tư đường cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành, sau 8 tháng chưa giao vốn và giờ sắp hết năm 2018 rồi mới mở thầu đường cao tốc, tôi e rằng lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT trước cử tri, trước Quốc hội rằng đến cuối nhiệm kỳ này sẽ thông tới chỗ này, chỗ kia thì tính khả thi có vấn đề.

Cái này do giao vốn. Chúng ta giao nhiều lần, có phải do luật hay không? Điều chỉnh quy mô vốn đầu tư cho to lên có phải do luật không? Khả năng cân đối vốn có phải do luật hay không? Vốn ít, không có tiền cân đối thì đâu phải do luật (...) Tôi đồng ý cái nào chưa đầy đủ, bất cập là sửa ngay, phải sửa; cái nào chưa thống nhất đồng bộ với các luật thì sửa. Nhưng 18 vấn đề sửa tôi đọc trong luật này, lẽ ra chúng ta phải thêm 1 vế nữa là trong việc thi hành Luật Đầu tư công, mấy nghị định hướng dẫn có gây khó khăn cho triển khai thực hiện hay không; hướng dẫn luật nhưng làm cho thủ tục nhiều hơn, gây khó khăn và có ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư công”.

(Lược ghi phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp)

Tin cùng chuyên mục