Tham vấn ý kiến dân để không thiên lệch

Thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, HĐND TPHCM được trao nhiều quyền lực hơn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu HĐND TP kiêm nhiệm và làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước nên cần có cơ chế tham vấn ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân. 

Việc này nhằm đảm bảo quyết định của HĐND TPHCM khi cụ thể hóa cơ chế, chính sách đặc thù không thiên lệch, hài hòa lợi ích của các bên và của Nhà nước. Đó là một trong các đề xuất của các chuyên gia trong việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. 

Tham vấn ý kiến dân để không thiên lệch ảnh 1 Di dân cơ học vào TPHCM ngày càng tăng. Ảnh: Việt Dũng
 Đánh giá tác động khi tăng thuế, phí

TS Trần Tuấn Anh, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM (HIDS), cho biết HIDS vừa tổ chức hội thảo ghi nhận góp ý của các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực trong việc tận dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, HIDS đưa ra đề xuất với UBND TPHCM để tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách mới vượt trội được quy định tại Nghị quyết 54, để TPHCM có sự bứt phá trong phát triển.

Theo HIDS, Nghị quyết 54 cho phép HĐND TPHCM đề xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn TPHCM. Mức thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

TS Trần Anh Tuấn phân tích, khi tăng thuế hoặc thuế suất sẽ tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Vì vậy, việc triển khai xây dựng đề án điều chỉnh mức thuế hoặc thuế suất là cần thiết. Trong đó, khi xây dựng đề án thì phải lượng hóa được các tác động của việc tăng thuế hoặc thuế suất đối với hoạt động của DN, đời sống của người dân. Đồng thời cần có thời gian tuyên truyền chính xác thông tin đến người dân, DN.

Tương tự, khi xem xét điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ phí (theo Nghị quyết 54) cho phù hợp với điều kiện phát triển của một đô thị đặc biệt cũng cần nghiên cứu một cách thận trọng, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và đời sống của người dân TP. Việc này nhằm đảm bảo việc tăng thuế/thuế suất hoặc điều chỉnh mức phí/tỷ lệ phí không gây ra tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh, không bị lợi dụng kích động phá hoại, gây mất an ninh trật tự.

Cùng với đó, do tính chất đặc thù của một đô thị đặc biệt, TPHCM có thể đề ra một số loại phí để điều tiết khoản thu phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng. Đó có thể là phí tác động, phí hạ tầng đô thị, phí phát triển… đối với những dự án gây áp lực lên cơ sở hạ tầng hiện hữu. “TPHCM có thể đặt hàng chuyên gia nghiên cứu các loại phí, lệ phí mới chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí”, TS Trần Anh Tuấn đề xuất, đồng thời nhấn mạnh đến yêu cầu đánh giá tác động của việc thực hiện loại phí, lệ phí mới này.

Kiềm hãm di dân vào TPHCM

Tham gia góp ý, PGS-TS Chế Đình Lý, nguyên Phó viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường - Đại học Bách khoa TPHCM, phân tích TPHCM có 2 điểm yếu chính là ngập úng và ùn tắc giao thông, do công tác quản lý đô thị của TPHCM còn nhiều bất cập. Do đó, PGS-TS Chế Đình Lý đề xuất đổi chương trình chống ngập thành chương trình “quản lý đô thị” theo hướng kỹ thuật sinh thái, đồng thời có cơ chế giãn dân nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Đồng tình, PSG-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, nhấn mạnh: “Vấn đề lớn nhất của TPHCM hiện nay là làm sao thoát khỏi tình trạng quá tải về hạ tầng”. Ông Hiệp phân tích, việc tập trung phát triển TPHCM khiến người dân ở các địa phương trên cả nước tiếp tục đổ xô di dân cơ học vào TP. Vì thế, tình trạng quá tải ở TPHCM lại càng thêm căng thẳng.

Theo PSG-TS Nguyễn Văn Hiệp, TPHCM từng xác định số dân 7 triệu người, nhưng hiện nay đã vượt rất nhiều. Trong tương tai, dân số TP còn tiếp tục tăng, không phải chỉ 15 hay 17 triệu người, mà còn hơn nữa. Nghĩa là, dù TPHCM phấn đấu để tăng trưởng, phát triển thêm nhưng rồi bị “dòng chảy” này cuộn lại và tiếp tục loay hoay với bài toán quá tải hạ tầng. Vì vậy, điều tiên quyết mà TPHCM cần phải giải quyết là kìm hãm sự di dân cơ học vào TP.

“Đây là bài toán khó, không thể giải quyết bằng các biện pháp thông thường”, PSG-TS Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh và đề xuất giải quyết vấn đề này bằng tầm nhìn vùng. Một trong những giải pháp quan trọng là phải tạo được sự phát triển giữa các địa phương (ít nhất là trong vùng kinh tế trọng điểm TPHCM) tương đối đồng đều, tránh mạnh ai nấy làm.

HIDS cũng cho rằng cần thực hiện cơ chế, chính sách liên kết vùng có hiệu quả. Trước tiên là tổ chức nghiên cứu dự thảo luật hoặc pháp lệnh về liên kết vùng. Việc soạn thảo một văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh các vấn đề mới (từ báo cáo đánh giá thực trạng, đề xuất các quy định đến đánh giá tác động) là rất phức tạp, cần phải được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia có năng lực.

Tin cùng chuyên mục