Thận trọng khi thực hiện cho thuê rừng

Báo cáo về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 16-3, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Tờ trình số 68/TTr-CP ngày 01/3/2017 của Chính phủ trình Quốc hội tên gọi của Luật là “Luật Bảo vệ và phát triển rừng”. Tuy nhiên, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét đổi tên thành “Luật Lâm nghiệp”.

(SGGPO).- Báo cáo về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 16-3, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Tờ trình số 68/TTr-CP ngày 01/3/2017 của Chính phủ trình Quốc hội tên gọi của Luật là “Luật Bảo vệ và phát triển rừng”. Tuy nhiên, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét đổi tên thành “Luật Lâm nghiệp”.

UBTVQH đã cho ý kiến về tên gọi và nhiều vấn đề quan trọng khác trong dự án luật này. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nói: “Tên gọi Luật Lâm nghiệp thì ngắn gọn hơn, nhưng lại không “trúng” vào mục tiêu, nhiệm vụ của luật này là Bảo vệ và Phát triển rừng”. Ông Bình đề nghị giữ như tên gọi trước.

Rừng giao khoán của Công ty TNHH Thuận Tân (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) bị chặt phá để trồng cây công nghiệp

Bày tỏ quan tâm đến hai vấn đề mới được quy định trong dự thảo luật là chuyển từ giao sang cho thuê rừng và làm dịch vụ trong rừng, ông Phan Thanh Bình băn khoăn: “Cần phải nghiên cứu, quy định rõ hơn về việc cho thuê rừng, vì khi đó quyền của chủ thuê rừng sẽ lớn hơn; quan hệ giữa đối tượng này với đồng bào dân tộc đang sống trong rừng sẽ ra sao? Rồi quan hệ với kiểm lâm sẽ như thế nào, hay kiểm lâm chỉ có quyền vòng ngoài với rừng đã cho thuê? Cho thuê như vậy có dẫn đến chia cắt rừng hay không, tài nguyên có bị ảnh hưởng không?”…

Theo quan điểm của ông Phan Thanh Bình, bảo vệ rừng hiện là nhiệm vụ rất cấp bách, nên giao đích danh trách nhiệm cho chủ tịch tỉnh/huyện chứ không ghi chung chung là “UBND tỉnh hoặc huyện”…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt tỏ ra rất bức xúc về tình trạng “bóc lột” rừng và bất công trong phân chia nguồn lợi từ rừng. “Chúng ta chỉ tập trung khai thác mà hầu như không đầu tư trở lại cho rừng. Nước bạn Lào cứ chặt 1 cây, phải trồng lại 1 cây, ta thì chặt trăm cây mới trồng 1. Nếu trước đây “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù, thì dường như rừng bây giờ chỉ làm giàu cho lâm tặc chứ người trồng rừng, giữ rừng cũng không được hưởng bao nhiêu”, ông Việt nói. Cần có chính sách đặc thù đối với rừng biên giới, rừng phòng thủ; chính sách tạo điều kiện cho người trồng rừng, giữ rừng khai thác nguồn lợi chính đáng từ rừng và trao quyền mạnh mẽ hơn nữa cho lực lượng kiểm lâm.

Chỉ ra nhiều điểm “vênh” giữa dự thảo luật này với nhiều luật khác có liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra chú trọng quy định hoạt động kinh doanh thương mại lâm sản trên nguyên tắc lấy nguồn thu từ rừng để quay lại đầu tư, phát triển rừng, giúp người dân làm giàu từ rừng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý, trong 97 điều của dự thảo luật có tới 26 điều (gần 1/3) giao Chính phủ quy định chi tiết, như vậy là chưa cụ thể. Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ đồng tình với quan điểm thiết kế những chính sách, chế độ quản lý riêng đối với rừng biên giới và gợi ý nên nghiên cứu trồng các loại cây đặc thù ở những khu vực này…

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục