Tháng 8, UBTVQH tiếp tục xem xét dự án Luật Đặc khu

Một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Đặc khu) sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục xem xét, cho ý kiến trong phiên họp thường kỳ tháng 8 tới đây (diễn ra từ ngày 8 đến ngày 13-8). 

 


Đảo Phú Quốc, một trong 3 địa điểm dự kiến xây dựng đặc khu
Đảo Phú Quốc, một trong 3 địa điểm dự kiến xây dựng đặc khu

Cũng trong phiên họp này, UBTVQH sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016” và tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trước đó, dự án Luật này đã được điều chỉnh thời gian thông qua từ kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2018) sang kỳ họp sau của Quốc hội để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật cho thật sự chất lượng.

Theo tài liệu tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, gần đây các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn tiếp tục thành lập thêm các đặc khu hoặc hoàn thiện các thể chế, chính sách áp dụng cho các đặc khu hiện có như Trung Quốc thành lập đặc khu kinh tế Tiền Hải (2013), Hùng An (2017) và bổ sung chính sách đặc khu kinh tế Hải Nam (tháng 5-2018). Một số nước khác như Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản... năm 2015 vẫn tiến hành các công việc trên. Xu thế phát triển của các đặc khu trên thế giới là hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đơn giản thủ tục hành chính, giải quyết nhanh gọn yêu cầu của nhà đầu tư, người dân theo cơ chế "một cửa, tại chỗ", trực tuyến trên mạng và tập trung thu hút các ngành công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao của các nước phát triển, nhất là phương Tây, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Vẫn theo tài liệu nêu trên, để đảm bảo chủ quyền, quyền và lợi ích của phía Việt Nam, dự thảo luật quy định chặt chẽ việc áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế và việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài không được gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng theo quy định của luật và không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam và đặc biệt là chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Bên cạnh nội dung trên, trong khuôn khổ phiên họp thứ 26, UBTVQH còn cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đặc biệt, UBTVQH sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016” và tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục