Thành công nhờ nghĩ khác

“Doanh nhân trẻ đi lên từ hai bàn tay trắng như tôi chẳng có gì đặc biệt bởi điều đó không phải là cá biệt trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay”, đó là câu trả lời đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với anh. Và cuộc trò chuyện với người giám đốc trẻ ấy còn nảy sinh nhiều bất ngờ khác.
Thành công nhờ nghĩ khác

“Doanh nhân trẻ đi lên từ hai bàn tay trắng như tôi chẳng có gì đặc biệt bởi điều đó không phải là cá biệt trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay”, đó là câu trả lời đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với anh. Và cuộc trò chuyện với người giám đốc trẻ ấy còn nảy sinh nhiều bất ngờ khác.

  • Từ anh bảo vệ đến ông giám đốc

Đang học lớp 4 ở một xã nghèo thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình, Lê Mạnh Hùng theo chị vào vùng kinh tế mới Di Linh, Lâm Đồng nhưng rồi đồng lương giáo viên của người chị cũng không kham nổi việc học của em nên đang học dở lớp 9, Hùng nghỉ ngang để theo đám thanh niên trong vùng lên rừng khai thác đá quý. Nói là khai thác đá quý cho oai chứ bé loắt choắt nên thật ra cậu chỉ làm những việc vặt như nấu cơm, phụ giúp các đàn anh. Rồi chuyện gì đến phải đến, sau mấy tháng ngắn ngủi trong rừng cậu bị những cơn sốt rét quật ngã. Chịu không thấu, cậu lò dò trở ra.

Thành công nhờ nghĩ khác ảnh 1

Anh Lê Mạnh Hùng (bìa phải) và một khách hàng. Ảnh: T.L.

Lần này, cậu dạt về đồng bằng sông Cửu Long sống với một người chị khác và xin vào làm bảo vệ cho Công ty Vàng bạc đá quý Vĩnh Long. Không ngờ cái vị trí tầm thường đó lại là khởi điểm cho những ngã rẽ cuộc đời của Hùng sau này. Số là, ngoài thời gian làm bảo vệ cho công ty, Hùng thường lân la giúp những người thợ làm những việc lặt vặt. Thấy cậu bé dễ thương và chịu khó, mấy người thợ bèn bảo, nếu chịu học nghề thì họ sẽ chỉ cho. Thời điểm những năm 1989-1990 thì đó là một lời đề nghị quá hấp dẫn bởi người bình thường muốn học nghề bạc phải tốn không ít tiền. Lẽ dĩ nhiên, Hùng gật đầu cái rụp.

Vừa làm bảo vệ, vừa tiếp tục làm chân sai vặt, đồng thời tận dụng những khoảng thời gian ngắn ngủi để học nghề, những cố gắng đó đã không phụ lòng chàng trai nghèo nhiều ý chí. Chỉ khoảng 1 năm sau, Hùng tiến bộ vượt bậc, để rồi từ một anh bảo vệ Hùng được chính thức ký hợp đồng làm thợ gia công kim hoàn cho công ty. Có lẽ không ít người trong hoàn cảnh ấy sẽ bằng lòng với công việc đó nhưng Hùng thì không. Anh bỏ ngang công việc đang an nhàn tại Vĩnh Long để khăn gói lên Sài Gòn tìm tương lai mới với hành trang là niềm tin mãnh liệt ở chính bản thân mình.

Tuy nhiên, khi đối diện thực tế, anh vỡ lẽ một điều đơn giản: Chẳng ai dám giao hàng cho một “thằng nhà quê” lại không quen, không biết và cũng chẳng công ty nào chịu nhận một người như anh. Hùng lang thang đó đây vô định. Rồi như một duyên may, anh tình cờ giúp một người gặp tai nạn trên đường, không ngờ người đàn ông đó là một thợ bạc đang làm tại Trung tâm Thương mại Bến Thành. Để trả ơn, người đàn ông này đã giới thiệu Hùng vào làm ở đó. Nói là vào làm nhưng thật ra là đặt một cái bàn nhỏ dọc hành lang trung tâm rồi chờ các chủ cửa hàng vàng bạc hoặc khách mua hàng có nhu cầu sửa chữa sản phẩm thì nhận làm.

Tuy nhiên, do lạ nước, lạ cái nên ban đầu chẳng có ma nào đến chỗ của anh cả. Rảnh quá, anh lại lân la đi… phụ việc, học hỏi những người thợ ở đây. Dễ thương lại nhanh nhẹn, một số chủ hàng bắt đầu đưa hàng cho anh làm thử. Rồi người này giới thiệu người kia vì thấy hàng làm đẹp, cứ thế mối hàng ngày càng nhiều đến độ làm không xuể nên Hùng bắt đầu tìm thợ về cùng làm.

Đến giai đoạn này anh lại bắt đầu nảy sinh suy nghĩ khác bởi có những sản phẩm anh làm tâm huyết nhưng bị chê hoặc chủ cửa hàng không chấp nhận. Thế là anh gom góp vốn liếng và vay mượn thêm, được khoảng 50-60 cây vàng, để mở một tủ hàng nhỏ. Công việc kinh doanh tiến triển tốt cộng với 3 lần tham gia cuộc thi do SJC tổ chức trong các năm 2000, 2001 và 2002 anh đều có sản phẩm đoạt giải, thế là dấn thêm một bước, năm 2002 anh chính thức thành lập công ty.

  • Hướng đến dòng sản phẩm cao cấp

Mở công ty rồi, đọc báo thấy mọi người nói đến thương hiệu, vậy là Hùng bắt đầu nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu cho công ty mình. Muốn xây dựng thương hiệu, Hùng nghĩ phải có cái riêng biệt, tức phải tìm một phân khúc thị trường mà chưa có ai đặt chân vào. Tính đi, tính lại trên thị trường vàng và nữ trang, SJC đã rất nổi tiếng với sản phẩm vàng miếng, PNJ thì có thế mạnh là vàng nữ trang, thế là anh đi đến một quyết định táo bạo: đi vào dòng sản phẩm cao cấp, đắt tiền như kẹp cravate, đầu dây nịt, hộp name card, bút, lược, trâm cài tóc,… Những sản phẩm ban đầu trong dòng sản phẩm cao cấp này đã được Cửu Long tung ra thị trường.

Tuy nhiên, theo Hùng đây chỉ là những động thái thăm dò bởi anh biết, để dòng sản phẩm này đến được với khách hàng là cả một chặng đường dài, rất dài phía trước. Thật ra, cũng có nhiều người cho rằng anh “ngông” khi chọn một hướng đi nhiều bất trắc như thế, bởi theo họ nếu muốn xài hàng hiệu đắt tiền thì người ta sẽ tìm đến với những hãng tên tuổi chứ chơi làm gì cái gọi là “hàng hiệu Việt Nam”. Thế nhưng, theo Hùng, không phải ngẫu nhiên anh chọn phân khúc thị trường này.

Theo anh, nếu thị trường Việt Nam không phải là một thị trường tiềm năng thì những tên tuổi lớn trên thế giới đã không tìm đến và chấp nhận lỗ để thương hiệu của họ xuất hiện. Nói cách khác, đi vào hướng này là đầu tư cho tương lai, tại sao mình cứ tranh chấp phân khúc thị trường thấp trong khi thị trường cấp cao thì bỏ trống cho “người ta ăn”? Không bắt đầu bây giờ thì mai sau sẽ không có gì cả. Hiện tại, vẫn lấy ngắn nuôi dài, vẫn làm hàng gia công, vàng nữ trang và tìm hướng đi cho dòng sản phẩm cao cấp của mình, nhưng như anh nói: “Có thể sẽ thất bại nhưng đã nghĩ ra được rồi thì không thể không đi. Đơn giản vì không đi thì làm sao có thể về đích? Tôi quan niệm đã lao vào kinh doanh thì phải có hoài bão lớn và dám làm”.

  • Nghĩ đến người khác

Có lẽ không có nhiều ông chủ tiệm vàng “chịu chơi” như Hùng khi sẵn sàng thuê công nhân xuất thân là những người đánh giày, bán vé số, bụi đời, sinh viên nghèo… Có lẽ quá khứ từng vất vả lăn lộn với cuộc đời đã cho anh một cái nhìn nhân bản hơn. Chuyện kể, có lần thấy báo đăng công ty anh đã nhận khá nhiều trường hợp trẻ bán vé số, bụi đời vào làm, một anh bạn trẻ quê Đắc Lắc đã tìm đến anh xin vào làm. Đến nay, Khải – tên người thanh niên đó - là một trong những thợ chính của Công ty Cửu Long.

Đó chỉ là một trong số vài chục trường hợp trưởng thành từ môi trường công ty của Hùng. Có người vẫn tiếp tục làm với anh, có người ra mở tiệm, có người đi làm ở công ty khác, có người lấy vợ ra nước ngoài, tất cả đều có cuộc sống ổn định, một điều mà có lẽ những ngày lang bạt với xấp vé số hoặc hộp đánh giày họ không dám nghĩ tới.

Cứ thế, ông chủ trẻ ấy hiện vẫn sống với anh em thợ trong căn nhà thuê để chia sẻ với họ những chiêm nghiệm rút tỉa từ cuộc sống như một người anh trai chân thành. Nếu có người thợ nào lập gia đình, anh đều cố gắng chu tất cho họ. Anh bảo, đó cũng là cách để tri ân những nghĩa tình mà anh đã từng nhận, cũng như cái tên Cửu Long mà anh lấy làm tên công ty của mình là để nhớ một đoạn đời nhiều nhọc nhằn và cũng để tri ân một vùng đất với những anh Hai, anh Ba Nam bộ sống hết sức nghĩa tình, một nghĩa tình để cho anh có được như ngày hôm nay.

GIA BÌNH – HỒNG LOAN

Tin cùng chuyên mục