Thành phố bao dung, nghĩa tình

Có chứng kiến niềm vui của những người sống lang thang, những bệnh nhân nghèo khi nhận chiếc bánh chưng được trao tặng, mới thấy hết cái tình, cái nghĩa của người TPHCM.
Thành phố bao dung, nghĩa tình

Có chứng kiến niềm vui của những người sống lang thang, những bệnh nhân nghèo khi nhận chiếc bánh chưng được trao tặng, mới thấy hết cái tình, cái nghĩa của người TPHCM.

Người thành phố là thế! Làm việc nghĩa như một “thao tác” bình thường, thấy việc nên làm thì làm, giúp người trong khả năng của mình. Với họ, dù ít cũng không ngại, dù nhiều cũng chẳng đòi hỏi trả ơn. Người thành phố thực tế, giúp người một cách cụ thể, ít nói lời văn chương. Tử tế là mạch sống tình người hàng ngày của người thành phố, nhất là mỗi độ tết đến, xuân về.

Quà tuy nhỏ nhưng thật ấm lòng

Dáng người nhỏ bé, chị Trần Thị Ngọc Phương, 33 tuổi, công nhân vệ sinh (Công ty Dịch vụ công ích quận 3) ngồi lọt thỏm trong hội trường buổi trao quà tết công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do Liên đoàn Lao động quận 3 (TPHCM) tổ chức. Trên người vẫn mặc nguyên bộ quần áo công nhân, mồ hôi rịn ra ướt trán, sáng nay được nhận quà tết, chị Phương tranh thủ làm nhanh cho xong công việc rồi chạy đến đây nên chưa kịp thay bộ quần áo khác. 33 tuổi, chị phải một thân một mình bươn chải lo cho 3 đứa con ăn học. Chồng chị ngày trước cũng là công nhân vệ sinh, sau đó sinh thói rượu chè, mắc bệnh, ở nhà lại càng nhậu nhẹt làm khổ vợ con. Sau nhiều năm chịu đựng, chị ôm các con chạy trốn khỏi người chồng tệ bạc. Đồng lương công nhân vệ sinh mỗi tháng hơn 5 triệu đồng, tốn 2 triệu đồng thuê nhà trọ, số còn lại không đủ để lo cho các con vừa ăn, vừa học. Quyết không để con thất học, ngoài công việc chính, thời gian còn lại chị Phương nhận làm giúp việc nhà theo giờ. Có nhiều hôm đến tối mịt chị mới về đến căn phòng trọ, nhìn các con ôm nhau ngủ chị Phương thấy bao mệt nhọc đều tan biến hết.

Niềm vui của trẻ mồ côi, khuyết tật khi nhận được bao lì xì

Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó của mẹ mà các con chị Phương không phải lo đói chữ. “Cũng có những tháng các con thay nhau bệnh, tiền nhà không đủ đóng, gạo, muối, nước mắm được cô chủ nhà cho mua thiếu. Chính tấm lòng của cô chủ nhà trọ mà cả nhà em vượt qua được khó khăn”, chị Phương chia sẻ.

Cầm trên tay gói quà tết và bao lì xì, chị Phương bảo các con chị sẽ vui lắm khi mẹ mang quà về. Còn chị thấy rất ấm lòng, bởi nhiều năm nay chị luôn nhận được sự quan tâm của mọi người. Hỏi chị có điều ước gì khi mùa xuân đến, chị cười bảo mong sao những người ngồi đây nhận quà, sang năm sẽ có cuộc sống sung túc hơn. Khi chị cười tôi mới thấy hai hàm răng chị khuyết rất nhiều răng. Như hiểu được ý tôi muốn hỏi gì, chị Phương lúng túng nói: “Ráng lo cho con trước, khi nào có dư thì mới tính tới chuyện làm răng”.

Già này có tết rồi

Đã 17 năm nay, chương trình cây mùa xuân “Thắp sáng lòng nhân ái” do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM đã mang niềm vui, mùa xuân đến với những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, những người khuyết tật đang từng ngày cố gắng lao động, mưu sinh và cả những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo. Nhìn chồng ôm cô con gái nhỏ trong lòng để xem các tiết mục biểu diễn văn nghệ, Trịnh Thị Duyên, 25 tuổi, quê Nghệ An (sống tại Cơ sở khuyết tật An Phúc quận Bình Thạnh, TPHCM) mỉm cười nhưng mắt đỏ hoe. “Anh ấy mắc bệnh u xương, bác sĩ trả về nhà rồi chị. Giờ cuộc sống của anh ấy chỉ tính được từng ngày. Có lẽ đây là lần xem biểu diễn văn nghệ và cái tết cuối cùng anh ấy ở bên mẹ con em”, Duyên nghẹn lời. 2 vợ chồng khuyết tật, gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Nhờ cố gắng, chăm chỉ làm việc, cuộc sống của vợ chồng Duyên cùng cô con gái nhỏ rất hạnh phúc và ổn định. Nhưng từ khi chồng bệnh, những đồng tiền dành dụm cho mùa xuân này đã đội nón ra đi. “Trong khó khăn, em nhận được rất nhiều sự giúp sức. Dù phải sống xa quê, nhưng TPHCM đã không bỏ rơi chúng em những lúc khó khăn. Hôm nay nhận được món quà xuân ý nghĩa của tình người Sài Gòn, em sẽ cố gắng cùng chồng đón một mùa xuân vui tươi, hạnh phúc”, Duyên bày tỏ.

Với những người khuyết tật, trẻ mồ côi, chương trình cây mùa xuân đã thật sự mang hơi ấm, niềm vui sống đến với họ trong những ngày tết đã cận kề. “Lâu lắm rồi tôi đâu có được xem ca nhạc. Chân tôi vốn yếu, tháng trước lại bị té gãy xương nên nghĩ năm nay không có tết. Giờ có quà chăm lo, tôi an tâm trong nhà có chút hương xuân”, cô Nguyễn Thị Khuê (56 tuổi, quê Kiên Giang) vui mừng chia sẻ.

Thanh niên khuyết tật đang sinh sống tại TPHCM cũng rất ấm lòng khi nhận được những món quà xuân do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM trao tặng. Không chỉ có quà, thanh niên khuyết tật còn được tham gia ngày hội “Xuân yêu thương” với nhiều hoạt động, sân chơi bổ ích. Khập khiễng bước đi tham quan khu viết thư pháp, anh Vũ Lai Tuấn (45 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) nói: “Nhiều mùa xuân rồi được sự quan tâm của Thành đoàn, tôi thấy ấm áp lắm. Hạnh phúc là trong khó khăn, mọi người vẫn nhớ đến mình. Đây là động lực để tôi tiếp tục vững bước trên con đường mưu sinh”. Với anh Tuấn, còn sức để đi bán vé số tự lo cho bản thân là anh đã may mắn hơn rất nhiều người. Còn với ông Lê Hữu Phước 67 tuổi, quê tận Quảng Ngãi, sống bằng nghề nhặt ve chai, lại khóc vì vui sướng. Ông khóc không phải vì được nhận bánh chưng xanh - món quà ngày tết, biểu trưng ngày sum họp gia đình, mà là vì lòng nhân ái của người Sài Gòn dành cho ông. Nét mặt ông Phước rạng ngời: “Có bánh chưng ăn, già này có tết rồi! Tôi sống xa quê, người dân Sài Gòn lại cho tôi thấy tình người thật bao dung, nặng nghĩa tình”.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục