Thành phố đẹp hơn nhờ thiết kế đô thị

Việc lập thiết kế đô thị nhằm từng bước xây dựng thành phố đẹp hơn. Đối với những khu vực, tuyến đường đã có thiết kế đô thị thì người dân, doanh nghiệp khi xây dựng mới sẽ được yêu cầu xây theo các tiêu chí này.

 

Các công trình thương mại, nhà ở cao tầng dọc xa lộ Hà Nội xây dựng không có hàng rào, kết hợp trồng cây xanh Ảnh: HUY ANH
Các công trình thương mại, nhà ở cao tầng dọc xa lộ Hà Nội xây dựng không có hàng rào, kết hợp trồng cây xanh Ảnh: HUY ANH

Ở một số tuyến đường trên địa bàn TPHCM đã có thiết kế đô thị từ nhiều năm qua như xa lộ Hà Nội, đường Võ Văn Kiệt... và cảnh quan kiến trúc trên các tuyến đường này cũng đẹp hơn rất nhiều. 

Với nhu cầu phát triển dọc 2 bên các trục đường chính của TPHCM diễn ra nhanh chóng, năm 2014, UBND TPHCM đã phê duyệt Đồ án thiết kế đô thị và Quy chế quản lý kiến trúc 3 trục đường: Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng và xa lộ Hà Nội. Theo đó, cùng với các đồ án quy hoạch 1/2000 đã được phê duyệt, thiết kế đô thị 3 tuyến đường trên là căn cứ quan trọng để các địa phương cấp giấy phép xây dựng cho người dân và giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp. Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, các quy chế quản lý là công cụ phù hợp và hữu ích để hình thành cảnh quan đô thị khang trang, sự đồng bộ trong kiến trúc trên các trục đường; đồng thời, tạo sự công bằng, minh bạch cũng như điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng của người dân. 

Xa lộ Hà Nội là trục cửa ngõ quan trọng về phía Đông - Bắc nên dọc tuyến phát triển các khu đô thị mới với mức độ tập trung cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Theo thiết kế được duyệt, dọc theo trục xa lộ Hà Nội được phát triển mới các trung tâm đô thị như: khu trung tâm đa chức năng cấp thành phố tại khu vực cảng Phước Long, Trung tâm Thể dục Thể thao Rạch Chiếc, Khu Công nghệ cao, Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, Khu Đại học Quốc gia, các trung tâm giao thông công cộng tại các nhà ga Metro… Đồng thời, TP cũng yêu cầu bảo tồn cấu trúc một số đô thị hiện hữu như khu vực biệt thự Thảo Điền, một số khu vực dân cư thấp tầng tại phường An Phú, một phần mô hình đô thị khu biệt thự Làng Đại học, một số khu dân cư hiện hữu trên địa bàn các phường Phước Long A, Hiệp Phú, Tân Phú (quận 9) và phường Bình Thọ (quận Thủ Đức).

Ghi nhận thực tế về kiến trúc, cảnh quan dọc tuyến xa lộ này cho thấy, hiện nhiều cơ sở công nghiệp và kho tàng gây ô nhiễm đã được di dời, nhường chỗ cho các khu dân cư, công viên cây xanh, đường đi bộ công cộng… Các công trình nhà ở dọc 2 bên đường được xây dựng với mức độ tập trung cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Chiều cao các công trình xây dựng trên toàn tuyến đường có chiều cao giảm dần từ trung tâm thành phố ra hướng ngoại thành; thấp dần về phía bờ sông, rạch. Các công trình thương mại, đa chức năng và nhà ở cao tầng xây dựng không có hàng rào hoặc hàng rào thiết kế thoáng, kết hợp cây xanh trông rất đẹp mắt. 

Tương tự, trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ đi qua 4 khu vực lớn: đô thị mới Thủ Thiêm, trung tâm tài chính, văn phòng lâu đời ở quận 1, trung tâm buôn bán mang sắc thái người Hoa ở quận 5 và vùng cảnh quan sông nước mang đậm dấu ấn “trên bến dưới thuyền” của miền Tây Nam bộ ở quận 6 và quận 8. Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng đưa ra ý tưởng giữ lại một số kiến trúc của Pháp tiêu biểu cho Sài Gòn xưa ở khu trung tâm tài chính, văn phòng lâu đời ở quận 1. Các kiến trúc hiện đại hài hòa với không gian chung. Khu vực quận 5 giữ lại các đặc trưng hoạt động thương mại nhộn nhịp của người Hoa. Đặc biệt, khu vực quận 6 và 8, dự kiến sẽ hình thành một khu chợ nổi để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán của người dân vừa tái hiện không gian của những ngày đầu hình thành nên Sài Gòn - Chợ Lớn - TPHCM. Riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những kiến trúc hiện đại, xứng tầm là trung tâm tài chính, thương mại lớn không chỉ của TPHCM mà còn cả khu vực. Hiện dòng kênh Tàu Hủ trên tuyến đường này đã sạch đẹp, trong xanh hơn. Những khu nhà ổ chuột xập xệ trước đây đã được giải tỏa. Dọc 2 bờ kênh thuộc các quận 5, 6, 8… vẫn còn nhiều ngôi nhà có kiến trúc rất đẹp và rất đặc trưng. TP cũng đã bảo tồn, tôn tạo một số cảnh quan, kiến trúc tiêu biểu, tạo điểm nhấn cho tuyến đường. Hiện khu vực này vẫn còn khoảng hàng trăm ngàn căn nhà có tuổi đời trên 100 năm. Con đường này đã trở thành một trong những đại lộ hiện đại, đẹp nhất phía Nam. Giờ đây, ven kênh là những công viên, công trình công cộng cây xanh nhìn rất mát mắt. 

Đường Phạm Văn Đồng là trục giao thông mới, trùng với hướng phát triển mới của TP nên có kết hợp phát triển đô thị với các hoạt động thương mại dịch vụ. Giao thông công cộng sẽ là loại hình được ưu tiên phát triển. Công tác chỉnh trang đô thị đặc biệt được quan tâm bởi khu vực này còn nhiều khu dân cư xập xệ, cơ sở sản xuất cần được di dời… Không gian kiến trúc đô thị trên đường Phạm Văn Đồng hiện được xây dựng theo hướng nén dần về hướng Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, Bình Thạnh) và giãn dần về hướng quận Thủ Đức. 

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, cho biết để nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, Sở Quy hoạch và Kiến trúc tiếp tục phối hợp với các quận huyện thực hiện tiếp 35 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị và thiết kế đô thị trong thời gian từ nay đến năm 2020, tập trung vào các khu vực quan trọng, nút giao thông trên các trục đường huyết mạch.

Tin cùng chuyên mục