Thành phố Hồ Chí Minh: Tiên phong cơ chế đặc thù

Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo của TPHCM qua nhiều thời kỳ, tại cuộc làm việc với Thủ tướng, lãnh đạo TP tiếp tục đề xuất nhiều vấn đề lớn, trong đó có cả đề xuất thí điểm quy trình mang tính đặc thù, đầu tiên cả nước.
Xa lộ Hà Nội đoạn qua quận 9, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Xa lộ Hà Nội đoạn qua quận 9, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

TPHCM phải là địa phương đi trước trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng TP thông minh, đô thị sáng tạo, chính phủ điện tử, cải cách hành chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh với các TP khác trong khu vực ASEAN. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với TPHCM mới đây (ngày 12-4) về phát triển kinh tế - xã hội TP; kỳ vọng TP tiếp tục là một trong những đầu tàu quan trọng, là trung tâm lớn, hiện đại của đất nước.

Với tâm thế mong muốn lắng nghe, cùng tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển TPHCM, tháp tùng Thủ tướng có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo cao nhất của các bộ, ngành: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể…; và các đồng chí Thứ trưởng.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt TPHCM tham dự và tiếp đoàn: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP và lãnh đạo các sở ngành TP.

Chủ động làm và đề xuất nhiều vấn đề lớn

Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo của TPHCM qua nhiều thời kỳ, tại cuộc làm việc với Thủ tướng, lãnh đạo TP tiếp tục đề xuất nhiều vấn đề lớn, trong đó có cả đề xuất thí điểm quy trình mang tính đặc thù, đầu tiên cả nước. 

Đồng chí Nguyễn Thành Phong phát biểu cho biết, vừa qua UBND TP đã dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy trình đặc thù rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về quy trình này nhằm gỡ điểm nghẽn để đẩy nhanh đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng TP. 

Đồng thời, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao TP thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ KH-ĐT. Cùng với đó, chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách trung ương với số tiền là 2.158,5 tỷ đồng, UBND TP chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng ngay sau khi được Bộ KH-ĐT bố trí kế hoạch vốn cho dự án. Trong trường hợp ngân sách trung ương không thể tạm ứng cho dự án, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho UBND TP được thực hiện tạm ứng từ ngân sách TP với số tiền 2.158,5 tỷ đồng.

TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TPHCM; cũng như cho phép TP tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án; ngân sách trung ương sẽ bố trí hoàn trả lại theo hướng bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.

Ngoài ra, để đảm bảo tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt danh mục doanh nghiệp giữ 100% vốn nhà nước, lộ trình cổ phần hóa và tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ khi bán cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc TPHCM giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, chỉ đạo Bộ TN-MT khẩn trương rà soát để ban hành theo thẩm quyền Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 của Chính phủ về chuyển DNNN và Công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tiên phong cơ chế đặc thù ảnh 1 Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - một trong những dự án trọng điểm được TPHCM đầu tư - mới đưa vào sử dụng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tăng tốc thực hiện kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ 5 năm

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành trung ương đã dành sự quan tâm khi có hai cuộc làm việc với TPHCM chỉ trong vòng 3 tháng, đồng thời nhấn mạnh sau cuộc họp lần trước với Thủ tướng, TPHCM làm được nhiều việc. Trong đó, xác định tinh thần năm 2019 là năm TPHCM tăng tốc để thực hiện kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ 5 năm.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, ngay từ quý 1-2019, TP rà soát lại dự báo tình hình không chỉ của năm 2019 mà kể cả đến năm 2020 và phải làm tốt hơn để cuối nhiệm kỳ hoàn thành các nhiệm vụ. Sau cuộc họp với Thủ tướng cách đây 3 tháng, TPHCM đã tập trung rà soát lại kế hoạch; trực tiếp Bí thư Thành ủy TP và Chủ tịch UBND TP đã làm việc với tất cả sở ngành, quận huyện để rà soát lại với tinh thần chung những nội dung nào có nguy cơ không hoàn thành thì phải chỉ rõ giải pháp.

Ban thường vụ Thành ủy TP cũng đã họp, nhận xét về 13 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm, nhìn nhận triển vọng 11 chỉ tiêu hoàn thành, 2 chỉ tiêu khó hoàn thành. Với 7 chương trình đột phá, TP đã rà soát lại, chỉ rõ những chương trình hoàn thành và cái chưa hoàn thành để phấn đấu hoàn thành tối đa trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ này.

Ngoài những vấn đề trên, vừa qua, TPHCM cũng đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy môi trường đầu tư, như tổ chức hội nghị giải ngân đầu tư công, tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức hội thảo quốc tế về hợp tác công tư, tổ chức gặp các nhà đầu tư bất động sản, tổ chức hội thảo nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tổ chức tổng kết thi đua cải cách hành chính, với năm 2019 đột phá khâu giải quyết hồ sơ.

“TPHCM cam kết với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục là địa phương có năng suất lao động và mức thu ngân sách cao nhất cả nước. Ngoài ra, TP sẽ đi đầu thí điểm về xây dựng đô thị thông minh, tiên phong khai thác cơ hội ứng dụng thành quả cách mạng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cải cách hành chính”

Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN THIỆN NHÂN

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, TPHCM vẫn còn một số hạn chế, cần khắc phục như lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại; quy hoạch và đất dành cho dịch vụ đô thị, quy hoạch xây dựng đô thị không đồng bộ nên cần thay đổi trong thời gian tới; thu hút của TPHCM đối với lĩnh vực chế biến, chế tạo còn thấp.

Đồng chí cũng chỉ ra bất cập khi các công trình lớn ngay tại TP nhưng TP không có thẩm quyền làm, lại vừa không có vốn. Như đường Vành đai 3 rất quan trọng với TPHCM; dù nhân lực sẵn sàng nhưng đất không sẵn sàng, hạ tầng không sẵn sàng thì nhà đầu tư cũng không đến. TP muốn làm sớm nên xin cơ chế đi vay và Trung ương trả sau.

“TPHCM sẽ cùng các tỉnh bỏ tiền giải phóng mặt bằng trước (khoảng 3.000 tỷ đồng), còn nếu chờ 5 năm nữa số tiền này sẽ cao hơn nhiều lần. Nếu đợi đến nhiệm kỳ sau thì dân số TP lại tăng thêm 1 triệu người. Cứ 5 năm TP tăng thêm 1 triệu xe máy, 2 nhiệm kỳ thêm 2 triệu xe, tổng cộng là 10 triệu xe thì không có đường để đi”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lý giải.

Trong khi đó, theo đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, phần nộp ngân sách của TP quá lớn, phần giữ lại quá ít. Dân số TPHCM chiếm 9,5% dân số cả nước, đúng ra phải được dùng 9,5% ngân sách (hiện chỉ được dùng 5,2%). Đây là sự mất cân đối trầm trọng khiến TP không còn nguồn lực tài chính công để đầu tư cho hạ tầng.

Về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân báo cáo cho biết, TPHCM sẽ xây dựng khu công nghiệp hơn 360ha phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, tìm kiếm và mời gọi nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến đến đầu tư tại TP; trong đó có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư. TP cùng với Bộ TN-MT tiên phong trong việc thí điểm xem xét định giá đất cho phù hợp. Mặt khác, TP có chuyên đề về quản lý, xử lý rác đô thị; tiếp tục thí điểm xây dựng đô thị thông minh. Bên cạnh đó, khai thác cơ hội và ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, TP bàn với các cơ quan trung ương để có phương thức huy động hợp tác công tư làm tuyến đường Vành đai 3 và định hướng Vành đai 4.

Phát triển kinh tế là trọng tâm nhưng phải chú ý vấn đề xã hội

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được trong quý 1-2019 của TPHCM. Thủ tướng cho rằng, TPHCM phải là địa phương đi trước, đi đầu trong việc thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng TP thông minh, đô thị sáng tạo, chính phủ điện tử, cải cách hành chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh với các TP khác ở châu Á. TPHCM tiếp tục là một trong những đầu tàu quan trọng của cả nước, là trung tâm lớn, hiện đại về tài chính - thương mại - khoa học công nghệ của Việt Nam và khu vực ASEAN.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tiên phong cơ chế đặc thù ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm phòng điều hành mô phỏng thành phố thông minh của TPHCM. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TPHCM triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP; các kết luận của Trung ương để TP tiếp tục bứt phá. TP cần phân công cụ thể, tăng cường giám sát đôn đốc việc thực hiện 7 chương trình đột phá góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Cùng với đó, khơi dậy và phát huy hơn nữa truyền thống, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân TPHCM trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
“Về quy trình thí điểm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM, đây là sự tìm tòi, sáng tạo, đề xuất mới của TP. Giao Bộ trưởng Bộ TN-MT tổng hợp các ý kiến tại buổi làm việc để cùng với TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ đưa ra nghị quyết cho phép TPHCM được thí điểm”
Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC
Bên cạnh các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, TPHCM cần chú ý một số vấn đề xã hội, phát triển nông nghiệp nông thôn, môi trường. Cụ thể, có chương trình quyết liệt về phát triển nhà ở xã hội dành cho người lao động; chương trình xây dựng nông thôn mới; xử lý vấn đề nhà tái định cư; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường như rác thải, mùi hôi.
Thành phố Hồ Chí Minh: Tiên phong cơ chế đặc thù ảnh 3 Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua cầu Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về lĩnh vực hạ tầng giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận đây là vấn đề đang rất cấp bách tại TPHCM. Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức một hội nghị riêng về việc kết nối giao thông giữa TP và các tỉnh miền Tây, miền Đông để tháo gỡ các vướng mắc và bàn kỹ hơn. Ngoài ra, cũng có một hội nghị khác về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà trong đó TPHCM là trung tâm. Về đề xuất cơ chế triển khai đường Vành đai 3 và Vành đai 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ GTVT sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình phê duyệt. Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT thẩm định và báo cáo Thủ tướng.

Về tiến độ thực hiện tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro Bến Thành - Suối Tiên), Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành sớm giúp TP điều chỉnh tổng mức đầu tư để dự án được triển khai đúng tiến độ, hoàn thành kỹ thuật vào năm 2020 để vận hành chính thức 2021.

Đồng tình nhiều đề xuất của TPHCM

Tại buổi làm việc của Thủ tướng với TPHCM, đại diện Chính phủ, các bộ ngành bày tỏ ủng hộ những nội dung kiến nghị của TP, trong đó đặc biệt là thống nhất trình Chính phủ để ban hành nghị quyết cho phép TPHCM thí điểm quy trình rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.
Báo SGGP xin được trích dẫn các ý kiến tâm huyết này.
Thành phố Hồ Chí Minh: Tiên phong cơ chế đặc thù ảnh 4
* Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình:
Việc kết nối về hạ tầng, giao thông của TPHCM đang có nhiều vướng mắc, hệ thống các đường Vành đai 2, 3, 4 lẫn các trục đường xuyên tâm đều thực hiện ì ạch. Mặc dù kinh tế TP vẫn tăng trưởng nhưng chất lượng tăng trưởng còn có thể cao hơn nữa nếu dồn sức đầu tư cho hạ tầng.
Thành phố Hồ Chí Minh: Tiên phong cơ chế đặc thù ảnh 5
* Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng:
Nhất trí với kiến nghị về cơ chế đặc thù để rút ngắn quy trình giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, với nội dung tách dự án bồi thường thành một dự án riêng, bộ đã trình nhưng chưa được các cơ quan chức năng đồng ý vì còn lo sẽ tùy tiện trong áp dụng dẫn đến dự án treo.

Bộ sẽ giải trình lại với cơ quan chức năng để bảo vệ quan điểm này.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tiên phong cơ chế đặc thù ảnh 6
* Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà:
Những vấn đề mà TPHCM đề xuất phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm các quy trình. Bộ TN-MT ủng hộ đề xuất của TP về xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất để xây dựng giá bồi thường đối với các loại đất nông nghiệp. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của TP.
Bộ cũng ủng hộ phương án tách việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng thành một dự án riêng biệt. Cách này đang áp dụng cho dự án xây dựng sân bay Long Thành. Nếu không làm cách này thì sẽ không có đất sạch.
Về hệ số giá đất để bồi thường, hỗ trợ tái định cư, TPHCM cần tính toán công bố ngay từ đầu năm. Doanh nghiệp sẽ có cơ sở để tính toán những chi phí đầu tư và người dân có thông tin để đánh giá. Việc này sẽ làm tăng tính minh bạch và công bằng trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Thành phố Hồ Chí Minh: Tiên phong cơ chế đặc thù ảnh 7
* Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể:
Theo quy hoạch, TPHCM có 6 đường cao tốc kết nối với các tỉnh, nhưng hiện mới có 2 tuyến TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; mà cả 2 tuyến cao tốc này đều đã quá tải. Vì vậy, TP phải đẩy nhanh tiến độ, bởi đường vành đai và cao tốc là lối ra cho TP, tập trung đầu tư không chỉ giúp TP phát triển mà còn tạo động lực cho các tỉnh thành lân cận.

Cùng đó, TPHCM có 5 quốc lộ hướng tâm nhưng mặt đường đều nhỏ hẹp, nếu đầu tư mở rộng cần nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vì dân cư đã ổn định thời gian dài. Theo quy hoạch, thành phố có 4 đường vành đai nhưng hiện chỉ có 1 tuyến được thi công và vẫn chưa khép kín. Trong khi các tuyến này vừa giúp TP có thêm động lực phát triển, vừa giúp các tỉnh miền Đông, miền Tây. Đường Vành đai 3 và Vành đai 4 là cực kỳ quan trọng, nếu không sớm hình thành giao thông TP vô cùng hỗn độn, xe cộ phải chạy xuyên tâm, kẹt xe càng nặng hơn. Nếu đợi khi có vốn mới làm thì tiền giải phóng mặt bằng sẽ lên 5.000-7.000 tỷ đồng chứ không phải 3.000 tỷ như hiện nay.


Quy trình thí điểm rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM

* Cho TP chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân đồng thuận theo quy định tại Khoản 2, Điều 67, Luật Đất đai 2013.

* Cho TP được ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng cho các cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện công khai, minh bạch.

* Cho TP căn cứ vào giá đất nông nghiệp trong bảng giá đất đã ban hành để xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp hàng năm tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

* Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH-ĐT có ý kiến hướng dẫn về nội dung và trình tự thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng thống nhất trên cả nước và hướng dẫn xử lý đối với các dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt trước khi có Luật Đầu tư công.

* Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ việc ủy quyền cho UBND TP phê duyệt khung chính sách cho tất cả các trường hợp dự án sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài (ODA) chỉ thực hiện thu hồi đất trên địa bàn TP.

* Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu kiến nghị của UBND TP, Bộ TN-MT để hướng dẫn thực hiện thống nhất công tác thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Điều 15, Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công trên cả nước

Tin cùng chuyên mục