Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã tổng kết hoạt động năm 2018 và xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong năm 2019. Một trong những giải pháp hàng đầu là tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) để nắm bắt, tháo gỡ nhanh những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. 
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG

Tăng nhưng chưa bền vững 

Theo nhận định của ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, năm 2018, nhìn chung các chỉ tiêu của ngành công thương TP tiếp tục tăng trưởng khá, cao hơn cùng kỳ, đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2018 ước tăng 8,15% so với năm 2017; trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 9,25%, gấp 1,13 lần mức tăng chung của ngành công nghiệp TP; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.045.789 tỷ đồng, tăng 13,2%, trong đó doanh thu bán lẻ ước đạt 676.708,39 tỷ đồng, chiếm 64,7% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của DN TPHCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 38,32 tỷ đồng, tăng 7,8%...  

Quy mô sản xuất công nghiệp của TPHCM ngày càng mở rộng, các DN công nghiệp có sự gia tăng về sản lượng, nhiều dự án đầu tư mới đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, góp phần làm gia tăng chỉ số sản xuất công nghiệp TP. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp TP chiếm khoảng 45% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp 16% quy mô sản xuất công nghiệp của cả nước. Giá trị tăng thêm của 4 ngành công nghiệp chủ lực chiếm 10% tổng GRDP và 54,3% toàn ngành công nghiệp của TP. Hệ thống phân phối hàng hóa được phát triển rộng khắp đến mọi tầng lớp người dân, trong đó ưu tiên khu vực ngoại thành, KCN - KCX. Mạng lưới chợ đã từng bước được sắp xếp lại ngành hàng để phát huy công năng sử dụng. Các chợ bán buôn chuyên ngành và 3 chợ đầu mối đã hoàn tất xây dựng, đưa vào sử dụng, khai thác đầy đủ hạng mục hạ tầng, phát huy hiệu quả, làm đầu mối tập hợp và phân bổ, điều phối luồng hàng, ổn định giá cả.

Bên cạnh những mặt đạt được, ông Phạm Thành Kiên cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Cụ thể, sản xuất công nghiệp nói chung và 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của TP; đặc biệt, sự phát triển sản xuất của các ngành công nghiệp trọng yếu còn phụ thuộc vào khối DN FDI; DN sản xuất còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, còn hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh và hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa vẫn còn chưa cao. 

Chi phí đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn TP có xu hướng gia tăng: chi phí đầu tư, tiến trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bị thu hẹp, giá thuê đất ngày càng tăng dẫn đến chi phí đầu tư cho phát triển công nghiệp ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển công nghiệp. Ngoài ra, các khu công nghiệp hiện nay chủ yếu thu hút các DN lớn, nên quy hoạch khu công nghiệp thường phân lô lớn (từ 5.000m2 đến vài hécta) hoặc khi đầu tư các phân khu với quy mô nhỏ thì chi phí đầu tư hạ tầng sẽ tăng cao, dẫn đến giá cho thuê đối với các lô nhỏ cao hơn so với mặt bằng chung nên khó cho thuê. Trong khi nhu cầu đất sản xuất công nghiệp của DN nhỏ và vừa (DNNVV) chỉ cần diện tích từ 500 - 5.000m², với giá thuê phù hợp là khá phổ biến. Thực tế này đã gây nhiều khó khăn cho các DNNVV trên địa bàn TP trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp trong các khu công nghiệp để đầu tư, mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, tính liên kết giữa DN sản xuất công nghiệp các ngành, DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, các DN còn nhiều hạn chế. Tuy TPHCM đã xác định được nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực nhưng còn thiếu danh mục các nhóm ngành sản phẩm dịch vụ xuất khẩu mà TP có lợi thế. Những tồn tại này cần cố gắng khắc phục trong thời gian tới để ngành công thương phát triển bền vững, mang lại giá trị gia tăng cho hàng hóa cao hơn. 

Thúc đẩy đổi mới công nghệ 

Năm 2019 ngành công thương TPHCM xác định, mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới; nâng cao sự đóng góp của khoa học và công nghệ vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế. Hoàn thành đúng tiến độ các dự án lớn, trọng điểm ngành công nghiệp.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, ngành công thương chú trọng phát triển theo hướng bền vững, vận dụng phù hợp các quy định và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để bảo vệ lợi ích chính đáng của DN và người dân trong nước; phát triển thị trường nội địa, tận dụng tối đa các lợi thế và giảm thiểu các tác động bất lợi trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký kết. Đồng thời, tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh DN khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển DNNVV, DN khởi nghiệp, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới.

Để thực hiện được mục tiêu tổng quát nêu trên, ông Phạm Thành Kiên cho biết, Sở Công thương TPHCM sẽ tập trung triển khai các giải pháp, đi vào từng vấn đề thật cụ thể, trong đó công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN được xem là nhiệm vụ hàng đầu của ngành công thương. Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp TP, các hội ngành nghề, sở ngành chức năng để xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể về nội dung phối hợp và nội dung cần hỗ trợ giai đoạn 2019-2020. Thông qua phối hợp, sở sẽ tổng hợp thông tin về nhu cầu tín dụng của DN; giới thiệu, kết nối DN với các quỹ tín dụng của TP, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM tiếp tục triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Sở Công thương TPHCM chủ động đề xuất UBND TP tổ chức kết nối dành cho đối tượng là các DN xuất nhập khẩu và DN công nghiệp hỗ trợ.

Song song đó, sở triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của TP. Nghiên cứu tham mưu các chính sách hỗ trợ cho các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực; từ đó tập trung nguồn lực hỗ trợ các nhóm sản phẩm này tiếp tục phát triển, đủ sức lan tỏa, dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và làm động lực cho toàn ngành công nghiệp, chủ yếu tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn về mặt bằng, về cơ chế vốn, về khoa học - công nghệ, về đào tạo nhân lực, về xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu với các nội dung như bổ sung danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng TPHCM vào chương trình kích cầu đầu tư theo Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND ban hành Quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP giai đoạn 2018-2020. Định hướng phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực và sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Xây dựng cơ sở dữ liệu nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực để kết nối sản xuất với tiêu thụ. 

Trong lĩnh vực thương mại, sở tiếp tục triển khai chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành. Ngoài việc duy trì củng cố mặt hàng, cần tạo điều kiện cho DN TP mở rộng sản xuất, phân phối sản phẩm đến với các tỉnh, thành. Triển khai Chương trình bình ổn thị trường, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tạo nguồn hàng, mở rộng mạng lưới phân phối, cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành, tạo ra nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường; kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin thị trường, điều phối hàng hóa, phối hợp xử lý biến động thị trường.

 Triển khai Đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo bước phát triển đột phá, dựa trên lợi thế cạnh tranh đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của TP. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TPHCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển công nghiệp TPHCM đến năm 2030; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cơ khí TPHCM đến năm 2030; Quy hoạch phát triển điện lực TPHCM giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035; Đề án thành lập Trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất TP xây dựng kế hoạch xúc tiến đối với từng thị trường xuất khẩu tại các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN tận dụng tốt nhất các cơ hội xuất khẩu, hướng đến phát triển bền vững. 

Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 
1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
- Chỉ tiêu năm 2019: IIP toàn ngành tăng 8% - 8,2%, trong đó IIP của 4 ngành trọng yếu tăng 8,2% - 8,4% so với năm 2018.
- Cơ sở xây dựng: Tỷ lệ giữa tăng trưởng IIP so với tăng trưởng GRDP công nghiệp đạt 0,99%. Chỉ tiêu GRDP công nghiệp năm 2019 tăng 8,1%.
2. Tổng mức bán lẻ hàng hóa (thương nghiệp)
- Chỉ tiêu 2019: tăng 12% so với năm 2018.
- Cơ sở đề xuất: 
  + Căn cứ số liệu tính toán dự báo Quy hoạch thương mại trước đây thì đến năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa là 1.118.805 tỷ đồng và năm 2018 đã đạt 1.045.789,7 tỷ đồng (gần đạt quy mô dự báo đến năm 2020).
 + Trong trường hợp không có những tác động tích cực đáng kể thì sẽ kết thúc chu kỳ tăng trưởng đi lên (giai đoạn 2016-2020 là 8,55% - 11,53%) và bắt đầu sang chu kỳ tăng trưởng khác (2021-2025 là 10,89% - 12,52%). Do đó, căn cứ kết quả chỉ tiêu năm 2018 thì thương nghiệp năm 2019 có thể phấn đấu tăng khoảng 12%.
3. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) của các DN TP qua cửa khẩu cả nước phấn đấu tăng 11%.

Tin cùng chuyên mục