Tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, vướng mắc lớn nhất làm kéo dài thời gian xử lý nợ, giảm giá trị thu hồi nợ từ xử lý tài sản bảo đảm là việc bên bảo đảm không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý như đã cam kết trong hợp đồng bảo đảm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trình bày Tờ trình. Ảnh: quochoi.vn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trình bày Tờ trình. Ảnh: quochoi.vn
Chiều 22-5, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, vướng mắc lớn nhất làm kéo dài thời gian xử lý nợ, giảm giá trị thu hồi nợ từ xử lý tài sản bảo đảm là việc bên bảo đảm không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho bên nhận bảo đảm để xử lý như đã cam kết trong hợp đồng bảo đảm.
Dự thảo Nghị quyết quy định TCTD được thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ khi có đầy đủ một số điều kiện như TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận; có thỏa thuận về quyền thu giữ TSBĐ trong thỏa thuận giao dịch bảo đảm (để bảo đảm việc thu giữ tài sản bảo đảm là thỏa thuận, tự do ý chí của các bên); giao dịch bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật (bảo đảm quyền của TCTD đã phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba). Trách nhiệm thông báo của bên nhận bảo đảm và sự tham gia của cơ quan nhà nước (để bảo đảm TCTD, VAMC không lạm quyền) cũng là những điều kiện cần có. 
Dự thảo Nghị quyết cũng bổ sung nhiều quy định khác được kỳ vọng giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm của TCTD, như quy định về điều kiện chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản đảm bảo xử lý tình trạng dự án treo, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là người mua nhà tại dự án bất động sản; quy định về tài sản của người phải thi hành án đang là tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự...
Về thuế, phí, dự thảo Nghị quyết đã quy định miễn các loại thuế, phí khi chuyển nhượng tài sản liên quan đến việc sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt; người được thi hành án là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được miễn phí thi hành án dân sự khi thu hồi nợ. 
Chiều cùng ngày, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã trình Quốc hội, sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận trong những ngày làm việc tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục