Tháo nút thắt hạ tầng giao thông

Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; các bộ, ngành và địa phương vùng ĐBSCL về việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vùng này, nhằm tìm kiếm các giải pháp tháo “nút thắt” về hạ tầng giao thông, giúp ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát vị trí xây dựng cầu Đại Ngãi. Ảnh: MINH LUÂN
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát vị trí xây dựng cầu Đại Ngãi. Ảnh: MINH LUÂN
Chậm tiến độ do thiếu vốn
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, giai đoạn 2010 - 2015, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của ĐBSCL đã được đầu tư, hoàn thành 40 dự án với tổng vốn đầu tư 43.682 tỷ đồng (tương đương 11,5% tổng vốn đầu tư thực hiện của ngành giao thông trong cả nước). Hiện còn 26 dự án đang được đầu tư với tổng số vốn khoảng 88.910 tỷ đồng, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách hơn 21.500 tỷ đồng. Các công trình trọng điểm là dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mekong gồm: cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh; dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. 
Để bảo đảm nguồn vốn thực hiện cho các dự án ở ĐBSCL, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ sớm xem xét bổ sung nguồn vốn dự phòng giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng, để triển khai hoàn thành 6 dự án đang thi công, 22.645 tỷ đồng để khởi công mới 17 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Trần Văn Thể, tuyến đường từ Cà Mau đến Sóc Trăng rồi qua Trà Vinh - Bến Tre - TPHCM rút ngắn khoảng cách 70 - 80km so với quốc lộ 1. Nếu làm sớm sẽ tạo ra trục giao thông rất thuận lợi, trong đó điểm chính là nút thắt cầu Đại Ngãi (Sóc Trăng) có vốn khoảng 8.700 tỷ đồng. 
Về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ GTVT và nhà đầu tư báo cáo phải đến giữa năm 2020 mới xong. Theo Bộ GTVT, dự án này có quy mô 51,1km, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 14.600 tỷ đồng (hiện điều chỉnh còn khoảng 9.600 tỷ đồng), được động thổ từ tháng 2-2015 nhưng “giậm chân” cho tới nay vì vướng nguồn vốn khi các ngân hàng thương mại lúc đó rút khỏi dự án.
Ông Phan Anh Dũng,  Giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết, hiện tại đã giải phóng mặt bằng được khoảng 50%, dự kiến đến tháng 7 giải ngân cơ bản cho giải phóng mặt bằng khoảng 1.200 tỷ đồng trong tổng số 1.700 tỷ đồng vốn giải phóng mặt bằng cho dự án này và sẽ triển khai thi công, quyết tâm đến giữa năm 2020 sẽ thông xe. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án trong năm 2019 bởi hiện tại nguồn vốn đã được đảm bảo, giải phóng mặt bằng cũng đã cơ bản hoàn thành, hiện tại khó khăn của dự án chỉ là nguồn cát san lấp mà thôi.
Quyết liệt tháo gỡ
Hiện nay ĐBSCL có đến 80% khối lượng hàng hóa phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại TPHCM để xuất khẩu. Thế nhưng, hệ thống đường bộ trong toàn khu vực vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ và còn nhiều trở ngại trong đầu tư. “Giao thông phải đi trước một bước để phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Các dự án hoàn thành tạo điều kiện cho các sản phẩm nông sản của người dân ĐBSCL có cơ hội giao thương với các sản phẩm khác trong các vùng của cả nước, khu vực và thế giới”, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho biết.
Theo ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, người dân đã lên tiếng rất nhiều về đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các địa phương ở ĐBSCL về các dự án cao tốc này, nhưng thời gian qua lại vướng mắc ở khâu vốn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, các địa phương trong vùng rà soát quy hoạch, có kế hoạch khai thác sử dụng hợp lý nguồn cát, phục vụ nhu cầu cho các dự án giao thông, nhưng không làm ảnh hưởng đến các dòng sông, đồng thời, bảo đảm vấn đề về môi trường. Bên cạnh đó, Bộ GTVT và các đơn vị hữu quan cũng cần nghiên cứu, tìm các vật liệu thay thế cát nền và cát xây dựng. Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT báo cáo, đề xuất với Chính phủ nhằm bảo đảm cân đối vốn đầu tư, nguồn vốn đối ứng cho các công trình.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ GTVT và các ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đầu tư kết cấu hạ tầng của ĐBSCL hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, hệ thống giao thông trong vùng vẫn còn một số lĩnh vực chưa được khai thác triệt để so với công suất đầu tư, nhất là giao thông hàng không, hệ thống cảng biển, đường thủy nội địa.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những nút thắt về giao thông, đặc biệt, những nút thắt nằm dọc trục lớn, nhất là tuyến cao tốc TPHCM đến Cần Thơ, nút thắt quốc lộ 60, nút thắt N2 Cao Lãnh, Trung Lương. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để sớm triển khai dự án cầu Đại Ngãi, đến năm 2020, dự án này phải hoàn thành. Bộ GTVT sớm rà soát lại 2 dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tuyến N2, tổng đầu tư trên 26.000 tỷ đồng, có 2 cụm dự án chính là Cao Lãnh đến Vàm Cống.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách và quy định của pháp luật về đầu tư; hoàn thiện kế hoạch nạo vét, quản lý đường hàng hải và đường thủy nội địa, thúc đẩy hạ tầng giao thông ĐBSCL phát triển hoàn thiện.

Tin cùng chuyên mục