Thấp thỏm trước miệng hà bá

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt TPHCM (PCLBTP), thành phố hiện có 53km bờ sông đang có nguy cơ sụp bất cứ lúc nào. Mùa mưa bão đang đến, đất mềm cộng với chân triều thấp thì nguy cơ này lại càng cao. Trong khi tính mạng và tài sản của người dân đang bị đe dọa hằng ngày thì các dự án chống sạt lở lại triển khai theo tốc độ… “rùa bò”.
Thấp thỏm trước miệng hà bá

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt TPHCM (PCLBTP), thành phố hiện có 53km bờ sông đang có nguy cơ sụp bất cứ lúc nào. Mùa mưa bão đang đến, đất mềm cộng với chân triều thấp thì nguy cơ này lại càng cao. Trong khi tính mạng và tài sản của người dân đang bị đe dọa hằng ngày thì các dự án chống sạt lở lại triển khai theo tốc độ… “rùa bò”.

Tai họa chực chờ

Thấp thỏm trước miệng hà bá ảnh 1

Những vết sạt lở trên khu vực cầu Mương Chuối

Theo Khu Đường sông, hiện tượng sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch thường tập trung vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm.

Do thời gian này mực nước chân triều cường thấp nhất, mưa lại nhiều nên làm mềm đất, rất dễ bị sụt lở. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn TPHCM có 62 điểm có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài ước chừng 53km.
 
Dọc theo sông Mương Chuối thuộc địa bàn huyện Nhà Bè, chúng tôi ghi nhận nhiều đoạn có nguy cơ sạt lở cao. Nhất là đoạn gần chân cầu Mương Chuối (xã Nhơn Đức), nơi đã từng xảy ra sạt lở cách đây không lâu nhưng vẫn chưa thấy triển khai các phương án phòng chống sạt lở căn cơ  ngoài việc treo các tấm biển cảnh báo nguy hiểm nguy cơ sạt cao.

Ghi nhận của PV Báo SGGP 12 Giờ, trên sông Mương Chuối hiện nay xuất hiện những đoạn có nguy cơ sạt lở rất cao như đoạn từ ngã ba rạch Bà Chiêm đến ngã ba rạch Tôm; đoạn từ rạch Bà Chiêm đến cầu Phước Kiển; đoạn từ cầu Mương Chuối về phía thượng lưu và hạ lưu (thuộc xã Nhơn Đức và xã Phú Xuân)…

Tại một số sông rạch trên địa bàn huyện Nhà Bè cũng xuất hiện dấu hiệu sạt lở như rạch Tôm (khoảng 150m - đoạn từ cầu Bà Sáu về phía thượng lưu); rạch Dơi (gần 2.000m – đoạn từ cần Phước Long về phía hạ lưu đến ngã ba rạch Tôm, sông Phú Xuân (khoảng 3.000m – khu vực cầu Phú Xuân)…

Điều đáng báo động là hiện nay tại những điểm này đã có dấu hiệu đất bị lún sụt và xuất hiện nhiều vết nứt. Nhất là khu vực gần cầu Mương Chuối, một số nhà dân đã có dấu hiệu nứt tường, nhà nghiêng ra bờ sông.

Ngoài khu vực huyện Nhà Bè, hiện nay tại các sông rạch khu vực quận 9, Bình Thạnh, Cần Giờ… đều xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao. Cụ thể, khu vực quận 9 hiện có gần chục đoạn có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài gần 2km trên sông Đồng Nai và sông Tắc chảy qua địa bàn phường Long Phước.

Còn tại huyện Cần Giờ, theo thống kê cũng có 11 điểm có nguy cơ sạt lở với chiều dài trên 1,3km chủ yếu tập trung ở rạch An Nghĩa, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu. Nhưng nguy cơ sạt lở cao nhất vẫn phải kể đến khu vực Thanh Đa (quận Bình Thạnh).

Khu vực này đã từng xảy ra rất nhiều vụ sạt lở làm hàng loạt căn nhà chìm xuống sông. Mặc dù, đã được UBNDTP ưu tiên tập trung nhiều dự án chống sạt lở nhưng đến nay còn đến 9 điểm có nguy cơ sạt lở cao trong đó có những điểm đã từng bị sạt lở gây hậu quả nghiêm trong như đoạn gần cầu Kinh (kênh Thanh Đa), khu vực nhà hàng Hoàng Ty (sông Sài Gòn) …

Các dự án chống sạt lở: Thiếu vốn!

Thấp thỏm trước miệng hà bá ảnh 2
Một vụ sạt lở nhấn chìm nhiều nhà dân xuống kênh Thanh Đa (Bình Thạnh)

Mặc dù tình trạng sạt lở đã đến lúc báo động (năm 2008, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 điểm bờ sông bị sạt lở, cuốn trôi trên 6.000m² đất và 15 căn nhà xuống sông) nhưng các dự án chống sạt lở triển khai rất ì ạch...

Theo Khu Đường sông, hiện tại mới chỉ có 3 trong số 22 dự án phòng chống sạt lở được triển khai, chủ yếu tập trung tại những khu vực có dân cư đông.

Trong số đó chỉ mới có dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa (đoạn 1.1 dài 478m) tổng mức đầu tư gần 41 tỷ đồng đã hoàn thành.

Còn dự án chống xói lở khu vực cầu Phước Long và cầu Rạch Tôm (Nhà Bè) có tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng được khởi công vào cuối năm 2008 đến nay đang còn thi công cầm chừng do thiếu vốn.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2009, nếu hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, sẽ khởi công thêm 4 công trình, tất cả các công trình đó đều ở huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, theo Khu Đường sông (đơn vị chủ đầu tư các dự án trên) cho biết, khó có thể hoàn thành theo kế hoạch vì các công trình đều không có… vốn.  Thậm chí, dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa (đoạn 1.1) đã hoàn thành từ tháng 1-2009 nhưng hiện nay vẫn còn nợ nhà thầu gần 7 tỷ đồng!

Ngoài ra, trong số các dự án thì có 2 dự án quan trọng cần triển khai ngay nhưng vẫn chưa được cấp vốn đó là dự án quy hoạch chỉnh trị hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn TPHCM và dự án nghiên cứu xác lập giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông Sài Gòn.

Nếu hoàn thành 2 dự án này thì có thể cảnh báo mức độ sạt lở một cách khoa học; không còn cảnh báo sạt lở ghi nhận thực tế từ những đoạn đã từng sạt lở tiếp mà có thể cảnh báo được nguy cơ các điểm sạt lở mới.

Qua đó sẽ có phương án phòng chống hiệu quả, chứ không phải làm theo kiểu sạt lở đâu chống đó sẽ dẫn đến thay đổi dòng chảy khiến cho chỗ khác bị sạt lở tiếp.

Qua khảo sát thực tế, Ban Chỉ huy PCLBTP và Khu Đường sông nhận định tình hình sạt lở trên địa bàn TP ngày càng diễn biến phức tạp và xảy ra trên diện rộng. Thời gian tới, có hàng ngàn căn nhà cần phải di dời do ảnh hưởng các điểm sạt lở.

Đặc biệt trong mùa mưa bão tới, sạt lở bờ sông sẽ là hiểm họa nên những hộ sống gần những điểm đã được cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở cần có những phương án di dời khẩn cấp khi sự cố sạt lở xảy ra.

HỒ THU (SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục