Thắt chặt quản lý cơ sở nguy hiểm về cháy nổ

Qua điều tra cơ bản, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM ghi nhận, hiện trên địa bàn TP có 1.082 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC đã đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC 27/2001/QH10 được ban hành. Và từ năm 2006 đến nay, có 57 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản xảy ra ở nhóm đối tượng này.
Cảnh sát PCCC không thể xử phạt đối với nhiều vi phạm nghiêm trọng về phòng chống cháy, nổ tại các cơ sở hoạt động trước luật trên địa bàn
Cảnh sát PCCC không thể xử phạt đối với nhiều vi phạm nghiêm trọng về phòng chống cháy, nổ tại các cơ sở hoạt động trước luật trên địa bàn
Quá chậm!
Thực trạng hỏa hoạn xảy ra tại các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là nhà ở kết hợp kinh doanh đang trong tình trạng báo động. Tuy nhiên, do nhiều cơ sở kinh doanh xây dựng trước khi Luật PCCC có hiệu lực và không đáp ứng các điều kiện an toàn về PCCC nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. 
Điều bất cập đáng nói đối với loại hình cơ sở này dù luôn hiện hữu rất nhiều nguy cơ dẫn đến cháy nổ, cũng như không đảm bảo an toàn thoát nạn khi có hỏa hoạn xảy ra... nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC TP chỉ có thể kiến nghị, hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy định về an toàn PCCC chứ không thể xử phạt hay áp dụng các biện pháp chế tài mạnh mẽ, đủ sức răn đe để bắt buộc cơ sở phải thực hiện các giải pháp an toàn PCCC theo quy định hiện hành. Điều này đã vô tình tiếp tay cho những người chủ cơ sở thiếu ý thức phớt lờ công tác PCCC và đã dẫn đến không ít hậu quả nghiêm trọng.
Là một trong những người xây dựng soạn thảo nghị quyết, Đại tá Trần Thanh Châu, nguyên Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, trăn trở từ năm 2014 đến 2017 đã gần 4 năm, nhưng nghị quyết quy định xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TPHCM được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực chưa thực hiện được.
“Chậm quá! Nếu còn chậm nữa thì hơn 1.000 cơ sở cháy hết thì khỏi cần nghị quyết. Những cơ sở này xây dựng trước khi luật ban hành nên sai phạm vẫn tồn tại, chúng tôi không xử lý được vì xử lý phải theo luật. Bởi vậy cần có nghị quyết. Cần khẩn trương ban hành nghị quyết”, Đại tá Châu nhấn mạnh.
Bổ sung nội dung tuyên truyền pháp luật 
Trao đổi với chúng tôi, đại diện huyện Bình Chánh cho rằng, việc thực hiện nghị quyết là cấp bách và cần thiết. Huyện Bình Chánh có khoảng 400 cơ sở kinh doanh. Người dân cũng muốn xây dựng hồ nước chữa cháy, các điều kiện khác về an toàn PCCC nhưng không có kinh phí, vì thế rất cần TP hỗ trợ cơ sở bằng các biện pháp như cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật...
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đồng thời căn cứ vào Điều 63a Luật Sửa đổi bổ sung của Luật PCCC về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực, cũng như thực hiện một số văn bản chỉ đạo của cấp trên, Cảnh sát PCCC TPHCM đã chủ động tham mưu và trình  HĐND TPHCM dự thảo nghị quyết quy định xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn TPHCM được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực. 
HĐND TPHCM cũng đã tổ chức 2 buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp trên địa bàn TP đối với dự thảo nghị quyết để hoàn thiện, ban hành trong thời gian tới. 
PGS-TS, Đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC (Bộ Công an), phân tích: “Việc phải xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về an toàn PCCC trên địa bàn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc xử lý như thế nào để vừa đáp ứng yêu cầu an toàn PCCC vừa tạo điều kiện cho cơ sở tiếp tục sản xuất, kinh doanh; hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do phải di dời, xây dựng mới là rất quan trọng. Vì vậy cần nghiên cứu kỹ thuật, đặc điểm kiến trúc của cơ sở và đối chiếu với điều kiện về an toàn PCCC để có giải pháp thiết kế phù hợp - cả về kỹ thuật, mỹ thuật, kinh tế và an ninh. Cảnh sát PCCC TP cần có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và nghiệm thu trước khi đưa vào vận hành theo quy định”.
Bên cạnh đó, các thiếu sót thuộc về điều kiện an toàn và phòng chống cháy lan đòi hỏi bổ sung hoặc thay đổi kiến trúc nhà, công trình đã xây dựng; thiếu sót liên quan đến hệ thống PCCC có thể thiết kế, lắp đặt bổ sung để đảm bảo an toàn cho cơ sở. Điều này hoàn toàn có thể xử lý, khắc phục bằng những giải pháp kỹ thuật. Ngoài ra, cần bổ sung thêm điều về tuyên truyền, giáo dục ý thức, kiến thức pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ PCCC để mọi người hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành; đặc biệt là hướng dẫn các thao tác sử dụng các dụng cụ, phương tiện PCCC tại chỗ, phương án xử lý an toàn khi có cháy nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.

Tin cùng chuyên mục